Ông như bị điện giật, ngồi thẳng dậy, vội vàng lấy chiếc áo mặc vào: 'Sao, em nói gì? Em là…..', còn cô gái thản nhiên: 'Em là học trò trường của thầy đây, H., lớp 11B năm…'. Vị cán bộ như bị trời trồng trong phòng massage.
Một cán bộ khá nổi tiếng kể lại câu chuyện dở khóc dở cười tại thủ đô Hà Nội. Năm ấy, ông ra thủ đô họp. Họp xong, mấy người bạn rủ đi massage thư giãn. Ông vào phòng, nằm lim dim chờ “nữ nhân viên” vào phục vụ. Lát sau có tiếng tiếng bước cô nhân viên vào. Nhìn thấy ông, cô ta khựng lại một lát rồi mới “làm nhiệm vụ”.
Các điểm massage ở Thủ đô tràn ngập các các cô gái miền Tây
Thái độ của cô ta khiến ông cũng ngạc nhiên vì sao nhìn mình chằm chằm như vậy? Ông lên tiếng: “Em tên gì? Quê ở đâu?”. Cô gái đang băm lưng cho ông chậm rãi hỏi lại: “Anh không nhớ em thật sao?”.
Ông càng ngạc nhiên hơn khi giữa Thủ đô nghe giọng của cô gái miền Tây, và cô gái hỏi như vậy nghĩa là ông và cô ta có quen nhau? Ông lục trong trí nhớ của mình vẫn không tìm ra mối quan hệ nào với cô gái này. Ông hỏi lại: “Anh không biết em thiệt mà. Em ở đâu?”.
Cô gái cứ thủng thẳng “làm nhiệm vụ” đấm lưng cho ông. Ngập ngừng một chút, cô ta nhẹ nhàng nói: “Hồi đó thầy mà không kỷ luật em thì em đâu có ra nông nỗi này?”. Ông như bị điện giật, ngồi thẳng dậy, vội vàng lấy chiếc áo mặc vào: “Sao, em nói gì? Em là…..”, cô gái: “Em là học trò trường của thầy đây, H., lớp 11B năm….”.
Vị cán bộ như bị trời trồng trong phòng massage. Lời kể của cô gái đã làm ông nhớ đến những năm là hiệu trưởng trường cấp 3 thị xã S. Năm ấy, học sinh H. (đang là cô gái massage cho ông) vi phạm kỷ luật vì đánh bạn gây thương tích.
Hội đồng kỷ luật nhà trường đề nghị đuổi học, ông đã ký quyết định như đề nghị của hội đồng.
Buổi tối hôm đó, ông vừa đi về tới cửa nhà thì gặp cô học sinh đang đứng chờ, thấy ông, cô quỳ xuống níu lấy tay ông: “Em lạy thầy đừng đuổi học em. Tại con nhỏ đó nó cứ nói xấu, chê bai ba má em hoài. Nhà em nghèo, phải mượn tiền góp nhà nó, chậm trả, nó chửi, kể tùm lum cho bạn bè em nghe. Em đi học chỉ có một cái áo dài, bị rách, nó cũng chọc ghẹo em là lượm ở thùng rác mặc nên em tức quá mới đánh nó”.
Ông nghe kể, cũng có chút mủi lòng, nhưng quyết định đã ký rồi, thay đổi phiền phức quá nên ông đành phớt lờ.
Tiếng van xin trên gương mặt non nớt ám ảnh ông suốt thời gian sau đó. Dần dà, thời gian phủ lên niềm cảm thương ấy lớp bụi giúp ông hết dằn vặt. Vậy mà, không ngờ hôm nay…
Cô gái kể tiếp: “Van xin thầy, năn nỉ không được, em hận đời. Vì nghèo mà bị trêu chọc, nói xấu, nay lại bị đuổi học, ước mơ học cho có nghề đi làm giúp ba mẹ nuôi em bị dập tắt, em định tự tử nhưng thấy cảnh ba mẹ khổ cực, các em còn nhỏ, chết không đành. Vậy là em bỏ nhà đi xuống Cần Thơ xin làm tiếp viên nhà hàng bia ôm !”.
Có tiền, cô gởi về giúp gia đình. Hai đứa em ngày càng lớn, ba mẹ ngày càng có tuổi, bệnh tật triền miên, nhu cầu tiền của gia đình ngày càng nhiều, cô phải bán mình tự lúc nào không hay.
Các nhà hàng đổi "đào" liên tục, cô trôi dạt hết nhà hàng này đến nhà hàng khác riết rồi khách quen nhẵn mặt, chủ quán không kêu nữa, cô đành khăn gói đi lên Sài Gòn. Từ thành phố, cô lần ra tới thủ đô Hà Nội hành nghề. Như trò đùa trớ trêu của số phận, nay cô gặp lại ông trong hoàn cảnh này….
Oan gia ngõ hẹp
Ông Bảy L, nguyên phó chủ tịch huyện nằm dọc sông Hậu thuộc tỉnh C. Lần nọ ông ra Hà Nội công tác. Buổi tối, sau khi được tiếp đãi ăn uống xong, ông được mời đi massage.
