Bộ trưởng Phạm Vũ Luận: Trường sai phạm sẽ xử lí nặng Hiệu trưởng

Thứ sáu, 28/12/2012, 07:24
Một trong những phát ngôn mạnh mẽ tại Hội nghị ngân sách ngành giáo dục 2012, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận thẳng thắn, nếu trong năm 2013 Vụ KH&TC (Bộ GD&ĐT) không xây dựng được định mức cấp kinh phí cho các trường thì nhân sự của Vụ này sẽ thay đổi.

Tiết kiệm trong toàn ngành

Thừa nhận sự yếu kém của Vụ KH&TC trong hơn 2 năm qua về điều tiết nguồn kinh phí cho các trường, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận cho biết, năm nay (năm 2013) Vụ phải hoàn thành xây dựng định mức cấp kinh phí, nếu không làm được thì công cuộc đổi mới chỉ là nói suông.

Về tổng thu-chi ngân sách trong năm qua được Bộ trưởng Luận đánh giá chung là tốt, chưa phát hiện tham những lớn trọng ngành. Một số công trình ở cơ sở được triển khai hoàn tất và đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, vẫn có những sai sót, bộ đang tiến hành kiểm tra và xử lí.

Thừa nhận về hiện tượng suy thoái của một bộ phận cán bộ giáo viên, hiện tượng mua bằng bán điểm hiện nay vẫn diễn ra. 

Năm 2013 mặc dù Nhà nước rất ưu tiên cho giáo dục, được ủng hộ nhưng không tránh khỏi phần cắt giảm. Vì vậy, để giải quyết mọi chuyện trong nguồn vốn có hạn là điều vô cùng khó khăn. Bộ trưởng đề nghị toàn ngành, trong năm nay không khởi công xây dựng công trình mới, hoàn tất các công trình đang còn dang dở, nhanh chóng đưa vào sử dụng.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Luận kiên quyết ra “thông cáo” tiết kiệm trong toàn ngành, tiết kiệm tối đa các khoản chi để ưu tiên cho cơ sở, kể cả các cuộc đi công tác nước ngoài của lãnh đạo cũng bị cắt giảm tối đa, cắt giảm bắt đầu từ bộ trưởng. Bên cạnh đó sẽ giảm mật độ đi địa phương, đi thành phần gọn nhẹ, tránh thủ tục đón tiếp.

giao duc

Thông điệp mạnh mẽ từ Bộ trưởng Phạm Vũ Luận trong mùa tuyển sinh năm 2013. Ảnh Xuân Trung

Thừa nhận các cơ quan của Bộ trong năm qua đã có nhiều biến chuyển, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cũng lưu ý, các vụ cần thêm đổi mới mạnh mẽ lề lối làm việc, phương pháp làm việc.

Hiện nay, theo Bộ trưởng Luận có hiện tượng nhiều thầy cô giáo, hiệu trưởng đang có tư duy kiểu “tôi làm không sai”, trước hết chúng ta cần làm đúng, hiệu quả, sáng tạo. Nếu còn tư tưởng này thì không thể đổi mới được.

Sai phạm tập thể, xử lí cá nhân

Phát đi thông điệp trong mùa tuyển sinh 2013, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết xuất phát từ việc một số trường có biểu hiện sai phạm nghiêm trọng trong mùa tuyển sinh 2012 vừa qua, bộ trưởng cho rằng việc xử lí hành chính phạt tiền đối với các trường một vài chục triệu không là gì.

Vì như vậy các trường vẫn có “lãi” do hiệu quả kinh tế cao (các trường sai phạm trong tuyển sinh có lượng chỉ tiêu vượt cao so với chỉ tiêu cho phép, điều đó tính về lâu dài các việc bị Bộ GD&ĐT phạt hành chính với số tiền nhất định, các trường hầu hết vẫn rất vui).

Để xiết chặt, năm nay Bộ GD&ĐT sẽ có hình thức kỉ luật khác. Theo đó, bên cạnh xử lí hành chính đối với các trường vi phạm, bộ tiếp tục xử lí kỉ luật hiệu trưởng, kỉ luật ở mức độ nào sẽ theo từng mức độ vi phạm của hiệu trưởng. Đối với các trường thuộc các bộ, ngành khác vi phạm, Bộ GD&ĐT sẽ có công văn yêu cầu các tỉnh, thành, các bộ liên quan xử lí và báo cáo về Bộ GD&ĐT, việc này không loại trừ các trường NCL.

