Nếu nói rằng đề tài nào “hot” nhất trên các diễn đàn, các trang mạng xã hội suốt tuần vừa qua thì không có ứng cử viên nào sáng giá hơn là cuộc tranh luận bằng thơ xung quanh vụ “nước mắt của fan cuồng sao Hàn”.
Tôi đọc rất nhiều những bình luận trên các diễn đàn xung quanh hai bài thơ có thể nói vui là đến từ hai “chiến tuyến”. Một bên của nhà thơ Đỗ Trung Quân, ông kịch liệt lên án những giọt nước mắt của fan cuồng sao Hàn, một bên là của đại diện thế hệ trẻ tự xưng là fan của các sao Hàn. Đọc và học được rất nhiều điều từ cuộc tranh luận liên quan đến một chủ đề rất thú vị: khi nào thì chúng ta được quyền khóc.
Tôi tự xếp mình vào thế hệ già, tức là đã quá độ tuổi để hâm mộ các ngôi sao Hàn Quốc. Tôi đã từng trố mắt ngạc nhiên khi trông thấy đứa cháu tôi, đang ở tuổi học sinh trung học cơ sở, mắt kính cận dày cộp, chẳng biết tý tiếng Hàn nào, nhưng có thể xem TV và hát liên mồm theo những ca khúc hit của nhóm Big Bang giống như ngôn ngữ đó là tiếng mẹ đẻ.
Bởi vậy khi nhìn bức ảnh các cậu con trai khóc ở sân bay khi trông thấy các sao Hàn đăng đầy trên các báo, tôi cũng có đôi chút bực mình, tuy nhiên chưa bức xúc đến độ làm thơ.
Những chàng trai khóc ở sân bay vì được nhìn thấy các nhóm nhạc Hàn Quốc
Thế nhưng đến khi đọc bài thơ “đáp trả” của các bạn trẻ tự xưng là thế hệ fan của các sao Hàn, tôi chợt thấy rõ ràng, người lớn cần phải học nhiều ở cách tư duy của những người mà chúng ta vẫn xem là “trẻ con” hiện nay. Đó là một thế hệ khác với những tư duy khác, không phải lứa trẻ con chỉ biết nhìn về một hướng, tin theo một điều như cha anh của họ.
Và theo tôi, người lớn bây giờ cũng phải biết học cách tôn trọng giới trẻ, đừng áp đặt cho họ những điều mà chúng ta đã từng nhận được từ các thế hệ đi trước.
Tôi không đánh đồng những bạn trẻ yêu thích nhạc Hàn, phim Hàn và coi đó là một phương tiện giải trí, họ có thể có thần tượng nhưng hoàn toàn tỉnh táo và tự biết cân bằng với những bạn trẻ sẵn sàng lên mạng rao bán bản thân để lấy một chiếc vé đi xem ban nhạc Suju, những bạn trẻ dọa giết bố mẹ nếu không cho tiền đi xem nhạc Hàn, những bạn trẻ quỳ xuống để hôn lên chiếc ghế một thần tượng đến từ Hàn Quốc vừa đặt mông ngồi lên.
Những bạn trẻ bồng bột với những hành động bồng bột ấy, có thể gọi đích danh họ là fan cuồng.
Nhưng chúng ta cũng không thể đổ mọi tội lỗi lên đầu các fan cuồng, họ không phải từ trên trời rơi xuống, họ là những đứa con được sinh ra và nuôi dạy trong một gia đình nào đó. Và trách nhiệm đầu tiên phải quy về những người sinh ra họ chứ không phải là một xã hội chung chung nào đó.
Rõ ràng đời sống văn hóa của chúng ta đang phải chấp nhận một thực tế đau xót, đó là sự bành trướng của văn hóa ngoại lai. Khi sức đề kháng của văn hóa trong nước ốm yếu, không kháng cự nổi cái gọi là “làn sóng Hallyu” thì đương nhiên, giới trẻ trong nước phải đi thần tượng sao Hàn, còn trách gì ai nữa?
Nếu có trách, chúng ta nên trách chính mình, trong khi văn hóa truyền thống thì hầu như bị lãng quên, văn hóa hiện đại thì chưa đủ mạnh để tạo nên bản sắc và tràn ngập những thứ rác rưởi, đương nhiên, sân nhà chúng ta đang bỏ mặc cho người ngoài đến canh tác kiếm lời. Vậy thì người đáng trách là ai, là chúng ta- những người trưởng thành đủ năng lực chịu trách nhiệm hay lũ trẻ còn đang ở tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới”?
Tôi thấy mừng vì qua cuộc tranh luận bằng thơ giữa hai thế hệ, rất nhiều người lớn – như tôi, đã có một cơ hội quý giá để tự trách bản thân mình, nhìn ra sự kém cỏi của thế hệ mình, chứ không phải là mang số tuổi mà mình có được, mang kinh nghiệm đau đớn vì từng trải qua chiến tranh ra để hù dọa bọn trẻ.
Thay vì phán xét cảm xúc của giới trẻ, thay vì áp đặt và dạy dỗ họ nên khóc trong trường hợp nào, người lớn chúng ta cần phải khóc trước tiên mới phải. Khóc vì xấu hổ, vì chúng ta quá kém cỏi nên đã thất bại trong việc tạo dựng nên những thành tựu đáng kính nể để con cháu chúng ta tự hào và bớt vọng ngoại. Cuộc đời này đang rất cần những giọt nước mắt như thế.