“Bệnh viện” tại gia
Chúng tôi có mặt tại nhà ông Việt khi trời đã về chiều nhưng có đến 5 bệnh nhân và một số người nhà bệnh nhân đến từ khắp các xã trong huyện Ba Chẽ và Tiên Yên. Thậm chí, có những người từ Bắc Giang, Lạng Sơn cũng đang chờ ông chữa bệnh. Ngoài ra, còn một số người đến mua thuốc gửi cho người nhà ở tận miền Nam.
Ngỏ ý muốn tìm hiểu sâu về nghề thì ông Việt bảo ngồi chờ khi nào chữa xong các bệnh nhân đã. Tôi ngồi xem ông Việt chữa bệnh, ban đầu chẳng thấy ông làm gì cả, chỉ sờ sờ, nắn nắn có vẻ khá hời hợt, nhưng giọng thì ân cần quan tâm, hỏi han người bệnh đủ thứ chuyện trên đời tưởng chẳng liên quan gì đến bệnh tật.
Ấy vậy mà lựa lúc bệnh nhân không để ý, ông giật mạnh một cái, thế là khỏi. Đấy là đối với các trường hợp bong gân, trật khớp chữa bằng mẹo, còn những bệnh nhân nặng như gãy xương thì ông cho những phương thuốc gia truyền đặc trị.
Đến với ông có một số bệnh nhân mang phim X-quang thì được ông xem rất tỉ mỉ, những bệnh nhân như thế này ông không cần sờ, nắn mà cho thuốc về bó, đắp. Đặc biệt với người già, ông cho thêm thuốc sắc uống.
Ông Việt xem phim chụp X-quang của |
Mỗi ngày, ông Việt khám và bốc thuốc cho hàng chục bệnh nhân, có những người từ nơi xa đến, có những người đến đã chập choạng tối hoặc tờ mờ sáng. Thành thử ông Việt cũng chẳng có giờ giấc quy định gì cả. Cứ có bệnh nhân là khám, cứ gõ cửa là mở. Thế nên bữa cơm của ông thường bắt đầu khi bệnh nhân đã hết, không có thời gian ăn đúng bữa.
Ông Việt nguyên là Phó Chánh Văn phòng UBND huyện Ba Chẽ, mặc dù chưa đến tuổi nghỉ hưu nhưng ông xin về trước tuổi (55 tuổi). Ông là đời thứ năm sở hữu “bí kíp” bài thuốc này, các vị thuốc lấy từ cây rừng, chữa bệnh không sử dụng đến dao kéo.
Nghe vậy, tôi liền hỏi: Có một công việc ổn định, lương ổn định sao ông không làm nữa mà xin nghỉ sớm? Ông Việt nói: “Bố tôi là Lương Văn Thị (80 tuổi) đã già rồi, không lên rừng lấy cây thuốc được nữa, trí nhớ không còn minh mẫn. Do đó, tôi quyết định nghỉ việc để về nối nghiệp”.
Ít ai biết, dòng tộc ông Việt có năm đời kế tiếp nhau làm nghề thuốc. Tuy nhiên, mỗi thế hệ lại chỉ có một người là có khả năng nối nghiệp. Từ thuở lên năm, lên mười, ông Việt đã bắt đầu làm quen với nghề y bằng việc lên núi hái cây về cho ông nội, vừa phụ giúp, vừa học hỏi những bài thuốc đầu tiên.
Những cánh rừng Ba Chẽ ông thuộc như trong lòng bàn tay, loại thuốc nào có tác dụng gì được ông nội chỉ dạy hết. Ngoài ra, cách giật khớp, nắn xương, ông Việt nắm rõ. Nhưng vì đam mê học hành, ông không có thời gian theo ông nội để chữa bệnh.
Những vị thuốc được ông Việt giã nhỏ cất trong túi nilon để điều trị cho bệnh nhân |
Vào năm 2007, ông xin nghỉ việc ở UBND huyện Ba Chẽ để dành tất cả thời gian chữa bệnh cứu người tại nhà. “Bệnh viện” của ông không có chỉ dẫn, không biển hiệu, cũng không thu phí khám chữa. Thầy thuốc thì đi dép tổ ong, bộ áo quần đơn sơ, ngồi bệt xuống thềm nhà mà đắp thuốc, băng bó cho bệnh nhân.
Hỏi về việc có hay đi xa chữa bệnh không, ông liền nói: “Có chứ, nhiều khi có những bệnh nhân bị gãy chân không đi lại được, mình phải đến tận nhà. Mình không đi, bệnh nhân đến đây tội lắm, bỏ công một lúc cũng không sao”.
Bây giờ ở tuổi 60, ngày hai bữa ông Việt vẫn nắn xương bốc thuốc cho mọi người. Mỗi ngày, người ra người vào nhà ông thường xuyên. Nhìn quanh khu vườn, ông Việt trồng nhiều cây thuốc nhưng cây nào cũng hết sạch lá. Ông Việt tiết lộ: “Đó toàn là những cây thuốc tôi đưa trên rừng về trồng nhưng bệnh nhân quá nhiều nên lá mọc không kịp. Giờ cây thuốc hiếm rồi, có những loại đi cả ngày trời chẳng tìm được”.