“Không thể có chuyện những người không làm gì về giáo dục, không biết gì về giáo dục lại đi làm thạc sĩ quản lí giáo dục. Tôi có cảm giác nếu chúng ta cứ làm thế này giáo dục không mạnh lên mà sẽ càng yếu đi”.


Bộ trưởng Phạm Vũ Luận.

Theo Bộ trưởng Phạm Vũ Luận, hiện nay việc vi phạm đối với các trường gần như đã thành phổ biến như vi phạm luật giao thông.

Năm nay các quyền đã được giao cho hiệu trưởng sẽ tiếp tục giao và không có thay đổi, tuy nhiên giao nhưng bộ vẫn sẽ kiểm tra.

Về các chương trình đào tạo, sẽ chú ý giảm dần chỉ tiêu tuyển thạc sĩ, tiến sĩ để nâng cao chất lượng, trước mắt gương mẫu giảm chỉ tiêu đào tạo thạc sĩ quản lí giáo dục.

“Không thể có chuyện những người không làm gì về giáo dục, không biết gì về giáo dục lại đi làm thạc sĩ quản lí giáo dục. Tôi có cảm giác nếu chúng ta cứ làm thế này giáo dục không mạnh lên mà sẽ càng yếu đi” Bộ trưởng Luận thừa nhận thực trạng.

Cũng trong năm 2013 Bộ GD&ĐT đã kí tờ trình trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt và sẽ cho triển khai quy hoạch mạng lưới các trường đại học, cao đẳng, đặc biệt sẽ dành nguồn kinh phí đi vay để đầu tư cho 4 phân hiệu đại học trong cả nước (phân hiệu Đại học Nha Trang tại Kiên Giang, phân hiệu Đại học Huế tại Quảng Trị, phân hiệu Đại học Đà Nẵng tại Kon Tum, phân hiệu Đại học Nông –Lâm tại Gia Lai).

Về việc mở ngành, Bộ trưởng Luận khẳng định lại năm 2013 không mở mới các trường về khối Kinh tế, Quản trị kinh doanh, Tài chính – Ngân hàng. Các trường công lập và NCL đã thành lập mà có hồ sơ xin mở ngành thuộc khối ngành trên sẽ không được chấp thuận. Như vậy, sẽ dừng việc mở mới các trường và các khối thuộc ngành này. Qua đó, Bộ GD&ĐT đang phát đi một tín hiệu rằng, lao động từ các khối ngành này hiện nay đã đạt độ bão hòa, học sinh và phụ huynh nên cân nhắc.

Bộ GD&ĐT cũng cho biết, năm nay Bộ sẽ không có cân đối điều chỉnh để giảm chỉ tiêu trường này hay trường kia, chỉ tiêu do các trường xác định.

Tăng kinh phí cho đào tạo sau đại học:

GS. TS Trần Văn Nam – Giám đốc ĐH Đà Nẵng nêu ý kiến, hiện ngân sách Nhà nước cấp hàng năm cho ĐH Đà Nẵng bằng 89%, trong khi đó các trường được tự chủ hoàn toàn hoặc tự chủ phải chịu sự chi phối của lộ trình tăng lương. Do đó, phần lớn kinh phí lấy từ nguồn thu học phí.

Trong khi nguồn thu học phí lại bị khống chế bởi trần theo NĐ 43, do vậy chỉ tiêu cũng bị khống chế quyết liệt và nguồn thu của các trường còn gặp nhiều khó khăn. Đối với Đại học Đà Nẵng, hệ vừa học vừa làm đang giảm, trong những năm tiếp theo việc tìm kiếm các nguồn thi sẽ gặp khó khăn.

Điều này Bộ Tài chính nên hỗ trợ thêm cho giáo dục đại học. Cũng theo ông Nam, nên chăng tăng học phí cho hệ sau đại học, vì hiện nay học phí của hệ này chỉ bằng 1,5 học phí hệ chính quy, như vậy là hơi thấp.

Theo lãnh đạo của Đại học Quy Nhơn, hàng năm tổng chi nguồn kinh phí thường xuyên hết 80% và 20% còn lại chi cho các khoản khác, chênh lệch thu chi là rất nhỏ. Hiện tại trường đang gặp khó khăn trong tái đầu tư để nâng cao cơ sở vật chất thiết bị dạy học.

Theo Đại học Quy Nhơn, trong thời gian tới Bộ GD&ĐT cần điều chỉnh các khoản chi tiêu thường xuyên. Các trường được chi dưới 100 triệu nên để phân cấp mở rộng giới hạn cho các trường mua sắm, sử dụng các khoản nhỏ.

Theo GDVN

 

Các tin cũ hơn