Đang có rượu trong người, ông nửa mê nửa tỉnh, vào phòng nằm lim dim ngủ. Lát sau ông chợt thấy đau điếng người, mở mắt ra thấy cô gái “nhân viên massage” đang đứng trên lưng ông đạp những cú như trời giáng. Ông tỉnh dậy, bực mình quát lớn: “Cô làm ăn kiểu gì mà như đánh đập khách vậy!”.
Thật ngạc nhiên, cô gái bước xuống mắt nhìn ông trừng trừng: “Cái đau của ông ăn thua gì với cái đau của cả nhà tôi!”. Ông há hốc mồm ngạc nhiên: “Cô ăn nói gì kỳ vậy? Tôi liên quan gì mà cô nói khó nghe quá!”.
Cô gái kêu đích danh tên, chức vụ của ông ra quát: “Ông đã chỉ đạo cưỡng chế lấy đất nhà tôi khiến nhà tôi tan nát, tôi phải đi vào con đường này ông thấy chưa?”.
Vị phó chủ tịch chết lặng người, gặng hỏi: “Cô là con nhà ai, ở đâu?”. Cô gái liền kể một mạch rành rẽ đầu đuôi chuyện đất nhà mình trong ấy bị giải tỏa ra sao, đền bù thế nào… Sau đó, nhà cô phải đi nơi khác, làm ăn khó khăn thất bại, nợ nần vây quanh, cô đành làm nàng Kiều để cứu gia đình và trôi dạt ra đây!
“Đúng là oan gia ngõ hẹp”, vị phó chủ tịch huyện tặc lưỡi. Ông không biết phải giải thích thế nào cho cô gái hiểu, ông chỉ là cấp thừa hành, còn mức đền bù, giải tỏa là chính sách của cấp trên. Ông làm khác đi cũng phải đi tù như chơi.
Dù sao đoạn kết giữa ông và cô gái lần “hội ngộ” giữa Thủ đô cũng thật có hậu, cô gái không còn giận ông sau khi nghe ông giãi bày và khuyên bảo cô. Ông tặng cô một số tiền nhỏ và mong cô gặp nhiều may mắn, hẹn gặp lại ở quê hương.
Miền Tây ở sơn cước
Vào một ngày lạnh giá cuối năm, chúng tôi có dịp lên tận Lai Châu. Vào một quán ăn sang trọng, được các cô sơn nữ phục vụ. Tưởng rằng vậy hóa ra lầm chết! Mới hỏi thăm được một câu khách suýt bật ngửa vì các “sơn nữ” đều nói giọng…miền Tây.
Một nhà hàng tại Ba Vì có nhân viên phục vụ là các cô gái miền Tây
Hỏi ra mới biết, chỉ có bộ quần áo đang mặc là “sơn nữ”, còn lại tất tần tật là gái miền Tây. Một người trong đoàn nhận “đồng hương” với một sơn nữ giả quê ở Bến Tre. Cô tên Trúc, ra Bắc được một năm hành nghề tại Hà Nội, dạt lên đây do không cạnh tranh nổi với dàn em út trẻ măng mới ra lò dưới Thủ đô. Tất nhiên là những em này phần lớn từ miền Nam tràn ra.
Cô cho hay, gái ở các quán sang trên này phần lớn đều từ miền Tây ra “làm”. So với “ở trỏng”, làm trên này có thu nhập cao hơn. Một lần khác, đi lên Ba Vì, vào ăn đặc sản lợn, gà trong một nhà hàng là căn nhà rộng rãi ấm cúng của người Mường.
Trời vào mùa đông gió rít từng cơn lạnh căm căm. Các món ăn được dọn lên bày dưới sàn nhà. Các cô gái phục vụ ngoan ngoãn xuất hiện. Và, ngạc nhiên chưa, họ nói giọng miền Tây.
Hỏi thăm một hồi, cô Lan (tên cô gái tự giới thiệu) cho hay: “Em lên đây làm được 4 tháng rồi. Lúc đầu cũng buồn lắm, mùa đông lạnh quá trời, chưa quen bị cảm hoài. Nay đã quen, sống cũng được”. Câu chuyện ngắt quãng vì cô phải chạy qua chạy lại rót rượu cho khách. Có vị khách “mời” lại, tất nhiên cô không thể từ chối.
Trong số 6 cô “nhân viên” ở nhà hàng đặc sản vùng Ba Vì này, đã có 4 cô là gái miền Tây, quê ở các tỉnh Đồng Tháp, Cà Mau, Bạc Liêu, Bến Tre.
Lan tiết lộ: “Đàn ông xứ Mường khoái tụi em lắm, họ thích nghe giọng nói miền Nam và 'phong cách' phục vụ hết mình của gái miền Tây. Có những ông đã bán cả trâu để có tiền 'bao' em gái miền Tây 'mua' những phút giây lạ lùng bên người đẹp".