Quốc phục quan trọng nhất phải đẹp
Quốc phục được đưa ra trong hội thảo với yêu cầu ráo riết cần chọn, nhiều lần bàn và Bộ VH-TT&DL hạ quyết tâm: “Sẽ làm triệt để để tìm ra bộ quốc phục Việt Nam”, phát động cuộc thi thiết kế và trình Quốc hội. Tuy nhiên, cho đến nay tất cả đều chỉ ở trên bàn giấy. Là một họa sỹ trẻ, anh nhìn nhận về vấn đề này như thế nào?
- Với tư cách là một công dân tôi thấy rằng đây là một vấn đề rất hệ trọng đúng ra phải làm từ lâu rồi và đây là một điều cần thiết. Nhưng sự lằng nhằng về cơ chế, nghi thức của từ nghệ sỹ đến người dân, các ban ngành khiến cho mọi việc kéo dài lâu như vậy.
Họa sỹ Trần Nhật Thăng |
Với quan điểm của một họa sỹ tôi thấy, chọn quốc phục là một điều khó. Bởi vì đây là vấn đề của cộng đồng mà lại là vấn đề quan trọng, là bộ mặt, tín hiệu văn hóa của một cộng đồng, một dân tộc.
Đặc biệt, khi bàn một vấn đề của cộng đồng bao giờ cũng rắc rối hơn. Dù ông nói gà, bà nói vịt vẫn phải đi đến cùng và vẫn phải làm thành công, tức là phải chọn ra được bộ Quốc phục đẹp nhất.
Theo anh, lựa chọn một bộ Quốc phục phải có những tiêu chí như thế nào?
- Việc này tương đối khó, tôi cũng rất khó có thể thay mặt được cho ai phát biểu. Đây là một ý kiến cá nhân, tất nhiên là nó phải đẹp, đáp ứng được đầy đủ những yếu tố cần thiết nhất làm đại diện cho trang phục Việt và người dân phải thích.
Khi mà đã đạt được những tiêu chí về tính dân tộc, tính truyền thống, văn hóa, về vùng miền, tính ứng dụng thì sau cùng nó phải đẹp thì mới đáp ứng được tiêu chuẩn.
Cũng giống như một bức tranh anh phải tuân thủ về màu sắc, ánh sáng, bố cục, đường nét, luật xa gần. Nhưng khi anh tuân thủ hết những yếu tố đó mà nó vẫn khô cứng, xấu thì đó là một họa sỹ tồi. Nếu không đẹp thì miễn bàn, dù anh đúng như thế nào chăng nữa.
Có ý kiến cho rằng muốn có được Quốc phục tử tế thì phải hiểu về văn hóa truyền thống, phải có những cuộc thi trên nền tảng giới thiệu như triển lãm phục trang của tổ tiên ta qua các thời kỳ như thế nào, giới thiệu được cả ý nghĩa của nó rồi lúc đó những người sáng tạo có tri thức mới có thể đưa ra được những bộ quần áo có tính chất Quốc phục? Anh có đồng tình với quan điểm này không?
- Rất đồng tình. Đây là việc của cộng đồng nên nếu đưa ra một cuộc thi lớn và có thể sẽ có rất nhiều người tham gia. Đó có thể là người lớn tuổi, trẻ tuổi, có người chuyên về thiết kế, nhưng cũng có thể là một người họa sỹ hay sinh viên mỹ thuật, kiến trúc. Thậm chí, có thể là một Việt kiều trẻ đang sống ở nước ngoài.
Anh nhận xét thế nào về cách chọn quốc phục của Việt Nam hiện nay?
- Lằng nhằng vì thuộc về cơ cấu. Mà truyền thống của những gì thuộc về cơ cấu ở Việt Nam là rối ren và chậm chạp.
Nếu gấp rút thì cũng chỉ một năm chúng ta có thể chọn được một bộ Quốc phục tử tế. Người ta không hết mình về công việc, không có trách nhiệm, tấm lòng là kém mới lung tung, chậm chạp như thế.
Vấn đề tri thức thì không cần đến họ, hãy để các nhà thiết kế làm. Các nhà thiết kế phải làm việc với các nhà sử học, các nhà văn hóa. Nhưng họ phải khuấy lên và làm đến cùng chứ không thể để 10 năm nay chưa xong một việc.
Nếu không chọn áo dài thì chọn cái gì?
Nhiều người muốn chọn áo dài là Quốc phục, nhưng cũng có ý kiến phản bác rằng chỉ có những người dễ tính, ít hiểu biết về truyền thống văn hóa dân tộc thì mới thích thú bởi áo dài mới xuất hiện và nó không phải là của người Việt Nam mà chỉ là sản phẩm của văn hóa đô thị. Quan điểm của anh như thế nào?
- Tôi không phải phản bác ý kiến này nhưng góp ý thêm rằng: đúng là áo dài ra đời từ đời sống đô thị nhưng như thế thì nó đâu có tội tình gì đâu.
Áo dài cũng được biến tấu, xuất phát từ cuộc sống của người nông dân. Họ sống hàng trăm năm rồi tập trung nhau vào một cái chợ gọi là thị, sau xây dựng lên gọi là thị thành. Chiếc áo dài tự nó đã phát triển từ người nông dân mà lên rồi. Và rõ ràng là nó đẹp.
Nhưng để chọn áo dài làm Quốc phục thì cần phải có cuộc thi này. Áo dài thành Quốc phục thì có cần thiết là phải chỉnh nó thêm không, có sáng tạo thêm không vì khi nó đã là Quốc phục thì nó lại là vấn đề khác hẳn. Không phải đến ngày lễ, Tết các bà, các mẹ, các chị mới mặc áo dài mà nói rằng mặc Quốc phục thì hơi buồn cười. Theo tôi, phải nâng áo dài thêm một tầm nữa.
Vậy thì theo anh phải chỉnh như thế nào?
- Cái này khó, phải nghĩ hàng năm. Bây giờ các phim cổ trang của Việt Nam cũng còn đang lần mò không biết trang phục cổ trang của Việt Nam như thế nào. Chúng ta không có một tín hiệu gì cả và không có một bề dày truyền thống huy hoàng như Trung Hoa, Nhật Bản, Hàn Quốc để nghiên cứu, đó là số phận của đất nước rồi.
Nếu không chọn áo dài thì chọn cái gì? Nếu không thì chọn bộ nâu sòng mà đại đa số nông dân miền Bắc dùng. Cái nôi của đất nước mình là từ miền Bắc xuất phát đi. Đấy là tiêu chí về thời gian.
"Thiếu nữ bên hoa huệ" của họa sĩ Tô Ngọc Vân |
Vì sao anh lại chọn áo dài làm Quốc phục? Anh hình dung như thế nào về quốc phục áo dài?
- Vì nó đẹp. Áo nâu sòng cũng đẹp nhưng nó hơi giản đơn quá. Nó chỉ là quần áo mặc thường ngày của người nông dân. Nhưng tôi thích cái màu đó. Rất đời, rất đẹp có lẽ rất gần với đạo Phật nữa. Nếu kết hợp được những yếu tố đó với nhau thì hay.
Về kiểu dáng tôi không dám bàn vì đó là của các chuyên gia thời trang. Nhưng về màu, ý tưởng của tôi là dùng màu nâu cho áo dài, kết hợp thêm một vài họa tiết cổ, nhưng được thêu bằng vàng, tức là những chi tiết trên áo vua quan.
Trong tưởng tượng của tôi áo dài làm Quốc phục nó phải trông hơi cung đình một chút, hơi quý tộc một chút nhưng không nên quá vua chúa. Bình dân thì không.
Ghép tất cả các yếu tố trên như thế nào lại phải là một nghệ sỹ tài hoa, một người tạo mẫu giỏi, làm sao để không giống với những trang phục mà các cô hoa hậu, người mẫu đi thi các cuộc thi người đẹp trên thế giới.
Tôi kỳ vọng chị Minh Hạnh sẽ thiết kế ra bộ áo dài làm Quốc phục. Tôi nghĩ là như thế. Chị ấy đầy đủ tư chất của một nhà thiết kế nổi tiếng, một người có con mắt mỹ thuật và một người có kiến thức khá đầy đặn về văn hóa cổ. Một vài bộ sưu tập trước đây của chị về áo dài cũng khá đẹp.
Quốc phục không tiện dụng, người dân sẽ khước từ
Anh nghĩ thế nào về đề xuất chọn yếm, ai cũng có thể sử dụng mà lại rất thuần Việt?
- Chọn áo yếm thì quá mạnh bạo. Theo tôi hiểu đó chỉ là chiếc áo lót ở bên trong. Có ai đi ra ngoài mặc chỉ độc chiếc áo đó đâu, vẫn phải có áo khoác ngoài. Chiếc áo đó hơi văn nghệ.
