Tiền xử lý môi trường: Càng ít càng dễ dàn trải

Thứ sáu, 14/12/2012, 14:27
“Dù mang cái danh rất to là “Chương trình mục tiêu quốc gia”, nhưng tiền thì rất ít” - Chủ nhiệm Ủy ban các Vấn đề xã hội của QH Trương Thị Mai nói trong phiên Thường vụ QH họp phân bổ vốn cho chương trình Ứng phó với biến đổi khí hậu và khắc phục ô nhiễm làng nghề. Ít là bao nhiêu? Tất tật chỉ có 131 tỉ đồng. Nhưng ngoài nỗi lo ít tiền, QH cũng lo càng ít càng dễ dàn trải lãng phí.
Ô nhiễm môi trường
Lò gạch thủ công gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Từng giữ chức vụ Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc kể lại chuyện người dân từng mang khóa khóa cửa các DN gây ô nhiễm lại. Nhưng khóa chỗ này, họ lại đẩy sang chỗ khác. Trong khi Nhà nước thì không thể đứng ra quản lý từng nhà máy.

“12-13 tỉ đồng cho mỗi địa phương, bố trí quá nhỏ, chỉ đủ xây cống rãnh”. Và, với hơn chục tỉ mỗi năm kiểu nhỏ giọt thế này “chúng ta chỉ xử lý được phần ngọn. Còn ô nhiễm cứ ô nhiễm”. Cái thiếu, theo Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, là “chúng ta đang lúng túng trong việc xây dựng mô hình cho làng nghề”. 

Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu thì lấy ví dụ từ câu chuyện “Hà Nội xử lý ô nhiễm môi trường sông Tô Lịch mất hàng ngàn tỉ”, trong khi “33 tỉ giống như giọt nước trong đại dương thôi, giải quyết cái gì”, nhất là trong tình trạng hơn 60 tỉ này định chia ra để cải tạo môi trường cho lưu vực của cả 3 con sông, trong đó có “con sông ô nhiễm Đồng Nai”. 

Thậm chí, Phó Chủ tịch QH dùng chữ “lực bất tòng tâm” khi nhìn vào số tiền chẳng nhiều nhặn gì.

“Nếu cứ rải ra sẽ rơi vào tình trạng dàn trải”- ông kiến nghị: Cần đầu tư xây dựng mô hình thí điểm xử lý xả thải, đưa khoa học công nghệ gắn với giáo dục để tạo ý thức dần dần và từ thí điểm rồi mở rộng ra.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Bùi Cách Tuyến kể lại sự thất bại trong việc xây dựng, xử lý môi trường ở Bắc Ninh, ở Hà Tây cũ: “Thất bại là do thiếu sự cam kết của địa phương”.

Theo ông, lần này Bộ Tài nguyên và Môi trường đã yêu cầu địa phương cam kết, yêu cầu vốn đối ứng, yêu cầu phải duy trì hoạt động bảo vệ môi trường sau đầu tư.

Đối với việc cải tạo môi trường lưu vực 3 con sông, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng đặt câu hỏi: “Thử hỏi bố trí một khúc đê bọc phải mất bao nhiêu tiền? Chỉ có vài chục tỉ đồng mà phân bổ để xử lý môi trường 3 con sông thì cũng chỉ như muối bỏ biển. Thậm chí đưa vài chục tỉ đồng này cho một con sông cũng chỉ như muối bỏ biển mà thôi”.

Nhưng vấn đề mà Chủ tịch QH cũng như Thường vụ QH lo nhất là tình trạng dàn trải, dẫn đến lãng phí. Dàn trải vì tiền ít, và càng ít càng dễ dàn trải do phải “nhỏ mỗi nơi một ít”.

Và dù phương án “trồng rừng giữ đất” không có trong tờ trình của Chính phủ, Chủ tịch QH vẫn đề nghị Chính phủ cân nhắc điều chuyển số tiền định đầu tư cho đê biển sang trồng rừng, bởi theo ông, tiền ít mà phải dàn trải thì chất lượng đê sẽ không đảm bảo.

Chủ tịch QH cũng lưu ý, trong các chương trình mục tiêu quốc gia vẫn có kinh phí dành cho tuyên truyền, giáo dục. “Cắt để đưa vào đầu tư thì bao giờ cho đủ” - ông nói.

Hôm nay, trong phiên bế mạc, Thường vụ QH sẽ cho ý kiến về Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi, họp riêng để thông qua nghị quyết về việc thực hiện thu, chi tiền lãi dầu, khí nước chủ nhà được chia từ Xí nghiệp liên doanh Vietsovpetro và các hợp đồng phân chia sản phẩm dầu khí.

 

Theo Laodong

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích