Phân tích thực lực tên lửa Triều Tiên

Thứ sáu, 25/01/2013, 10:12
Tính về số lượng hiện nay, giới phân tích cho rằng Triều Tiên sở hữu trên dưới 1000 quả tên lửa đạn đạo ở cả tầm ngắn, trung và tầm xa.

Với kho tên lửa đó, Triều Tiên rất có khả năng uy hiếp Hàn Quốc, Nhật Bản, Nga và thậm chí là tấn công Mỹ, Australia. Tuy nhiên, chất lượng hay độ chính xác và uy lực của các tên lửa này lại tỉ lệ nghịch với tầm bay của nó.

 trieu tien
 Các loại tên lửa chính của Triều Tiên hiện nay là Scud, Nodong, Taepodong 1, Taepodong 2, Taepodong X. Nguồn: Hội đồng Quan hệ Đối Ngoại
 
 
Tên lửa đạn đạo tầm ngắn

Tên lửa tầm ngắn của Triều Tiên gồm có Scud, Hwasong 5, Hwasong 6, KN-02.

Triều Tiên nhập lô tên lửa đạn đạo chiến thuật Scud-B từ Ai Cập năm 1980, đây trở thành nền tảng cho việc phát triển tên lửa đạn đạo tầm ngắn và trung của Bình Nhưỡng.

Hwasong 5 (Scud C) là một ‘phiên bản’ nội địa hóa của Scud-B, có tầm bắn tăng lên 320km, tải trọng 1 tấn với đầu đạn có thể là hóa học, sinh học, đầu đạn thông thường và hạt nhân.

Tiếp sau đó là phiên bản Hwasong 6 (Scud D) cải tiến, dài 12m, đường kính 0.88m, tải trọng 800kg với đầu đạn có thể là hạt nhân, hóa học, sinh học.

Tên lửa đạn đạo chiến thuật Hwasong 6 có tầm bắn 700km, do đó có thể tấn công mọi mục tiêu sâu trong lãnh thổ Hàn Quốc.

Trong kho tên lửa đạn đạo tầm ngắn của Triều Tiên còn có KN-02 dựa trên phiên bản OTR-21 của Nga (do Syria xuất khẩu cho Bình Nhưỡng năm 1997).

KN-02 dài 6,4m, đường kính 0,65m, trọng lượng phóng 2,01 tấn, đầu đạn thường (tải trọng 485kg), tầm bắn 160km, được đưa vào phục vụ năm 2008.

KN-02 được coi là loại có độ chính xác cao nhất, nhưng tầm bắn chỉ đạt khoảng 100 km và đây cũng là loại có tầm bắn thấp nhất.

Tên lửa KN-02 có thể được nghiên cứu để nhắm tới những mục tiêu then chốt ở Hàn Quốc như các cơ sở quân sự tại phía nam đường biên giới.

ten lua Trieu Tien
Tiềm lực của tên lửa Triều Tiên. Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu không phổ biến vũ khí
 
 
Tên lửa đạn đạo tầm trung

Nodong 1

Nodong là dòng tên lửa đạn đạo tầm trung chủ lực của Triều Tiên, được xúc tiến nghiên cứu và phát triển từ những năm 1980.

Nodong 1 có chiều dài 16,2m, đường kính 1,36m, trọng lượng phóng là 16,5 tấn, tải trọng 1,2 tấn. Nodong 1 có thể mang theo đầu đạn thường hoặc đầu đạn hạt nhân, với tầm bắn tối đa là 1.300km.

Theo nghiên cứu của một trung tâm hạt nhân Mỹ thì tên lửa loại này có độ chính xác không cao với sai số từ 2 đến 4 km so với mục tiêu, 50% số tên lửa được bắn ra có thể rơi ngoài bán kính đó.

Với độ sai lệch lớn, Nodong 1 chỉ thích hợp tấn công các mục tiêu có quy mô rộng như sân bay, thành phố, kho tàng, bến bãi vì nếu nhắm vào mục tiêu quân sự bị chệch có thể dẫn tới thương vong cao cho dân thường.

Tên lửa Nodong có thể tấn công hầu hết các địa điểm ở Nhật Bản nhưng không được chuẩn xác. Bình Nhưỡng từng cho bắn thử tên lửa Nodong vào tháng 5/1993 và chính thức đưa vào phục vụ năm 1995.

Tình báo Mỹ ước tính năm 2006 Triều Tiên đã triển khai 200 quả Nodong 1, còn Hàn Quốc cho rằng con số vào khoảng 450 quả.

Nodong 2

Nodong 2 có thông số kỹ thuật tương tự Nodong 1, nhưng tầm bắn được nâng lên 1.500km, tải trọng giảm xuống còn 700kg.

Mặc dù tầm bắn cải thiện và có khả năng mang đầu đạn hạt nhân nhưng độ chính xác của tên lửa Nodong được cho là thấp.

BM25 Musudan/Nodong B/ Mirim/ Taepodong X

Đây là loại tên lửa đạn đạo tầm trung, có chiều dài 12-19m, đường kính 1,5-2m, trọng lượng phóng 19-26 tấn, tải trọng 1,2 tấn.

Tầm bắn của BM25 Musudan là 2.500-4.000km, có nghĩa là nó hoàn toàn có thể nhắm tới các căn cứ quân sự của Mỹ tại đảo Guam.

Bệ phóng của tên lửa di động nên đối phương khó phát hiện. Nhiều thông tin cho rằng đây là một phiên bản khác của tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm R-27 của Nga và Triều Tiên hiện có khoảng 200 quả tên lửa loại này.

Taepodong 1

Tầm bắn của tên lửa này được cải thiện lên tới 2.000-2.500km với hai hoặc ba tầng động cơ, chiều dài 25,5m, đường kính thân 1,25m, tải trọng 750kg.

Taepdong 1 được cho là sự kết hợp giữa Nodong và Hwasong 6 (tức Scud D). Nếu được hoàn thiện để nhắm tới các mục tiêu xa hơn, cấu hình của tên lửa có thể giúp nó mang theo đầu đạn chừng 200kg bắn thẳng vào tâm nước Mỹ hoặc Washington. Tuy nhiên, độ chính xác của tên lửa này lại rất thấp.

Taepodong-1 được phóng đi từ một vị trí cố định và mất nhiều thời gian chuẩn bị. Do vậy, nhiều khả năng tên lửa chưa được phóng đi thì đã bị vệ tinh do thám phát hiện.

trieu tien
Vụ phóng tên lửa đạn đạo Unha-3 dựa trên công nghệ Taepodong của Triều Tiên hôm 12/12/2012
 
 
Tên lửa tầm xa/ Tên lửa đạn đạo xuyên lục địa

Taepodong 2

Taepodong 2 cao 35m, tầm bay là 5000-9000km. Tên lửa này có 3 tầng động cơ dài 16,3m, đường kính thân 2,4m, trọng lượng phóng 53 tấn.

Tải trọng của tên lửa này lên tới 1-1,5 tấn, có thể mang nhiều loại đầu đạn, bao gồm đầu đạn hạt nhân. Tuy nhiên, trên thực tế giới chuyên gia cho rằng khi bay càng xa thì Taepodong 2 lại mang lượng chất nổ càng nhỏ.

Về mặt lý thuyết, tên lửa này hoàn toàn có thể bắn tới bờ Tây của Mỹ, hoặc bang Alaska, Hawaii, nhưng khả năng chỉ có thể phá hủy được một ngôi nhà.

Mặc dù có tầm bắn rất xa, nhưng độ chính xác của Taepodong lại tỉ lệ nghịch với quãng đường nó bay.

Dòng tên lửa Taepodong được cho là có độ chính xác còn thấp hơn cả Nodong. Taepodong 2 cần tới bệ phóng cố định, nên dễ bị đối phương phát hiện. (Cụ thể là trong những lần phóng tên lửa tầm xa gần đây của Triều Tiên, Mỹ và các quốc gia khác dễ dàng phát hiện quá trình chuẩn bị phóng từ nhiều ngày trước đó qua vệ tinh).

Tên lửa đẩy Unha 2/ Unha 3

Các tên lửa Unha 2 và Unha 3 (Ngân Hà) được phát triển dựa trên nền tảng tên lửa đạn đạo Taepodong 2.

Mới đây, ngày 12/12/12, Triều Tiên đã phóng vệ tinh lắp trên tên lửa Unha – 3 thành công.

Kết quả phân tích vỏ tên lửa Triều Tiên do Hàn Quốc thực hiện cho thấy, Unha-3 có thể mang theo đầu đạn 500kg, bay chặng đường dài tới 10.000 km.

Như vậy, dọc bờ Tây nước Mỹ hoàn toàn có thể trong tầm bắn của tên lửa Triều Tiên. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa rõ liệu tên lửa này có khả năng quay vòng trở về Trái đất để đánh trúng mục tiêu tầm xa hay không mặc dù đây là một yếu tố then chốt trong công nghệ của tên lửa đạn đạo xuyên lục địa.

Theo VNN

Các tin cũ hơn