Trong con mắt họa sỹ thì cũng thích chiếc áo đó nhưng đây là việc Quốc phục, việc Quốc gia còn lễ, Tết, đón tiếp các đoàn ngoại giao thì áo yếm hơi văn nghệ quá.
Quốc phục phải mặc trong dịp quan trọng, lễ, Tết, những đoàn đi công tác nước ngoài…
Tương tự như cặp áo dài và yếm, là áo the khăn xếp và... khố. Theo anh, áo the khăn xếp hay khố phù hợp hơn với tiêu chí chọn quốc phục cho nam giới?
- Quốc phục dành cho nam thực sự là một vấn đề khó. Khi nói đến áo dài thường người ta hay nói đến khăn xếp, áo the. Bộ này tôi thấy nó không đẹp. Không thuyết phục.
Khố theo tôi cũng không đẹp, nhưng theo tôi chỉ nên coi khố là trang phục truyền thống chứ không được nâng lên thành Quốc phục. Khố thì thô sơ quá.
Có lẽ, tiêu chí đầu tiên của quần áo cho nam sẽ phải mang hình thái của khăn xếp áo the để đáp ứng nhu cầu lịch sử và truyền thống. Nhưng để biến nó đẹp thì lại cả một vấn đề.
Bằng cảm quan tôi không thấy nó đẹp, không thấy nó bề thế. Nó hơi nữ tính. Có thể phải sửa vai hơi dáng vest một chút, màu đen là sang trọng. Phía trên đã cứng như vậy thì phía dưới cũng phải có một sự cứng cáp đồng bộ. Quần lụa thì mỏng. Cái này phải nghiên cứu sâu rồi trên thực tế làm mới nảy ra được.
Khi có cuộc thi như thế thì hàng trăm hàng ngàn người sẽ tới dự có các mẫu thiết kế cầm thấy được, sờ thấy được, đi lại trên sàn thì mới có thể bàn tiếp được. Bước đầu hãy quyết tâm làm đã, tổ chức cuộc thi kêu gọi cộng đồng, không hạn chế đối tượng tham gia.
Tôi rất kỳ vọng các bạn trẻ sống ở nước ngoài. Tôi cũng đề xuất không hạn chế đối tượng, kể cả là người nước ngoài. Vì người nước ngoài họ làm những việc này rất tốt. Dù nếu họ đạt được giải thưởng thì cũng là vấn đề, ta cũng hơi tủi thân nhưng nên chấp nhận việc đó nếu người ta làm đẹp hơn.
Nói người nước ngoài không hiểu về Việt Nam nên không thể thiết kế được thì không phải. Những người đã hiểu thì người ta hiểu rất là hay, họ có cách nhìn tươi mới. Nên mở rộng đối tượng.
Hết Quốc hoa rồi Quốc tửu, Quốc vật được đưa ra bàn thảo, lựa chọn. Nhưng xem ra, sau cái sự được tôn vinh rầm rộ ấy là rơi tõm vào quên lãng và nay đến lượt Quốc phục loay hoay đề cử gần chục năm nay nhưng vẫn chưa đưa ra được kết quả. Vì sao vậy và liệu rằng chọn được Quốc phục rồi nó có đi vào vết xe đổ như các cuộc bầu chọn trước đó?
- Tôi không nghĩ thế. Quốc phục là chuyện ăn mặc và nó gắn với thể diện quốc gia. Giống như trong nhà bạn có thể cắm hoa hoặc không, có thể có một đồ vật đẹp hoặc không nhưng bạn không thể không mặc gì ở trong nhà được. Việc vận dụng giá trị sử dụng của Quốc phục rất khác.
Chọn là việc cần thiết và người ta phải làm tốt. Tuy nhiên, việc vận dụng nó như thế nào lại là chuyện khác. Đó là sự vận hành của cả xã hội. Người ta có yêu quý nó không, nó có tiện dụng không, ý thức tự hào dân tộc như thế nào?
Nếu họ yêu quý nó, họ tự hào thì tự nhiên họ mặc, đi nước ngoài du lịch là họ mặc. Còn đón tiếp, ngoại giao, việc của Chính phủ, Bộ Văn hóa nếu thấy cần thiết thì cũng phải có một quy định cụ thể về ăn mặc, cung cách khi ứng xử, ngoại giao.
Nếu một bộ Quốc phục được chọn rồi mà người dân không đồng ý thì nó sẽ kém hiệu quả. Trong trường hợp nó không tiện dụng người dân sẽ ngần ngại và người ta sẽ khước từ.
- Xin cảm ơn anh!
Theo Phunutoday