TPHCM: Thưởng tháng lương thứ 13
Ban Quản lý các khu chế xuất và khu công nghiệp (KCX - KCN) TPHCM (HEPZA) ngày 12/12 cho biết, có 98 doanh nghiệp (DN) đã báo cáo lương thưởng tết năm 2013.
Kết quả, mức thưởng tết cao nhất của khối DN có vốn đầu tư nước ngoài là Công ty Unilever với 217,3 triệu đồng, xếp thứ hai thuộc về Công ty Siamp với 83,9 triệu đồng.
Mức thưởng của DN trong nước cao nhất là 60 triệu đồng thuộc về Cty Nam Phương, cao thứ hai là 55.300.000 đồng là Cty Quạt VN.
Theo báo cáo của Hepza, mức thưởng bình quân Tết 2013 theo ngành nghề với ngành may mặc - da giày là 3,4 triệu đồng; điện - điện tử 5 triệu đồng; thực phẩm 2,5 triệu đồng; cơ khí 3,55 triệu đồng.
Đa số người lao động trong các DN thuộc KCX - KCN đều được thưởng tết 2013, trung bình là một tháng lương cơ bản.
Công nhân Cty May Sông Hồng (Nam Định) hy vọng thưởng Tết sẽ như năm ngoái?. |
Thời gian phát thưởng tết cho người lao động được các DN thực hiện trong khoảng thời gian từ 25/1 đến 7/2/2013.
Nhiều doanh nghiệp ngoài KCN-KCX trên địa bàn TP.HCM cũng đã chuẩn bị phương án thưởng Tết 2013 cho người lao động.
Ông Củ Phát Nghiệp- Chủ tịch Công đoàn Cty Pou Yuen Việt Nam cho biết công ty này sẽ dành 600 tỉ đồng thưởng Tết Qúy Tỵ cho gần 75.000 CN và sẽ chuyển vào thẻ ATM vào ngày 6 và 7/2/2013.
Theo đó, công nhân làm việc một năm trở lên được thưởng ít nhất một tháng lương. Công ty còn chuẩn bị khoảng 300 tỉ đồng để trả lương tháng 1/2013 cho công nhân vào ngày 5/2/2013.
Công đoàn Cty CP May Sài Gòn 3 cho biết, mức thưởng Tết 2013 bình quân cho người lao động là 2,3 tháng lương, tương đương khoảng 10 triệu đồng/người, tăng khoảng 10-15 % so với năm ngoái.
Theo ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt May Thêu Đan TPHCM, nhiều doanh nghiệp trong ngành này trong năm 2012 có hoạt động sản xuất kinh doanh tốt đều có mức thưởng tương đối khá, ví dụ Cty Garmex Sài Gòn, tương đương khoảng 10 triệu đồng/người. Nhiều doanh nghiệp nhỏ cũng cố gắng duy trì tháng lương 13 cho người lao động.
Phía Bắc: Thấp thỏm chờ
Tháng 12 được coi là tháng tâm điểm của ngành than vì mọi kế hoạch kinh doanh của năm sẽ đổ dồn hết vào tháng này. Tại các mỏ than, cánh thợ lò vẫn chăm chỉ làm việc. Hỏi về việc liệu năm nay có được thưởng Tết hay không, nhiều thợ lò lắc đầu không biết.
“Bọn em vẫn làm theo ca, kíp. Nghe nói xuất khẩu than gặp khó nên chúng em cũng phải làm việc cầm chừng. Còn việc được thưởng Tết hay không, chưa thấy lãnh đạo Cty thông báo” - một thợ lò của Cty than Khe Chàm cho biết.
Trao đổi với PV, ông Ngô Hoàng Ngân, Giám đốc Cty than Khe Chàm (thuộc Vinacomin) cho biết, trước tình trạng khó khăn chung của ngành than, Cty sẽ cố gắng để có thưởng Tết cho CBCNV.
Tuy nhiên, mức thưởng bao nhiêu, còn tuỳ thuộc vào kết quả sản xuất kinh doanh của tháng 12. Theo ông Ngân, nếu có thưởng thì thợ lò cũng là đối tượng được ưu tiên hàng đầu.
Ông Phạm Hoài Vũ, Phó Chánh văn phòng Cty TNHH một thành viên Than Uông Bí (thuộc Vinacomin) cũng cho biết, việc có tiền để thưởng Tết cho gần 8.200 CBCNV hay không đang là bài toán chưa có lời đáp.
“Năm nay, chúng tôi sẽ cố gắng thưởng Tết cho CBCNV, nhưng để đạt mức một tháng lương như năm trước (bình quân khoảng 3 triệu/người) chắc là không thể” - ông Vũ khẳng định.
Ông Bùi Viết Quang, Phó Giám đốc Cty cổ phần may Sông Hồng (NamĐịnh) cho biết. “Đến thời điểm này dù chưa hạch toán thu chi, nhưng ban lãnh đạo Cty vẫn quyết định thưởng Tết cho công nhân giống như năm ngoái, từ 1 đến 2 tháng lương với khoản tiền thưởng 9-10 triệu đồng/người”- Ông cho biết.
Theo ông Phạm Văn Thanh, Trưởng phòng Lao động chính sách tiền lương (Sở LĐ-TB&XH Hà Nội), Sở đã có văn bản yêu cầu các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố tổng hợp, báo cáo tiền lương và thưởng năm 2012. Tuy nhiên, số doanh nghiệp báo cáo không nhiều so với năm ngoái.
Ông Thanh cho biết, thực ra, nếu doanh nghiệp có báo cáo lên thì số lương - thưởng Tết năm 2012 chưa hẳn đã đúng với thực tế diễn ra tại doanh nghiệp.
“Hiện, chúng tôi đang cho thống kê số liệu lương, thưởng Tết năm 2012 nhưng nhìn chung so với năm ngoái, mức thưởng Tết năm nay rất thấp”- ông Thanh nói.
Theo đại diện Vụ Lao động Tiền lương (Bộ LĐ-TB&XH), nếu đem so sánh số liệu tình hình lương thưởng Tết năm ngoái với năm nay, có mức chênh lệch khá lớn.
Nếu như năm ngoái, đến thời điểm này, tính riêng tại TP Hồ Chí Minh, có tới hơn 1.000 doanh nghiệp báo cáo tình hình lương thưởng Tết thì năm nay mới chỉ có gần 100 doanh nghiệp báo cáo.
“Năm ngoái, mức thưởng Tết cao nhất là 700 triệu đồng/người thuộc về một doanh nghiệp FDI. Năm nay, cũng là doanh nghiệp FDI nhưng mức cao nhất chỉ là 217 triệu đồng” - đại diện Vụ Lao động tiền lương nói.
Theo Tienphong