Quỹ bảo trì đường bộ: 2013 không nộp chưa phạt
Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã chính thức thực hiện thu phí cho Quỹ bảo trì đường bộ, trước mắt là ô tô nộp qua trạm đăng kiểm, còn xe máy, vì HĐND cấp tỉnh chưa bàn tới, nên sẽ thu sau. Tuy đã thực hiện thu, người dân cũng đã bắt đầu nộp, nhưng vướng mắc, những điểm bất hợp lý vẫn nhiều.
Nhiều doanh nghiệp, hiệp hội vận tải đã chỉ ra nhiều bất hợp lý, như nộp phí theo kỳ đăng kiểm là chiếm dụng vốn doanh nghiệp, thu phí cả đầu kéo và rơ-moóc, thu phí xe không hoạt động trên đường, xe ở vùng sâu, vùng xa tự đầu tư đường vẫn phải đóng phí…
Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng. Ảnh VNE. |
Trước những lập luận hợp lý của người dân và doanh nghiệp, tại cuộc hợp ngày 19/12/2012 ở TP.HCM, ông Nguyễn Hồng Trường - Thứ trưởng Bộ Giao GTVT, Phó chủ tịch Hội đồng quản lý quỹ bảo trì đường bộ Trung ương đã phải nói: “Trước mắt phải chấp hành đúng quy định. Còn trong quá trình thực hiện quỹ, chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi trên tinh thần đảm bảo lợi ích cho doanh nghiệp.
Chúng tôi cũng kiến nghị với Chính phủ nếu điều chỉnh thì phải sau 3-6 tháng thực hiện thu quỹ để tổng hợp những bất cập, phát sinh. Trước mắt cứ thực hiện rồi điều chỉnh sau”.
Nói như vậy, chẳng khác nào Bộ GTVT đang lấy ví người dân ra làm “thí điểm”, dù đã biết rõ những khuyết điểm, thiếu sót của chính sách, nhưng nếu có sửa cho hợp lý cũng phải sau vài tháng thực hiện.
Vì đang “thí điểm”, nên theo ông Trường, Bộ GTVT và Bộ Tài chính cũng kiến nghị Bộ Công an trong năm 2013 chưa tiến hành xử phạt đối với các phương tiện chưa nộp phí bảo trì đường bộ.
Ngoài ra, Luật Giao thông đường bộ cũng chưa có quy định bắt buộc người dân phải mang theo giấy tờ là biên lai/giấy đóng phí bảo trì đường bộ nên không thể xử phạt.
Chưa xử phạt, vậy là có nộp phí hay không là tùy mỗi người. Đặc biệt, với xe máy, khi việc thu tùy thuộc vào tính tự giác của mỗi người. Với ô tô, vì việc nộp phí nằm trong quy trình đăng kiểm nên bắt buộc phải nộp.
Vẫn khoan hồng cho xe không chính chủ
Quy định về xử phạt xe không chính chủ trước đó cũng đã làm dư luận bức xúc, vì tại Việt Nam, có tới 40% xe không chính chủ, buôn bán không sang tên.
Theo quy định tại Nghị định 71 của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, từ ngày 10/11/2012, lực lượng cảnh sát giao thông chính thức xử phạt chủ ôtô, xe máy không sang tên đổi chủ xe, với mức phạt từ 2-4 triệu đồng (xe máy) và 6-10 triệu đồng (ôtô). Nghị định này do Bộ GTVT chấp bút, sau đó trình Chính phủ ký ban hành.
Khi thực hiện, quy định trên đã gây phản ứng dữ dội trong nhân dân do cách hiểu và cách thực hiện chưa đúng. Do vậy Chính phủ yêu cầu Bộ Công an phối hợp với các bộ (có Bộ GTVT) soạn thảo thông tư hướng dẫn để thực hiện cho đúng bản chất sự việc. Trong khi chờ Bộ Công an ban hành thông tư, lực lượng Cảnh sát giao thông sẽ không xử phạt hành vi sở hữu xe không chính chủ.
Vào đầu năm 2009, Bộ GTVT cũng từng gây sốt khi Luật Giao thông đường bộ sửa đổi, có hiệu lực từ ngày 1/7/2009, quy định tài xế lái xe container, xe kéo rơ-moóc, semi-rơ-moóc phải có giấy phép lái xe hạng FC (các tài xế có bằng C phải học thêm để chuyển đổi lên bằng FC).
Tuy nhiên, do lộ trình thực hiện từ lúc luật được thông qua cho đến khi luật có hiệu lực thi hành quá ngắn, nhiều lái xe không kịp học chuyển đổi, dẫn tới một lượng lớn xe kéo rơmoóc, xe container phải dừng hoạt động vì không có lái xe, hàng hóa bị ứ đọng.
Thực tế đó buộc Bộ GTVT phải ra Quyết định 997 ngày 15/4/2009 cho phép lùi thời hạn thực hiện bằng FC đến 1/7/2010, thay vì thực hiện từ ngày 1/7/2009 như trước đó.
Tới ngày 1/7/2010, thực tế trên vẫn chưa được giải quyết, Bộ GTVT lại phải có kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ cho phép lùi thời hạn xử phạt lái xe chưa có bằng FC. Sau đó Thủ tướng đã đồng ý gia hạn xử phạt tài xế điều khiển xe đầu kéo chưa có giấy phép lái xe hạng FC đến hết ngày 30/6/2011.
Đấy chỉ là những ví dụ điển hình nhất trước thực trạng Bộ GTVT đưa ra chính sách khi chúng vẫn nhiều bất cập, chưa được đồng thuận, chưa sát thực tế, dẫn tới người dân phản ứng. Nhưng chúng ta cũng phải ghi nhận tinh thần biết lắng nghe người dân nói, biết sửa sai của Bộ GTVT để chính sách hợp lý hơn.
Thế nên, dù người dân có vô tình bị biến thành "chuột bạch" cho chính sách, ít ra họ còn có quyền hi vọng về một sự thay đổi tích cực hơn?
Theo Phunutoday