Chán với đời sống thực tại, dễ dãi trong quan niệm về hôn nhân, nhiều bạn trẻ đã "đăng ký kết hôn" với nhau trên mạng, để rồi từ đó là khởi nguồn của nhiều hệ lụy đau lòng.
Trong một lần "lang thang" trên Facebook (trang cá nhân) của con gái, chị Vân Ly (Hà Nội) tá hỏa vì thấy dòng trạng thái của cô con gái 15 tuổi của mình là: "Đã kết hôn" với một bạn trai 16 tuổi. Đó là một "anh chàng" ở tận… Đà Nẵng.
Chưa hết giờ làm, chị đã xin về sớm để "hỏi tội" con. Khi được mẹ "chất vấn", cô con gái mới ấp úng là mình đang tham gia một diễn đàn trên mạng và với một phần mềm tự động sẽ thiết lập mối quan hệ mới cho các thành viên tham gia diễn đàn chỉ trong vài phút đồng hồ.
Mặc dù chưa gặp, chưa nói chuyện ngoài đời nhưng con gái chị Ly vẫn được coi là "gái có chồng" trên mạng. Con gái chị còn cho biết, đây là một "mốt" chơi mới của giới trẻ. Nhiều bạn trẻ còn quên ngủ, quên học, để lên mạng tạo cho mình những mối quan hệ mới.
Nhiều trang web hẹn hò online hiện nay có một phần mềm được gọi là "máy đo độ thích hợp" để mai mối cho giới trẻ. Mặc dù chưa ai xác nhận độ tin cậy của "phép đo" này nhưng các khách hàng đều tỏ ra rất thích thú vì chiếc máy giúp họ tìm được rất nhiều người "bạn đời" có cùng sở thích hoặc "hợp tiêu chuẩn".
Theo tìm hiểu của chúng tôi, các trang web này 'tìm bạn đời" tự động và ngẫu nhiên. Thậm chí, hai người chưa nói chuyện với nhau lần nào nhưng vẫn được phần mềm "cho" kết hôn.
Nhiều bạn trẻ còn thích thú với trò làm “giấy chứng nhận kết hôn” ảo
Linh Chi, sinh viên năm thứ 2, Đại học Hà Nội cho biết: "Nhiều lúc, bọn em thấy mệt mỏi với các mối quan hệ ngoài đời nên lên mạng tham gia vào các diễn đàn để xả stress. Hình thức kết hôn online cũng là một sự trải nghiệm lớn và thú vị.
Hai người kết hôn trên mạng có thể biết nhau hoặc không biết nhau. Nhưng tham gia vào các diễn đàn ấy, nếu là thành viên tích cực, sẽ được "kết hôn" ngẫu nhiên với một thành viên khác giới nào đó.
Ngoài thời gian đi học và làm việc nhà, "vợ chồng online" sẽ thường xuyên cập nhật tin tức cho nhau và chăm sóc nhau qua mạng như đã kết hôn thật".
Như vậy, để duy trì tình trạng “hôn nhân” trên mạng, các bạn trẻ phải tốn rất nhiều thời gian để lên mạng và chăm sóc "online" cho nhau. Thậm chí, các bạn trẻ còn trao đổi số điện thoại cho nhau để tiện liên lạc ngoài đời.
Và dù đang ở trên ghế nhà trường nhưng họ vẫn dành những từ "chồng yêu", "vợ yêu", "ông xã", "bà xã"… để gọi nhau, khiến người lớn cũng phải giật mình bởi kiểu "bạo miệng" này.
Trò chơi này cũng giống như kiểu kết hôn trong một trò chơi đình đám trước đây, khiến các bạn trẻ mất nhiều thời gian, thậm chí là tiền bạc để "có vợ, có chồng" y như thật.
