Bức tượng Phật “sắc dục” bị cư dân mạng “ném đá” hiện vẫn gây nhiều tranh luận. Giới nghiên cứu Phật giáo đã có ý kiến cho rằng không nên nhìn bức tượng với con mắt phàm tục, hiện đại. Thế nhưng, nhiều người vẫn đỏ mặt khi xem tấm ảnh có chụp bức tượng “lạ” này vì cho rằng nó không phù hợp với văn hóa phật giáo ở Việt Nam.
Trao đổi với PV, giáo sư Trần Lâm Biền cho rằng, bức tượng Phật trong tấm ảnh đăng tải trên mạng internet bị dư luận “ném đá” không phải của Việt Nam hoặc giả sử là của Việt Nam thì do ai đó làm để chơi dựa theo truyền thuyết thần Shiva ôm ấp vợ của ông ấy.
Đây là ôm ấp cái tinh túy nhưng có thể anh nào đó đã bắt chước để làm một bức tượng đối với Phật. Bức tượng được làm một cách tùy tiện, chắp vá nên giá trị nghệ thuật không cao và không phù hợp với nghệ thuật truyền thống. Vì thế, chắc chắn nó sẽ không thể có ở bất cứ chùa nào ở Việt Nam.
Hình ảnh bị cho là chụp ở Việt Nam. |
“Phong cách của bức tượng này không phải là của tượng Phật Việt Nam. Nếu bức tượng xuất hiện ở Việt Nam thì chỉ mang tính cá nhân. Người làm bức tượng này chắc chắn không phải là một thợ tạc tượng chuyên nghiệp vì nó thể hiện sự thiếu hiểu biết về nghệ thuật tạo tượng Phật”, giáo sư Biền nói.
Tuy nhiên, giáo sư Trần Lâm Biền cũng cho biết, trong tông phái Mật tông của Phật Giáo có sắc dục nhưng cũng không quá tự do như bức tượng thể hiện. Việc "ăn nằm" trong tông phái Mật tông của Phật giáo là có nhưng không thể hiện thô thiển như vậy. Tông phái này còn cả một bài thơ về sắc dục nhưng nó không phải là sự sa ngã mà tính dục chỉ dùng để đầu óc minh mẫn hơn.
“Mật tông có bài thơ về sắc dục thế này: Phụ nữ là ngọn lửa/ Tử cung là nhiên liệu/ Sự khiêu khích của nam nhi là khói/ Đi vào là than/ Thích thú là tia lửa/ Trong tia lửa chư vị thần linh là lễ vật/ Từ lễ vật nảy nở ra đứa hài nhi.
Bài thơ có nghĩa, cái tính dục ấy làm đầu óc tránh u trệ để tiếp thu đạo Phật dễ dàng hơn”, giáo sư Biền dẫn dụ.
Mật tông là một trong những tông phái của Phật giáo, xuất phát từ Ấn Ðộ vào khoảng thế kỷ thứ VII, rồi sau đó được truyền bá sang Trung Hoa, Nhật Bản... và đặc biệt là phát triển mạnh mẽ ở Tây Tạng.
Trước đó, một số nhà nghiên cứu Phật giáo cho rằng bức tượng bị coi là sắc dục vì người xem áp đặt cho nó cách suy nghĩ hiện đại.
"Nếu coi đây là bức tượng mô tả Phật đang quan hệ tình dục với một người nữ thì hoàn toàn không đúng. Cái không đúng này bắt nguồn từ việc chúng ta đang nhìn bức tượng rồi áp đặt cho nó cách suy nghĩ hiện đại. Trong khi nguồn gốc văn hóa của nó - vốn là triết học phương Đông lại rất khác.
Gốc văn hóa của tượng chính là quan điểm triết học trong âm có dương, trong dương có âm. Trong từng con người cũng chứa đủ cả âm lẫn dương. Bức tượng "lạ" cũng nói lên triết lý âm dương như vậy. Do đó, nó không hề bậy bạ như nhiều người suy nghĩ”, tiến sĩ Nguyễn Minh Ngọc, người nghiên cứu Phật giáo tại Viện Tôn giáo - Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam phân tích trên Thanh Niên.
Từ đó bà Ngọc cho rằng bức tượng trong tấm ảnh đang bị cư dân mạng “ném đá” là một bức tượng cổ của Việt Nam thì nó sẽ là một phát hiện lớn đối với khảo cổ học, mỹ thuật và tôn giáo.
Theo Kienthuc