Còn lâu họ mới tự giác xin lỗi!
Ông nghĩ thế nào về hành động xin lỗi của cô giáo này?
Tôi nghĩ là đa số dư luận sẽ cho rằng giáo viên trường này xin lỗi học sinh thế là nhanh, là ổn rồi. Còn tôi thì cho rằng: Họ làm như vậy vì áp lực báo chí và dư luận thôi. Chứ nếu không ai biết, không ai nói, thì còn lâu họ mới xin lỗi.
Trường hợp cô giáo này thì tôi tự hỏi, sao cô không xin lỗi học trò ngay khi phát hiện tiền của mình vẫn còn ở trong giỏ. Dẫu sao thì hành động đứng ra xin lỗi trước học sinh toàn trường như vậy cũng đáng được đánh giá cao.
Thực tế thì giáo viên sai trong ứng xử, sai trong giảng dạy kiến thức... có nhiều không thưa ông?
Chuyện giáo viên sai trong ứng xử, trong giảng dạy thì nhiều chứ không hề ít. Ngay 1 anh tổ trưởng tổ toán trường tôi cũng có câu chuyện thế này. Học sinh chứng minh 3 điểm A, B, C thẳng hàng trong không gian vì 2 vectơ cùng phương và có điểm chung.
Nhưng giáo viên này phê: phương pháp chỉ đúng trong mặt phẳng. Thế rồi cứ trừ điểm học sinh đó. Khi học sinh đưa ra dẫn giải thì giáo viên này chửi luôn học sinh. Đấy, rõ ràng là giáo viên sai, mà học sinh vẫn bị chửi.
Trường hợp như cô giáo này có phải là cá biệt?
Thì rõ là không nhiều. Hiếm khi họ công nhận mình là sai lắm, trừ khi có áp lực gì.
Vì sao vậy, chẳng lẽ giáo viên thì không được sai?
Còn lâu họ mới tự giác xin lỗi học sinh. Vụ cô Thảo Nguyên ở Hải Phòng cách đây 2 năm cũng thế. Cô giáo chửi học sinh, bị các em ghi âm lại một đoạn băng dài đến 18 phút và đưa lên mạng. Sau nhiều áp lực thì cô giáo cũng phải xin lỗi. Nhưng họ chỉ xin lỗi khi thấy áp lực báo chí, lãnh đạo thôi.
Thầy Đỗ Việt Khoa, Vân Hòa, Vân Tảo, Thường Tín, Hà Nội. |
E là ngành giáo dục chẳng còn mấy giáo viên
Theo ông thì việc xin lỗi có làm mất thể diện của giáo viên không?
Tôi cho rằng việc xin lỗi chẳng làm giáo viên mất thể diện. Nhưng bảo học sinh tin rằng giáo viên kia thực tâm xin lỗi sau khi sự việc ầm ĩ, chắc là khó có học sinh nào tin.
Vì sao thế ạ?
Đa số các em sẽ chỉ lo lắng bị trù úm hoặc ghẻ lạnh. Kiểu gì giáo viên đó cũng có thái độ bất thường đối với em học sinh đã "gây tội" cho mình. Đôi khi vì tự thấy xấu hổ, giáo viên đó sẽ chọn cách xin nghỉ.
Có người bảo, cách nhìn của ông tiêu cực quá. Vì ông chống không được nên thành ra tiêu cực?
Đại đa số thì thầy vẫn ra thầy và trò vẫn ra trò. Chuyện xấu chỉ xảy ra lẻ tẻ ở nơi này hay nơi khác và tùy thời điểm. Nhưng do yếu tố tiền bạc và lợi ích cục bộ, do đạo đức xã hội nói chung thì gần đây chuyện xấu nó đang nhiều lên.
Nhiều nơi trở thành chỗ bán chữ giá cao, bán bằng giá cao. Cộng với vô vàn cái xấu nhiễm vào khiến truyền thống "tôn sư trọng đạo" mất dần.
Có lẽ việc tự giác xin lỗi trong ngành giáo dục còn hạn chế?
Tôi thấy việc tự giác xin lỗi lại là một thứ hiếm trong giáo giới và trong xã hội nước ta hiện nay. Nếu có quy định nào đó về việc giáo viên gian dối thì cho nghỉ việc, tôi e là ngành giáo dục sẽ chẳng còn mấy giáo viên nữa.
Vì sao ông lại có suy nghĩ tiêu cực như vậy?
Đó là thực tế mà tôi được biết. Chắc chắn là ở đâu đó vẫn có những giáo viên tận tâm với nghề, thành thực với nghề. Nhưng trong thực tế tiếp xúc thì tôi nhận thấy như thế.
Chuyện bao che tiêu cực, nhận tiền chạy điểm, chạy trường, dạy thêm... là những chuyện quá cũ và cũng nóng hổi cái mới rồi. Liệu có giáo viên nào dám đứng ra nhận mình là người không gian dối?
Ông có dám nhận danh hiệu đó?
Tôi thì có gì mà phải ngại. Và chính tôi cũng đã phải trả giá cho sự thành thực đó của mình rồi.
Làm hỏng cả thế hệ, không xin lỗi được
Ông đánh giá thế nào về hiện tượng chạy điểm, chạy trường hiện nay?
Hiện tượng chạy điểm, tôi nghĩ là có nhưng nó không phổ biến ở cấp phổ thông, mà ở cấp sau phổ thông. Còn hiện tượng chạy trường thì là đặc trưng của cấp phổ thông, từ tiểu học tới trung học phổ thông đều có.
Khi nhận tiền của học trò để chạy trường chạy điểm, để nâng đỡ học sinh này học sinh khác là giáo viên làm gương xấu cho học sinh. Tôi cũng tự hỏi, khi đó lời xin lỗi có tác dụng?
Chúng ta không thể hy vọng những kẻ nhận tiền kia sẽ xin lỗi. Chúng đã phá nát ngành giáo dục làm hỏng nhiều thế hệ thì liệu lời xin lỗi của chúng có cứu vãn được tình hình? Không nên trông chờ điều đó mà phải có những chế tài xử phạt thật nặng mới đủ tính răn đe được.
Theo ông, những bất cập trong ngành giáo dục hiện nay là lỗi của ai. Liệu ngành giáo dục có cần phải có một lời xin lỗi trước khi thực hiện đổi mới?
Lâu nay chúng ta nói nhiều về tệ nạn và sự yếu kém của ngành giáo dục. Nhưng theo tôi, mọi chuyện đều do sự gian dối của những người làm giáo dục. Đừng hy vọng nhân rộng việc xin lỗi của trường tiểu học trên ra làm gì vì không có mấy tác dụng gì đâu.
Trong khi văn hóa xin lỗi chưa hình thành thì theo ông, làm thế nào để giúp ngành giáo dục trong sạch hơn, chất lượng hơn?
Tôi không mong ngành giáo dục phải xin lỗi hay biết xin lỗi, vì điều đó là không dễ và cũng không có nhiều tác dụng. Chính lãnh đạo ngành giáo dục phải có lòng tự trọng để biết xin lỗi, biết từ chức, biết xấu hổ với những sai lầm của mình. Khi họ chưa biết điều đó thì đừng hy vọng gì sự thay đổi ở chính mỗi giáo viên.
Xin cảm ơn ông!
- Sáng 27/12, Ban Giám hiệu trường tiểu học Trung Lập Thượng, xã Trung Lập Thượng, huyện Củ Chi, TPHCM đã tập trung toàn thể học sinh, giáo viên để chứng kiến việc cô giáo Nguyễn Thị Thu xin lỗi em Lại Thị Thẩm - học sinh lớp 2 của trường. Cô Nguyễn Thị Thu vừa khóc vừa phát biểu: "Đây là sai lầm mà tôi sẽ nhớ suốt đời, không bao giờ dám tái phạm. Sai lầm xuất phát từ sự nóng vội, những phản ứng thiếu sư phạm, không mang tính giáo dục khiến em Thẩm bị hàm oan". - Thầy Đỗ Việt Khoa: Thời gian 2 năm qua, chúng ta thấy những chuyện xấu của nhà giáo là vô số, từ ăn tiền đi thầy ở bậc sau phổ thông; ép học sinh học thêm để kiếm tiền; gian lận, làm ngơ trong thi cử; hút thuốc nơi công cộng; có mùi bia rượu khi lên lớp; nói tục chửi bậy khi đứng lớp; xúc phạm học sinh gây bức xúc khiến các em tự tử; đánh chửi lẫn nhau... Bài học cảnh tỉnh đầy ra đấy nhưng nhiều nhà giáo không tự sửa mình. |
Theo Kienthuc