Choáng vì... giấy chứng nhận kết hôn ảo
Nhiều người cho rằng, dường như Internet đang làm thay vai trò của "ông tơ bà nguyệt". Bởi không cầu kì như khi gặp "đối tượng" ngoài đời, chỉ vài phút nhập "hồ sơ", hai ba cú nhấp chuột, qua bài "kiểm tra" tính cách, một danh sách dài các "bạn đời trong mộng" với tên tuổi, hình ảnh và đủ mọi lời mời gọi sẽ xuất hiện ngay lập tức trước màn hình.
Các trang web nay có cả tiếng Anh và tiếng Việt. Và kiểu kết hôn "lạ lùng" này đang được giới trẻ đặc biệt ưa chuộng. Có những bạn gái trẻ, mới học lớp 10 nhưng đã 3 lần kết hôn 'trên mạng" và những lần kết hôn ấy được công khai trên mạng xã hội và được các bạn trẻ kể lại cho nhau như khoe "chiến tích".
Quỳnh Mai, Trường PTTH Chu Văn An (Hà Nội) cho rằng: "Bọn em chỉ coi đó là trò chơi thôi, kết hôn ảo nên bọn em rất vô tư, nếu không hợp thì "chia tay". Thường thì bọn em "kết hôn" với những "đối tượng" cùng thành phố, để sau một thời gian có thể gặp nhau ngoài đời.
Nhiều người bạn của em từ "kết hôn" ảo với một bạn, sau một thời gian gặp gỡ ngoài đời, đã yêu nhau thật, đấy cũng là một điều bất ngờ với nhiều bạn trẻ tham gia các diễn đàn trên mạng…".
Quỳnh Mai còn cho biết thêm, việc kết hôn trên mạng còn có cả "giấy chứng nhận" khiến cho nhiều ban trẻ tham gia rất thích thú. Nếu nhìn lướt qua, nhiều người sẽ tưởng đó là "giấy kết hôn" thật. Và giấy kết hôn này như là bằng chứng đẳng cấp, của giới trẻ khoe với nhau.
Nhiều bạn trẻ tham gia trò "kết hôn online" trên mạng, có giấy chứng nhận rồi đưa lên cả trang cá nhân, khiến nhiều người lầm tưởng là đã "có nơi có chốn".
Nhiều bạn trẻ cho rằng, đây cũng là cách để câu view (khiến nhiều người chú ý) để làm mình nổi tiếng hơn trong mắt bạn bè. Minh Anh, trường Đại học Bách Khoa Hà Nội cho biết: "Lớp em có một bạn đưa giấy chứng nhận kết hôn lên trang cá nhân để khoe, không may, bố bạn ấy phát hiện ra, thế là bị phạt không được dùng Internet 6 tháng, vì bị cho rằng 'bôi nhọ" gia đình, dù đó chỉ là trò chơi online".
Còn Mai Hạnh (lớp 12, trường PTTH Phan Đình Phùng, Hà Nội) thì nổi tiếng trong trường khi "kết hôn online" với một người đàn ông 35 tuổi. Người này làm trong ngành giải trí, chưa có vợ nên có nhiều thời gian ngồi mạng. Sau khi biết nhau trên mạng, người đàn ông này đã hẹn gặp Mai Hạnh ngoài đời và săn đón như người yêu thực thụ.
Mỗi tuần ba lần, Hạnh cùng người tình già "online" vi vu trên xế hộp để đi ăn, đi chơi trước con mắt ngưỡng mộ của nhiều bạn trẻ trong trường.
Sự tiện dụng của Internet hiện nay đã khiến nhiều bạn trẻ "mê mẩn" mà không phận biệt được đâu là tiện ích, đâu là cám dỗ. Mặc cho những phản ứng của các bậc phụ huynh, nhiều bạn trẻ vẫn "mê" trò chơi thành chồng, thành vợ này mà không lường trước được những hệ lụy mà mình sẽ gặp phải.
Nhiều bạn trẻ chỉ nghĩ đơn giản rằng, đó chỉ là một trò chơi vui. Thế những đằng sau thú vui 'trốn tìm" của dịch vụ "vợ chồng online" này, cũng còn nhiều câu chuyện khiến chúng ta suy ngẫm…