Bán thuốc tận miền Nam
Rất nhiều căn bệnh liên quan đến xương nhưng qua tay ông Việt đều chóng khỏi đến khó tin. Trong lúc chờ đợi, tôi bắt chuyện với anh Vũ Văn Sự, một bệnh nhân ở thị trấn Ba Chẽ. Anh Sự bị tai nạn xe máy, gãy xương ống chân trái, đang được ông Việt điều trị hơn hai tuần nay.
Ông Việt bó thuốc cho bệnh nhân Vũ Văn Sự gãy xương ống chân |
Anh Sự kể, khi cấp cứu ở bệnh viện, người ta chụp phim X-quang cho kết quả anh gãy xương ống chân. Các bác sĩ bảo phải bó bột. “Lúc đó, tôi hỏi chữa hết bao nhiêu tiền thì được các bác sĩ bảo tiếp là hết 2 triệu đồng. Nghe như vậy, tôi giật cả mình. Gia đình tôi nghèo khó, tính cả tiền ăn uống cũng hết 5 triệu đồng nên xin các bác sĩ cho xuất viện để về lấy thuốc của ông Việt. Sau 15 ngày bó thuốc, tôi đi chụp phim X-quang thì xương sắp lành. Hôm nay, đưa phim cho ông Việt xem, ông ấy bảo chỉ 1 tuần đắp thuốc nữa là khỏi. Tổng chi phí gần 1 tháng dùng thuốc của ông hết khoảng 1 triệu đồng”.
Nói về trường hợp bệnh nhân Sự, ông Việt cho hay: “Anh Sự là một trong hàng ngàn bệnh đến với tôi. Đến bây giờ, chính tôi cũng chẳng nhớ nổi mình đã cứu cho bao nhiêu người thoát khỏi gãy chân, gãy tay. Có ngày, tôi phải làm việc từ sáng đến tận khuya do đông bệnh nhân quá. Rất nhiều trường hợp nằm liệt giường, tôi chữa trị đã có thể đứng dậy, thậm chí đi làm những việc nặng”.
Tôi buột miệng: Những trường hợp gãy xương ông cũng nối lại được ạ? Ông Việt tự tin: “Trừ trường hợp gãy xương chảy máu trong thì phải đến bệnh viện, còn xương bị gãy không chảy máu thì dùng thuốc của tôi mấy hôm là hết đau nhức, vài tuần sau là lành xương ngay. Kể cả những trường hợp gãy xương đâm ra ngoài da tôi cũng đẩy vào được, nhưng có một điều kiện, bệnh nhân đó không được để quá lâu, đặc biệt không tiếp xúc những chất, vật gì gây nhiễm trùng”.
Nói về “thương hiệu” bài thuốc chữa khớp xương của mình, ông Việt buồn bã: “Gia đình tôi không bao giờ đem thuốc bán rong, bán dạo. Bệnh nhân đến nhà mới chữa nhưng có nhiều người lấy tên của tôi đi lừa người dân. Họ đi đâu cũng bảo thuốc gia truyền của tôi rồi lấy giá cắt cổ. Có nhiều bệnh nhân dùng phải thuốc đó nhưng không lành, họ tìm đến đây thì mới biết là mình bị lừa”. |
Tại “bệnh viện” của ông, chúng tôi chứng kiến những bệnh nhân từ miền Nam gửi phim X-quang ra nhờ ông bốc thuốc gửi vào. Tôi thắc mắc, thuốc của ông dùng lá tươi làm sao gửi được? Ông Việt liền bảo: “Không những gửi phim mà họ gọi điện diễn tả bệnh cho tôi để lấy thuốc, rồi tôi hướng dẫn cho họ.
Riêng lá cây để ít nhất 3 ngày mới khô, tôi đi lấy trên rừng về giã ra bỏ vào tủ lạnh để chữa tại nhà, còn những người ở xa thì đem phơi khô. Tuy nhiên, dùng thứ thuốc lá khô bệnh lâu lành hơn lá tươi”.
Tôi thắc mắc tiếp: Họ ở miền Nam sao biết đến ông? Ông Việt cho hay: “Ở địa phương đây có nhiều người vào trong đó làm kinh tế, mỗi khi không may bị gãy chân, tay nhờ tôi gửi thuốc vào. Từ người này, giới thiệu qua người khác họ biết đến tôi thôi”.
Khi trời về chiều, cũng là lúc chúng tôi chào ông ra về. Ông chuẩn bị bữa cơm tối nhưng từ ngoài ngõ hai người đang dìu một bệnh nhân vào nhà ông và liền kêu lên: "Ông Việt ơi! Có người tai nạn xe máy, bị trật đầu gối, ở ngoài thị trấn vào. Ông ra xem thế nào giúp người ta". Ông Việt liền bỏ dở bữa cơm để khám chữa bệnh cho nạn nhân.
Theo Nongnghiep