Con đồng tính bị cha mẹ cắt tóc, trát tỏi lên người

Thứ ba, 04/09/2012, 09:48
“Người đồng tính không đấu tranh để tìm và khẳng định sự khác biệt. Người đồng tính đấu tranh để được là chính mình, để được yêu người mình yêu, để được sống cuộc sống hạnh phúc bình thường, giản dị như bao người khác” - thông điệp từ Chương trình “Hiểu về LGBT - Những điều bạn cần biết”.
Chương trình đã thu hút được sự quan tâm của đông đảo các bạn trẻ về vấn đề đồng tính nam, đồng tính nữ, người song tính và người chuyển giới.
 
Những chuyện buồn tê tái
 
Là một người nhiều năm gắn bó và hoạt động trong tổ chức của những người LGBT (đồng tính nữ, đồng tính nam, người song tính và người chuyển giới), anh Lương Thế Huy - thành viên ICS, tổ chức của cộng đồng LGBT tại Việt Nam chia sẻ những câu chuyện đời thường, chân thật nhưng cảm động và đầy ám ảnh về hành trình đi tìm giá trị bản thân của những người đồng tính.
 
Đó là câu chuyện của một bạn trẻ, khi bị gia đình phát hiện ra việc bạn là người đồng tính thì đã có những phản ứng rất quyết liệt. Mẹ bạn đã nhốt bạn trong nhà, xích chân bạn gần nhà vệ sinh, và cho bạn ăn như một con thú nuôi.
 
dt.jpg - 42.88 KB
Các bạn trẻ tham gia chương trình

Có bạn trẻ chuyển giới muốn để tóc dài, với mong muốn ý thức được giá trị của mình cũng như giới tính của bản thân. Nhưng, trong một đêm đang ngủ, bạn trẻ ấy bị ba mình cầm dao xén tóc. Những tiếng kêu khóc, gào lên trong đau đớn: “Tại sao ba làm như vậy, ba giết con đi, ba đừng làm như vậy…” của bạn trẻ ấy cũng không làm thay đổi được người cha.
 
Một bạn trẻ khác, khi người thân phát hiện bạn là người đồng tính đã coi bạn như bị “ma ám”. Họ buộc bạn đứng ở giữa nhà, cầm một chậu tỏi băm, trát lên người bạn từ đầu đến chân…
 
“Bạn ấy đứng yên cho họ làm như vậy, chảy nước mắt. Mẹ nhốt bạn ấy trong nhà cả tuần. Bạn nuôi ý định tự tử… Khi bạn treo cái dây lên trần nhà và đứng trên giường thì cái giường phát ra những tiếng ọp ẹp. Bạn nhớ ra tuần trước mẹ nói bạn sửa lại cái giường mà bạn chưa làm được. Thế là bạn quên đi việc tự tử, sửa lại cái giường cho mẹ…
 
Rồi bạn cũng trốn được ra khỏi nhà, nhưng lại bị hai người cậu bắt lại. Hai ông ấy chạy theo nó, vừa cầm gậy vừa kêu: Chúng tao đập chết mày…! Bạn thì vừa chạy vừa la: Cướp…Cướp…Cướp. Người dân xúm lại túm hai ông cậu, bạn chạy thoát. 4h sáng hôm sau, bạn đặt chân lên đất Sài Gòn với một chiếc dép, chiếc còn lại đã đánh rơi tại Nha Trang. Một chiếc dép là tài sản duy nhất bạn mang trên người với bộ quần áo đang mặc…”.
 
Cần lắm sự bao dung
 
Anh Lương Thế Huy khẳng định rằng: “Ngã rẽ cuộc đời của người đồng tính bắt đầu khi con người biết kỳ thị. Xã hội đang nói với người đồng tính rằng: Người đồng tính không được có việc làm, người đồng tính không được kết hôn”.
 
dt1.jpg - 56.18 KB
Lương Thế Huy - thành viên ICS chia sẻ với các bạn trẻ.

Huy nhấn mạnh, người đồng tính không có cơ hội tìm kiếm việc làm, kể cả là đi bưng cơm trong quán ăn. Người đồng tính bị xua đuổi và xa lánh. Có khi, một nhóm người đồng tính đi vào một cái chợ, người ta còn bắc loa phát ầm ầm rằng: Có một nhóm người đồng tính, mặc áo gì, quần gì đang đi vào chợ, bà con cẩn thận mất trộm. Khinh miệt người đồng tính đến thế là cùng.

“May mà người đồng tính còn quyền bầu cử”, Huy xót xa.

 
Nói về việc kết hôn của người đồng tính, anh khẳng định: “Kết hôn không phải là đặc quyền của những người dị tính. Người đồng tính hay chuyển giới cũng cần được kết hôn với nhau. Kết hôn chỉ làm tăng hạnh phúc cho con người, tạo cơ hội cho một nhóm người tiến tới hạnh phúc. Người đồng tính có mong muốn được kết hôn, được pháp luật thừa nhận, để họ được chăm sóc, yêu thương và có trách nhiệm với nhau như những người dị tính”.
 
Điều Huy trăn trở nhất, cũng là niềm khao khát, ước mong của những người LGBT, đó là xã hội hãy có cái nhìn bao dung đối với họ.
 
“Bạn có thể có những người bạn, những người thân là người đồng tính. Khi ấy, bạn hãy là tác nhân để thay đổi và làm xã hội tốt đẹp hơn. Không phải là những điều to tát, hãy bắt đầu bằng việc khi biết một ai đó bàn tán về một người đồng tính, bạn hãy nói với họ: Đồng tính không phải là bệnh, có gì phải sợ? Từ điều tưởng chừng nhỏ nhặt ấy, tôi tin, sẽ tạo nên sự thay đổi”.
 
Theo Kienthuc

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích