Theo phản ánh của một số độc giả, các trang báo dành khá nhiều “đất” cho các bài viết liên quan đến ngày tận thế từ việc mổ xẻ nguồn gốc, đến việc giới trẻ ăn, chơi …đón ngày tận thế, thậm chí tường thuật trực tiếp những diễn biến của các nước trong những giờ phút đầu tiên của ngày 21/2 dẫu biết đó chỉ là tin đồn nhảm. Trong khi đó, 22/12 - ngày kỷ niệm trọng đại của Quân đội nhân dân Việt Nam thì lại ít thông tin hơn hẳn.
“Khoảng ba ngày nay, tôi lướt qua một số trang báo điện tử thấy báo nào cũng có vài bài về “ngày tận thế” trong khi đó bài về ngày 22/12 lại rất ít. Tôi không công tác trong quân đội nhưng rất quan tâm và thích đọc những bài viết liên quan đến ngày này, nhất là những chuyện kể lại của chiến sĩ năm xưa”, anh Nguyễn Thanh Hải (Xuân La, Tây Hồ, Hà Nội) nhận xét.
Đây cũng là ý kiến của bà Nguyễn Thanh Hà, khu tập thể Nghĩa Tân, Cầu Giấy. Bà Hà cho biết, mặc dù không biết ngày tận thế là ngày nào nhưng mấy ngày nay, trước và sau bữa ăn đều thấy các con kể các thông tin viết trên báo chí về ngày này.
“Tôi thấy các con kể là báo chí xốn xang về cái ngày này. Nói chung, mỗi báo có một đối tượng bạn đọc riêng nhưng dù sao cũng nên quan tâm đến những sự kiện mang giá trị truyền thống của dân tộc”, bà Hà nói.
Trao đổi với PV, Trung tướng Phùng Khắc Đăng, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh cho biết, với những người trong lực lượng vũ trang nhân dân có nhiều kỷ niệm sâu sắc đối với ngày 22/12 vì cả đời gắn bó với Quân đội nhân dân Việt Nam.
Trung tướng Phùng Khắc Đăng, Phó chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam |
“Khi nhắc đến ngày này, anh em chúng tôi đều có sự rung động, muốn hát vang khúc quân hành. Đó đó là một dấu ấn lịch sử không chỉ của Quân đội mà của toàn dân tộc Việt Nam”, ông Đăng xúc động khi nhắc đến ngày kỷ niệm trọng đại của ngành.
Cũng theo ông Đăng, toàn dân đều trân trọng, tự hào khi nhắc đến ngày 22/12. Với báo chí năm nay, cũng đã có sự đầu tư thỏa đáng để tuyên truyền cho những chiến công của lực lượng vũ trang như sự kiện B52, chiến thắng Quảng Trị và tuyên truyền cho ngày quốc phòng toàn dân. Đây cũng chính là những bài viết chào đón ngày 22/12.
“Báo đài còn phải phục vụ nhiều đối tượng quan tâm khác nên cũng không thể yêu cầu quá nhiều cho một sự kiện. Tình cảm của người dân dành cho những người trong ngành được thể hiện bằng hành động, có trách nhiệm cao với tương lai chứ không phải cái gì qua đi là quên mất. Xã hội hội nhâp. Mỗi người có một quan điểm riêng nhưng vẫn phải trân trọng những gì là giá trị lịch sử”, ông Đăng nói.
Nói đến ngày tận thế, ông Đăng cho rằng đây chỉ là một tin đồn, một góc khai thác thông tin của báo chí. “Báo nào đăng tin bài về ngày tận thế thì phải lý giải được ngày này là ngày gì?”, ông Đăng nói vui.
Theo Kienthuc