Quản lý mại dâm luôn là vấn đề gây đau đầu, nhất là từ khi gái mại dâm không còn được đưa vào các trung tâm giáo dục xã hội mà chỉ bị phạt hành chính rồi trả về nơi cư trú.
Đã từ lâu, không thể cấm được hoạt động mại dâm. Vậy nên, tại các hội nghị gần đây, kể cả trên diễn đàn quốc hội, nhiều đại biểu nêu ý kiến nên chăng công khai hóa hoạt động mại dâm để dễ bề quản lý. Xung quanh vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với PGS.TS Nguyễn Kim Hoa, Trưởng khoa Xã hội học, Đại học Khoa học - Xã hội & Nhân văn.
Xử phạt không phải cách tốt
Tại hội nghị về quản lý gái mại dâm diễn ra trung tuần tháng 1 vừa qua, có đại biểu cho biết, từ khi áp dụng biện pháp chỉ xử lý vi phạm hành chính cả đôi bên, gái mại dâm không bị đưa vào các trung tâm giáo dục xã hội, hoạt động mại dâm có xu hướng gia tăng... Là một chuyên gia xã hội học, chị có nghĩ việc chỉ xử lý hành chính sẽ góp phần làm nạn mại dâm tăng lên?
- Tôi nghĩ không hoàn toàn như vậy. Việc gia tăng hoạt động mại dâm là do nhiều yếu tố. Để quản lý mại dâm, cần sự phối hợp đồng bộ, trong đó có yếu tố giáo dục, tuyên truyền chứ không chỉ xử phạt.
Vậy theo chị, cụ thể là nên làm gì để quản lý hoạt động mại dâm?
- Tôi cho rằng, cần chỉ ra ai là đối tượng đi tìm gái mại dâm. Họ độc thân, đang có gia đình đề huề hay đã có gia đình nhưng tan vỡ. Nếu họ độc thân và giải quyết nhu cầu cá nhân của họ thì là vấn đề khác. Còn nếu họ đi tìm gái theo mốt hay phong trào thì lại là vấn đề khác. Tức là, phải chỉ ra chân dung xã hội của đối tượng này. Khi đã có nghiên cứu đầy đủ về đối tượng mua dâm thì mới đưa ra được giải pháp đồng bộ.
Tức là theo chị, biện pháp xử phạt hành chính cả đôi bên như hiện nay không phải là cách tốt để giải quyết vấn đề mua - bán dâm?
- Tôi cho là như vậy. Cần chú trọng nghiên cứu về đối tượng mua dâm hơn để từ đó đưa ra giải pháp. Nếu đối tượng có nhu cầu, không phải đang sống trong gia đình đầy đủ thì chúng ta phải có giải pháp sao cho nhân đạo.
PGS.TS Nguyễn Kim Hoa, Khoa Xã hội học, Đại học Khoa học - Xã hội &Nhân văn nói về vấn đề quản lý mại dâm. |
Không thể bắt chước Thái Lan
Chị nghĩ sao khi có nhiều ý kiến cho rằng: vì cấm cũng không được nên có thể nghiên cứu giải pháp coi mại dâm là một nghề và có quy hoạch, phân loại, cho gái mại dâm khám sức khoẻ... để tránh lây các bệnh xã hội?
- Tôi cũng dự nhiều hội thảo về vấn đề này. Nếu coi mại dâm là một nghề thì ai sẽ làm cái nghề này? Có ai muốn con cháu mình làm nghề này đâu. Có nhiều cô gái hành nghề mại dâm do không kiếm được việc làm khác. Nhưng cũng có nhiều cô gái do cấu tạo cơ thể mà có nhu cầu sex mạnh.
Ngoài ra, một số trường hợp là do bị lừa bán vào các ổ chứa... Thực ra, nghề nào cũng có nhiều đối tượng, chứ không riêng gì gái mại dâm. Giải pháp đưa ra dựa trên số liệu nghiên cứu tổng thể thì sẽ thuyết phục hơn.
Ở Thái Lan - một nước không xa chúng ta, người ta công khai hoạt động mại dâm; các cô gái làm việc trong lĩnh vực này được quản lý đàng hoàng và dịch vụ này còn đem lại nguồn lợi nhất định cho đất nước...
- Ta không thể học hay bắt chước Thái Lan về vấn đề này, vì Thái Lan là đất nước công nghiệp hóa, đô thị hóa mạnh. Ở Việt Nam, chúng ta phải có sự quản lý, giáo dục đầy đủ trước đã.
Trong tiến trình phát triển, cùng với sự công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đến một lúc nào đó, sẽ thuận lợi cho thời điểm coi mại dâm là một nghề. Còn hiện tại, trong bối cảnh chung, với nhiều vấn đề về gia đình, xã hội, nền kinh tế đang khủng hoảng... tôi nghĩ chúng ta chưa thể coi mại dâm là một nghề.
Trước sau sẽ phải công khai
Với người mua dâm, hiện nay họ chỉ bị xử phạt hành chính với số tiền khá khiêm tốn rồi cho về. Theo chị, có nên có biện pháp mạnh tay hơn để đỡ "ngựa quen đường cũ"?
- Vẫn là phải làm rõ, phân loại đối tượng xem họ là ai. Nếu người mua dâm đang độc thân, hoặc không có cơ hội lấy vợ, chỉ cần xử phạt hành chính và cho họ về. Nhưng nếu họ là cán bộ viên chức đã có gia đình, vi phạm luật hôn nhân gia đình, cần có hình thức xử phạt làm gương. Không nên để việc đi mua dâm như phong trào hay mốt để làm tan vỡ gia đình.
Tại nhiều hội thảo về dân số, nhiều chuyên gia cho rằng, việc tỷ số giới tính khi sinh chênh lệch như hiện nay: bé trai nhiều hơn bé gái thì 20, 30, 40 năm nữa, đàn ông sẽ khó lấy vợ và cùng với đó là nhiều tệ nạn xã hội có nguy cơ phát triển, trong đó có nạn mại dâm.
- Tôi lại nghĩ rằng, 10, 20, 30 năm nữa, nền kinh tế phát triển, quản lý xã hội tốt hơn, chúng ta sẽ có cách quản lý các cô gái, đào tạo nghề và giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh. Với gái mại dâm, cần giúp cho họ có việc làm và để họ lựa chọn. Có thể việc làm đó lương không cao nhưng hãy giáo dục để họ hiểu: Việc làm mới này vinh dự hơn cái nghề mại dâm đang làm. Khi hiểu, họ sẽ không quay lại nghề mại dâm nữa.
Từ thời phong kiến đã có các cô gái lầu xanh phục vụ khách làng chơi. Trên thực tế từ xưa đến nay, luôn có hoạt động mại dâm chứ khó mà "xóa sổ" việc này được. Vậy theo chị, khi chưa có điều kiện coi đây là "một nghề" để sinh lợi, để thương mại hóa thì có nên chí ít là công khai hóa hoạt động mại dâm cho dễ quản lý?
- Trước sau, mình sẽ phải công khai nhưng vấn đề là công khai ở thời điểm nào. Khi trình độ văn hóa, nhận thức của người dân chưa cao và với nhiều vấn đề xã hội như hiện nay thì theo tôi, ở Việt Nam chưa thể công khai hóa hoạt động này.
Xin cảm ơn chị.
Ngày 25/1, trao đổi với phóng viên, bà Trần Thị Tâm Đan, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa giáo dục, thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội bày tỏ ý kiến, trên thế giới, nhiều nước có hoạt động mại dâm dù chẳng ai ưng gì. Dù không ưng nhưng người ta cũng không tiêu diệt được nó. Vậy nên người ta mới cho đăng ký và quản lý với mục đích bảo vệ xã hội. Ở nước ta, đã có nhiều hội thảo về vấn đề này nhưng chưa đi đến đâu. Việc gom gái mại dâm vào cải tạo kết quả cũng hạn chế. Theo tôi, để quản lý, phải rõ mục đích. Khi rõ quan điểm và mục tiêu thì sẽ có biện pháp. |
Theo Kienthuc