Ô sin rỉ tai "đối phó" chủ dịp Tết

Thứ sáu, 25/01/2013, 09:13
Nỗi khổ vì bị người giúp việc (hay ô sin) nhân dịp cuối năm o ép không còn mới lạ, tuy nhiên có những chuyện thoạt nghe tưởng như hài nhưng lại…cười ra nước mắt.

Chủ vác ghế nằm canh ô sin

Trong vai một người đi tìm người giúp việc nhà vào dịp cận Tết, chúng tôi càng thấm thía hoàn cảnh của các ông, bà chủ bị ô sin “hành”, thậm chí bắt tay với nhà môi giới để lừa tiền.

Từ đó nhận ra rằng, người giúp việc cũng có nhiều đối tượng ma mãnh, biến gia chủ thành khổ chủ

Chúng tôi lân la nhờ giới thiệu hộ người giúp việc nhà bởi bà giúp việc vừa nghỉ việc, ai ngờ hoàn cảnh của anh D., chủ quán mì hoành thánh tại quận 7, TP.HCM còn…bi đát hơn.

Như đụng trúng nỗi đau, anh D. một mạch dốc hết ấm ức cùng thực khách: “Ôi bây giờ tụi nó toàn quái kiệt mà không à. Nếu nói láo em chết liền, em bị lừa nhiều vố đau để đời mà vẫn không tránh được”.

Vì mở quán ăn uống, cần nhiều nhân viên bưng bê nên anh D. tìm qua nguồn của một công ty môi giới ở tận huyện Hóc Môn.

 osin

Gần Tết, ô sin lên mặt làm cao. Ảnh minh họa

 

Anh phải trả cho công ty môi giới việc làm tiền phí 900 ngàn đồng/một người giúp việc. Ràng buộc giữa công ty môi giới và người giúp việc chỉ có giá trị trong 1 tuần.

Nghĩa là sau một tuần là “hết bảo hành”, có chuyện gì xảy ra công ty trên hoàn toàn không chịu trách nhiệm.

Anh D. thuê cả thảy 10 người để làm các công việc bưng bê, rửa chén, phụ bếp với giá trung bình 3 triệu người/tháng, nuôi ăn ở ngay tại quán.

“Ngày thứ 8 kể từ khi được thuê, khi em ra mở cửa hàng thì 6 đứa nhảy theo đường cửa sổ, tụt qua mái hiên xuống đường trốn mất. Vậy là em mất toi 5,4 triệu đồng cho công ty môi giới.

Còn có 4 đứa, em và vợ phải chia nhau tối ra quán, kê ghế ngủ trước cửa để canh, một mặt phải lo tuyển thêm kẻo khách đông, thiếu người phục vụ”, anh D. ấm ức.

Dù đã đề phòng bằng cách thay nhau ra quán ngủ để canh ô sin nhưng ông bà chủ quán vẫn không đối phó lại mấy cô ô sin ma mãnh, lợi hại này.

Khoảng 1 tháng sau, mấy người làm đã bỏ trốn quay về, rủ rê những “đồng đội” còn lại.

Bị canh, không trốn được, một người giúp việc của anh D. dùng chiêu lì và lười, buộc ông bà chủ chướng mắt tự cho nghỉ mà còn phải đền tiền vì chưa hết hạn hợp đồng. Số nhân viên còn sót lại biết ông bà chủ ở thế kẹt, thừa cơ đòi tăng lương.

Nhà chị Kim, ngụ tại quận Tân Bình TP.HCM còn “dở khóc dở cười” hơn trường hợp của anh D. nhưng vẫn đành…chấp nhận cắn răng bởi gần Tết không tìm được ô sin thay thế.

“Ô sin nhà mình mới 20 tuổi, cứ thậm thà thậm thụt dẫn bạn trai về nhà lúc vợ chồng mình đi làm. Hôm mình và ông xã có việc, buổi trưa về nhà đột xuất bỗng ngã ngửa…bởi thấy một thanh niên nằm vắt vẻo ở ghế sofa xem ti vi.

Con bé ô sin đang nấu cơm cho gã đó ăn. Bị bắt quả tang tại trận gã trai kia mặt xanh lét, bỏ về ngay, còn ô sin thì khóc lóc xin lỗi. Mình biết chuyện này chắc đã kéo dài từ lâu nhưng đành để qua Tết mới cho cô ta nghỉ”, chị Kim kể.

Hội ô sin bàn cách “trừng phạt” chủ

Nhắc đến chuyện đi tìm người giúp việc, chị Thảo, ngụ tại khu Phú Mỹ Hưng, quận 7 như bắt được sóng, hồ hởi kể ngay: “Ô sin giờ kinh lắm em ơi. Hôm nào em qua chơi chị chỉ cho nghe, cứ vào 9 giờ sáng, lúc gia chủ đã đi làm là mấy bà ô sin khu chị bắt đầu tụ tập dưới công viên. Có bà giả vờ đi chợ, bà giả bộ đẩy em bé đi phơi nắng”.

Theo chị Thảo, một lần đẩy xe lăn, đưa mẹ bị liệt xuống công viên dạo, lúc ngồi ghế đá nghỉ, nghe được nội dung của một cuộc “đại hội ô sin” mà chị sởn cả da gà.

giup viec

Chị Thuý tự dọn nhà đợi tìm ô sin từ quê lên -Ảnh: Thanh Huyền

Trong đám, một cô gái chừng ngoài 20 lảnh lót: “Mụ ta suốt ngày sợ em làm con mụ té, em nghĩ bụng mày thích thì hôm nào tao cho con mày té thử cho biết”; một bà chừng 45 tuổi, giọng miền Tây tiếp lời: “Hình như nó phát hiện ra thùng gạo vơi nhanh quá nên hôm rồi nó hỏi. Có ngon thì về nhà mà tự nấu cơm, nghi nhưng không có bằng chứng cũng làm gì được nhau”.

Một người phụ nữ dáng dấp khoẻ mạnh ngoài 40 tiếp lời: “Hôm rồi tao bực quá, vả cho con bé Ni một cái. Thấy mặt nó có dấu, sợ về bố mẹ nó hỏi tao doạ phải nói là con tự trượt chân té, không bố mẹ đi làm tao sẽ nhốt vào nhà tắm. Con nhỏ sợ về không dám mách”.

Sau đó, nhóm ô sin còn thống nhất với nhau nếu chẳng may được ai hỏi mức lương tháng bao nhiêu phải ra giá giống nhau, đứa nào phá giá, sẽ bị “hội đồng” ô sin tẩy chay.

“Chưa hết, những bà làm nghề giúp việc lâu năm còn truyền kinh nghiệm bòn rút, trộm cắp, đối phó gia chủ, cách xin tiền…cho mấy cô ô sin trẻ mới vào nghề”, chị Thảo kể thêm.

Để minh chứng cho cái “liên minh ô sin” mà chị Thảo nói là có thật, chị Thuý, cũng ngụ tại khu Phú Mỹ Hưng, quận 7 thừa nhận: “Đúng rồi, mấy bà ô sin có hội đó em. Hôm rồi con bé ô sin nhà chị đòi tăng lương không được, bị chị cho nghỉ. Sau đó chị hỏi thuê mấy đứa giúp việc trong khu.

Ban đầu chúng nó nhận lời nhưng một lát gọi điện thoại đến từ chối. Khoảng 1 tuần sau, con bé ô sin cũ gọi lại cho chị nói rằng Tết khan người lắm, không thuê được ai đâu, không tin cô “tham khảo” các ô sin trong khu xem giá cả thế nào…Nó cho biết chuẩn bị nhận lời làm chỗ khác rồi, hỏi mình suy nghĩ kỹ chưa kẻo hối hận”.

Chị Thuý kiên quyết cứng rắn không thuê, nhờ bà con tìm giúp người ở quê.

Theo chị, ô sin từ quê lên tuy không rành việc như ô sin đã làm lâu năm trên thành phố nhưng được cái thật thà, không ma mãnh.

Theo Vietnamnet

Các tin cũ hơn