Hàng trăm người sập bẫy “việc làm” giá “trăm triệu”

Thứ hai, 03/12/2012, 15:03
Vũ Thị Hằng cùng Bùi Thị Bích Hằng bàn mưu, tính kế "vẽ" ra một chương trình tuyển dụng lao động. Mỗi hồ sơ xin việc phải nộp từ 70 - 115 triệu đồng.

>> Hơn 70 người ngộ độc do nghi ăn bánh mì 
>> Thích thú với bản hợp đồng yêu có "1-0-2" 
>> Gửi tin nhắn trúng thưởng để lừa đảo 

Để tạo niềm tin, 2 nữ quái còn thiết lập cả một hệ thống chân rết cò mồi đến tận nhà những người có thân nhân vừa tốt nghiệp các trường nghề các gia đình giữ kín thông tin, không nói cho ai biết vì số lượng việc làm có hạn.

Công an tỉnh Hải Dương vừa khởi tố vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản liên quan tới 2 nhân viên của Công ty cổ phần Dịch vụ sửa chữa điện miền Bắc (NPS), có trụ sở đặt tại phường Phả Lại, thị xã Chí Linh.

Theo tài liệu điều tra, vào khoảng cuối năm 2011, đầu năm 2012, nắm bắt được nhiều gia đình có nhu cầu xin cho con, em vào làm việc tại NPS, Vũ Thị Hằng (29 tuổi, nhân viên kiểm sát tài liệu, lưu chứng từ) cùng Bùi Thị Bích Hằng (49 tuổi, công nhân sửa chữa thiết bị điện của công ty trên) đã bàn mưu, tính kế "vẽ" ra một chương trình tuyển dụng lao động. Mỗi hồ sơ xin việc phải nộp từ 70 - 115 triệu đồng.
 


Giấy xác nhận số tiền vay nợ.


Để tạo niềm tin, 2 nữ quái còn thiết lập cả một hệ thống chân rết cò mồi đến tận nhà những người có thân nhân vừa tốt nghiệp các trường nghề các gia đình giữ kín thông tin, không nói cho ai biết vì số lượng việc làm có hạn.

Nạn nhân đầu tiên là bà Lê Thị Kiểu (52 tuổi, trú tại phường Phả Lại), có cháu là Phạm Văn Hưng (23 tuổi) vừa tốt nghiệp Trường Cao đẳng Điện lực hiện chưa tìm được việc làm. Bùi Thị Bích Hằng đã ra giá 110 triệu đồng buộc bà Kiểu nộp trước 70 triệu đồng.

Nhận xong tiền, nữ quái này tiếp tục rỉ tai bà Kiểu, còn có một số suất nữa được "ưu tiên" tuyển thẳng vào công ty. Cả tin, người phụ nữ này đã lập tức thông báo cho các con cháu nội, ngoại và gom được 16 bộ hồ sơ với tổng số tiền 1.090.000.000 đồng đưa cho Hằng.

Ngày 19/11/2012, Bùi Thị Bích Hằng bất ngờ bỏ trốn khỏi địa phương khiến bà Kiểu điêu đứng. Vợ chồng bà đã phải bán đứt căn nhà 2 tầng và thế chấp sổ lương hưu để trả nợ. Cùng cảnh với bà Kiểu, vợ chồng ông bà Quách Đức Thông và Nguyễn Thị Nhung với mong ước xin việc cho con gái đầu vừa tốt nghiệp trung cấp điện lực đã gom góp và vay mượn được 70 triệu đồng; tại phường Phả Lại còn có trên 100 gia đình khác cả tin đã đưa tiền cho Vũ Thị Hằng và Bùi Thị Bích Hằng để rồi trắng tay.

Cũng như Bùi Thị Bích Hằng, Vũ Thị Hằng tới thời điểm này cũng đã bặt tăm. Chưa hết, riêng Vũ Thị Hằng còn chiếm đoạt hàng tỷ đồng của nhiều người quen qua trò... "đầu tư, vận chuyển xỉ than" bán cho các doanh nghiệp làm phụ gia xi măng.

Nạn nhân điển hình nhất của thị là vợ chồng ông Vũ Viết Tiệp, công nhân Nhà máy Nhiệt điện Phả Lại (đã nghỉ hưu). Sau khi lân la làm quen, lấy lòng tin rồi mượn tiền của các gia đình quen biết để đầu tư vận chuyển xỉ bán cho các công ty làm phụ gia xi măng, chiếm đoạt số tiền hàng tỷ đồng.

Ban đầu, Vũ Thị Hằng lân la làm quen, chiếm được lòng tin, Hằng mời vợ chồng ông Tiệp chung vốn mở công ty kinh doanh, cung ứng xỉ than với lợi nhuận cao và hứa sẽ nhận con trai ông vào làm việc. Vợ chồng ông Tiệp đã huy động của gia đình, bạn bè, họ hàng được 3 tỷ đồng góp vốn.

Tuy nhiên, khi công ty ra đời, Hằng lại viện lý do Nhiệt điện Phả Lại không cho người lạ tham gia. Hằng hứa sẽ trả đủ. Trước ngày bỏ trốn, Hằng còn dụ nạn nhân chung thêm 200 triệu đồng để mua bán sắt vụn.

Trao đổi với PV Báo CAND, ông Phạm Văn Viết, Trưởng Phòng Tổng hợp NPS cho biết, từ 19/6/2012, Vũ Thị Hằng đã không đến công ty làm việc. Do nhiều lần gửi thông báo nhưng không có hồi âm, công ty phải kiểm điểm vắng mặt và buộc thôi việc Hằng theo Luật Lao động. Hiện, công ty có 810 cán bộ, công nhân viên, trong đó có 715 lao động dài hạn và công ty chưa có nhu cầu tuyển thêm lao động.

Căn cứ đơn trình báo của các nạn nhân và tài liệu điều tra, Công an thị xã Chí Linh đã ra quyết định khởi tố vụ án lừa đảo, chiếm đoạt tài sản đồng thời chuyển hồ sơ vụ án tới cơ quan CSĐT, thuộc Công an tỉnh Hải Dương tiếp tục điều tra, mở rộng.

Kết quả điều tra ban đầu cho thấy, 2 đối tượng trên đã lừa đảo của rất nhiều người với số tiền lên tới hàng chục tỷ đồng. Nhiều gia đình đã lâm vào cảnh "khuynh gia bại sản". Đây là bài học đắt giá cho những ai nhẹ dạ, cả tin bỏ tiền nhờ "dịch vụ" xin việc làm.


Theo CAND

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích