Hãi hùng công nghệ 'phù phép' bì lợn bẩn

Thứ ba, 25/12/2012, 09:39
Bì lợn bẩn, ôi thiu sẽ được "phù phép" trắng tinh, không còn mùi hôi thối sau khi được ngâm từ 3-4 giờ đồng hồ trong thùng chứa "hóa chất lạ".

Thôn Bình Lương, xã Tân Quang, huyện Văn Lâm, Hưng Yên là một trong những nơi sản xuất bóng bì lợn lớn nhất khu vực miền Bắc. Vừa bước vào cửa ngõ của thôn, trên đường, trên mái nhà hoặc cạnh bờ ao bì lợn khô được phơi nhan nhản.

hoa chat
 Bì lợn được phơi khắp nơi

Trong vai khách mua bóng bì, chúng tôi tìm đến nhà ông B., người được giới thiệu là có xưởng sản xuất bóng bì lớn nhất làng. Khu sản xuất bóng bì được bố trí phía sau căn nhà 3 tầng khang của gia đình ông.

Nhưng khi tiếp xúc, ông B. không hồ hởi đón khách như thường lệ mà dò xét với vẻ khác lạ của một ông chủ bán hàng. Ông thẳng thừng từ chối với lý do: “Khách lạ nên không bán!”

Rời nhà ông B., chúng tôi mới biết lý do ông không bán hàng là vì thời gian qua nhiều phóng viên, nhà báo đến phản ánh việc sản xuất bì lợn bẩn khiến công việc kinh doanh của ông không thuận lợi.

Tiếp tục cuộc 'phiêu lưu' quanh thôn Bình Lương, mùi hôi nồng nặc của mỡ, bì lợn khiến cho người lạ vào đây ai cũng phải khó chịu.

Xung quanh thôn, những rãnh nước đen ngòm, nổi lềnh phềnh nước mỡ thải gây mất vệ sinh. Trước mỗi khu vực phơi bì, những đống than dùng đốt sấy khô bì lợn lổn ngổn nhuộm đen đường làng.

Theo ghi nhận, nhiều nơi chế biến bì lợn không được cách ly, chỉ là sân giếng hoặc sàn nhà của gia đình, nước chảy lênh láng và vô số thứ rác rưởi nằm trên đó. Những đống bì lợn bèo nhèo được thu gom từ nhiều nơi đổ bừa bãi dưới nền đất bẩn thỉu, ẩm ướt.

bi heo
 Bì sau khi được ngâm để khử sạch mùi và vết bẩn sẽ được mang đi phơi hoặc sấy khô

Bên cạnh đống bì lợn bèo nhèo là những dao thớt, xô chậu đen ngòm, ruồi nhặng bâu đầy trên miệng xô. Bì lợn được đổ xuống sàn nhà thay thớt để chế biếnkhiến ai chứng kiến cũng phải rùng mình.

Những bao tải bì lợn khô được chất thành đống, không có bất kì biện pháp bảo quản nào được để ngổn ngang cạnh mỡ tươi chờ giao cho khách hàng.

Một người dân trong làng cho biết: "Sau khi chế biến bì lợn thành bóng, sẽ đóng gói và đợi các khách hàng quen đến nhận. Mỗi gia đình thường có những khách hàng riêng của mình và ít khi phân phối cho khách lạ”.

Công nghệ ‘phù phép’ bì lợn

Bì lợn được các chủ sản xuất gom về xưởng, đợi đủ hàng mới tập trung chế biến, nên nhiều bì lợn bị ôi, bốc mùi hôi thối. Nhưng với công nghệ 'bí mật', những miếng bì lợn bốc mùi sẽ được 'phù phép' thành những sản phẩm tới tay người tiêu dùng.

Tại cơ sở sản xuất bóng bì của vợ chồng anh Đ., những bao tải lớn đựng bì lợn được đổ thẳng ra sàn xi măng để chuẩn bị chế biến.

bi heo

Rùng mình quy trình chế biến bì lợn

Hai vợ chồng anh Đ. đeo bao tay, đi ủng thay nhau dẫm lên những đống mỡ lợn bèo nhèo rồi dùng vòi nước xịt thẳng vào để rửa. Mỡ lợn dù đã được "dẫm, đạp" nhưng vẫn bốc mùi, kèm theo sạn đá dính đầy.

Sau phần rửa mỡ lợn là công đoạn phân loại bì mỡ được triển khai. Loại bì nào đã sạch mỡ được vứt sang một bên, loại nào còn mỡ sẽ dùng dao vát sạch. Mỡ được tách từ bì lợn cho lên một chảo lửa ngay bên cạnh để chế biến mỡ nước, để nguội sẽ được đổ vào một can nhựa 20 lít rồi được giao cho khách hàng.

bi heo

Khu vực chế biến bóng bì của một hộ gia đình tại thôn Bình Lương

Còn nhưng đống bì lợn sau khi được vát sạch mỡ sẽ được đổ ngay vào một thùng nhựa màu xanh, bên trong chứa một loại nước, bốc mùi hắc khó chịu. Bì lợn sẽ được ngâm trong thùng chừng 3 giờ đồng hồ.

Sau khi được ngâm trong những thùng nước ‘lạ’, bì lợn được vớt ra với màu trắng toát, sạch bong. Những vết thâm tím trên thân bì đã hoàn toàn biến mất. Đặc biệt, mùi hôi thối cũng không còn nữa. Trên mặt thùng nước nổi lên những lớp bọt trắng xen lẫn cặn bã.

Tìm hiểu, chúng tôi được biết những thứ nước lạ đó là những thùng chứa hóa chất. Loại dung dịch này được các cửa hàng hoá chất đóng vào từng can lớn, chở đến trực tiếp cho cơ sở sản xuất.

bi heo
 Thùng chứa chất lạ được các cơ sở sản xuất dùng để tẩy bì lợn

Sau công đoạn làm sạch và tẩy trắng, bì lợn sẽ được trần qua lớp nước sôi rồi đem phơi khô và cuối cùng đưa vào lò nướng để nổ bung thành bóng.

Theo một thợ chế biến, có hai cách để phơi bì khô là đem phơi ngoài trời và sấy trong nhà. Tuy nhiên, hầu hết các hộ dân trong làng chỉ tiến hành sấy khi trời không có nắng. Bởi, tuy đảm bảo vệ sinh song công đoạn này lại tốn điện, nâng cao chi phí sản xuất.

Khi mọi công đoạn chế biến đã hoàn tất, bóng bì được đóng vào các bao tải và phân phối đi các vùng để tiêu thụ.

Theo VTC

Các tin cũ hơn