Chợ Trời - 'tiêu bản sống' của thời bao cấp

Thứ ba, 09/10/2012, 09:57
Chợ Trời là chợ tạm... lâu đời nhất Hà Nội, tồn tại nhiều thập kỷ nay như là sản phẩm của một giai đoạn mang tính lịch sử: thời bao cấp.
Chợ Giời, hay chợ Trời, là tên gọi dân dã của chợ Hòa Bình. Đây là nơi buôn bán đủ loại hàng hóa, từ những thứ nhỏ như cây đinh, cục pin đến những thứ lớn như xe máy, tivi, tủ lạnh…

Chợ chiếm một khu vực trải khá rộng quanh trục đường Phố Huế - Hàng Bài, gồm các ngõ và phố nhỏ như khu Chùa Vua, Lê Gia Định, Trần Cao Vân, Nguyễn Công Trứ, ngõ Thịnh Yên, ngõ Yên Bái 2.

Theo một số tài liệu thì chợ Giời được hình thành vào khoảng những năm 1954 - 1955. Đó là khi một số người di tản vào miền Nam cần phải bán tài sản đã sử dụng của gia đình. Nhà phê bình mỹ thuật, họa sĩ Phan Cẩm Thượng cho rằng, Chợ Trời xuất hiện từ khoảng những năm 1954 - 1955.

 
chotroi.jpg - 81.99 KB
Chợ Trời là nơi buôn bán đủ thứ hàng hóa, thậm chí cả hàng lậu, đồ ăn cắp.

Khi muốn mua hàng hoá "tem phiếu" người ta vào cửa hàng mậu dịch quốc doanh, còn hàng ngoài luồng, "phe phẩy", thậm chí hàng ăn cắp, thì ra vỉa hè, ra chỗ chợ không cần mái, tức là chợ Giời. Vì vậy, nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc cho rằng, chợ trời là “sản phẩm” của thời kỳ bao cấp, thời kỳ người dân phải mua hàng hóa bằng tem, phiếu.

“Chợ trời” ra đời chính từ nhu cầu thiết yếu, khi lượng cung không đáp ứng đủ với nhu cầu của người dân.

Những mặt hàng “ngoài luồng” không được “tem phiếu hóa”, không có chỗ đứng tại các cửa hàng mậu dịch thì được tiêu thụ “không hợp pháp” ở những chỗ… không phải chợ. Đó là ngoài trời. Đặc điểm về không gian này đã được dân gian đặt tên cho những “chợ” mọc lên tự phát và tiêu thụ hàng hóa lén lút, không hợp lệ.

Là sản phẩm của chế độ bao cấp, nhưng chợ Trời đến nay vẫn tồn tại vì nó biết thay đổi để thích ứng nhu cầu người mua. Chợ Trời ngày nay vẫn là "thương hiệu" lớn về cung cấp đồ cơ khí, điện tử với giá cả được nhiều dân buôn đánh giá là "phủ lý" (hợp lý).

Có thời gian, chính quyền quận Hai Bà Trưng chủ trương giải tỏa chợ Trời về khu vực ngã tư Kim Liên – Đại Cồ Việt và khu vực công viên Thống Nhất. Tuy nhiên, “chợ tạm” chỉ hoạt động trong một thời gian ngắn, sau đó, những chủ buôn bán lại quay về đất cũ.

Năm 1982, lại một lần nữa Quận Hai Bà Trưng đứng ra giải quyết vấn đề chợ trời phố Huế. Thay vì bày bán tràn lan dưới lòng đường, trên vỉa hè như trước, chợ Trời được dựng mái che, phân khu, có sạp bày hàng dưới một vài tuyến phố. Ban quản lý chợ được thành lập. Chợ trời phố Huế được mang tên “chợ Hòa Bình”.

Cơ chế kinh tế thị trường bung ra nhanh chóng, lợi nhuận từ việc kinh doanh đã khiến chợ Trời ngày càng mở rộng về quy mô và chủng loại hàng hóa. Bất cứ sản phẩm “trên trời dưới biển”, từ thứ rẻ tiền đến đắt giá, chợ Trời cũng đều đáp ứng.

Song, sự phát triển của chợ Hòa Bình dường như đã vượt quá khả năng kiểm soát của BQL chợ. Bên cạnh các sạp hàng bán đồ cũ, đồ giá rẻ, rất nhiều chủ hàng đã trở thành đầu mối tiêu thụ hàng lậu, các đồ ăn cắp, từ biển số xe gắn máy, xe ô tô đến các loại gương chiếu hậu, la-răng, cần gạt nước… Chính quyền sở tại đã phải đau đầu vì những vấn nạn phát sinh từ khu chợ tạm lâu năm nhất Hà thành.

Hiện nay, khu vực chợ Trời có khoảng hơn 700 hộ, sạp hàng buôn bán gây ô nhiễm môi trường, gây ùn tắc và cản trở giao thông.

 
Ngày 19/9/2012, tại cuộc họp với lãnh đạo thành phố Hà Nội, UBND quận Hai Bà Trưng đã kiến nghị thành phố tìm địa điểm phù hợp để có thể di chuyển chợ Hòa Bình, bởi chợ này đã gây ô nhiễm môi trường và cản trở giao thông trong nhiều năm. Theo đề xuất của quận Hai Bà Trưng, chợ “Trời” sẽ được di dời về khu vực chợ đầu mối Đền Lừ (quận Hoàng Mai).

UBND thành phố Hà Nội đã chấp thuận chủ trương di chuyển chợ Hòa Bình của quận Hai Bà Trưng. UBND thành phố yêu cầu quận Hai Bà Trưng khảo sát, điều tra tổng thể các hộ hiện đang kinh doanh trong khu vực chợ, từ đó có phương án đề xuất di chuyển.


Theo Baodatviet

Các tin cũ hơn