Mỗi năm thế giới có 2 triệu người chết do bệnh nghề nghiệp

Chủ nhật, 28/04/2013, 14:11
Số người chết do bệnh nghề nghiệp cao gấp 6 lần tai nạn lao động, nhưng bệnh nghề nghiệp chưa được chú trọng.

Bệnh nghề nghiệp làm bần cùng hóa người lao động

Nhân ngày An toàn và sức khỏe lao động thế giới (28/4), Tổng Giám đốc Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) Guy Ryder đưa thông điệp: “Cái giá lớn nhất của bệnh nghề nghiệp chính là mạng sống con người. Bệnh nghề nghiệp làm bần cùng hóa người lao động và gia đình họ, ảnh hưởng lớn tới cả cộng đồng khi mất đi những lao động năng suất nhất.

Trong khi đó, năng suất lao động của các doanh nghiệp giảm đi và gánh nặng tài chính cho nhà nước thì tăng lên, do chi phí chăm sóc sức khỏe tăng. Ở những nơi hệ thống bảo trợ xã hội yếu hoặc không tồn tại, rất nhiều người lao động và gia đình họ không được hưởng trợ cấp và sự giúp đỡ cần thiết”.

Theo ông Ryder, phòng ngừa là chìa khóa giải quyết gánh nặng mà bệnh nghề nghiệp mang lại. Đó là biện pháp hiệu quả và và ít tốn kém hơn chi phí dành cho điều trị và phục hồi chức năng. Ông cho biết, ILO đang kêu gọi xây dựng một “mô hình phòng ngừa toàn diện và thống nhất hướng tới các mục tiêu làm giảm bệnh nghề nghiệp, chứ không chỉ đối phó với các thương tật lao động”.

nghe nghiep

Làm nghề khai thác đá, người lao động dễ mắc bệnh bụi phổi silic (Ảnh: Tuoitre)

Sharan Burrow, Tổng Thư ký Liên đoàn Công đoàn Quốc tế, cho biết: Xã hội chúng ta không thể chấp nhận người lao động phải đánh đổi sức khỏe của họ để kiếm sống. Chúng ta cũng không được phép quên rằng bệnh nghề nghiệp tạo ra gánh nặng rất lớn cho gia đình và xã hội – một gánh nặng hoàn toàn có thể phòng tránh được.

Trong một báo cáo đưa ra nhân ngày An toàn và sức khỏe lao động thế giới, ILO cho biết mặc dù số người chết do bệnh nghề nghiệp cao gấp 6 lần tai nạn lao động, nhưng vấn đề bệnh nghề nghiệp lại không được chú trọng bằng.

Trong 2,34 triệu người chết mỗi năm liên quan tới lao động, có khoảng 2,02 triệu trường hợp có nguyên nhân từ bệnh nghề nghiệp. Con số này tương đương với khoảng 5.500 người chết mỗi ngày. ILO cũng ước tính có tới 160 triệu trường hợp mắc mới các bệnh không gây tử vong liên quan tới nghề nghiệp mỗi năm.

Việt Nam: 28.000 người mắc mới trong một năm

Theo Bộ Y tế, bệnh nghề nghiệp ở Việt Nam, đặc biệt là các bệnh liên quan đến đường hô hấp và tiêu hóa, trong năm 2012 tăng so với năm 2011. Tính đến cuối năm 2012, theo báo cáo có gần 28.000 người lao động mắc mới bệnh nghề nghiệp. Tuy nhiên, con số thực tế có thể cao gấp 10 lần.

Tổng số 28 bệnh nghề nghiệp được đưa vào danh mục thanh toán báo hiểm y tế, trong đó bệnh bụi phổi là bệnh phổ biến nhất, chiếm tới 74% số ca, theo sau là điếc do tiếng ồn (17%).

Theo Bộ Y tế, trong năm 2012, gần 2 triệu người lao động, tức chỉ khoảng chưa đầy 4% lực lượng lao động có việc làm cả nước – được khám bệnh, trong số đó, 7% có sức khỏe loại yếu.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), bệnh bụi phổi silic – một loại bệnh gây ra do người lao động hít phải bụi có chứa silic tự do – rất phổ biến tại các mỏ khai thác đá ở Việt Nam. Ước tính 76 % số tiền bồi thường cho các chi phí điều trị bệnh nghề nghiệp trong năm 2011 liên quan tới bệnh bụi phổi silic. 

Triệu chứng của căn bệnh nan y này thường phải sau hàng năm mới thấy rõ, nhưng có thể trở nên đặc biệt nghiêm trọng khi làm việc trong điều kiện khắc nghiệt, dẫn tới khó thở, ảnh hưởng tới thính giác, mệt mỏi, sụt cân và có thể tử vong.

ILO ước tính tai nạn nghề nghiệp và các bệnh liên quan gây ra thiệt hại khoảng 4% GDP toàn cầu, tương đương với 2,8.000 tỷ USD mỗi năm.

ILO đang giúp Việt Nam phòng ngừa các nguy cơ bệnh nghề nghiệp bằng cách tăng cường công tác thanh tra, tự thanh tra và đào tạo về an toàn lao động trong các ngành có nguy cơ cao – xây dựng, khai thác mỏ và hóa chất – thông qua dự án “An toàn vệ sinh lao động trong các ngành có nguy cơ cao” do Chính phủ Nhật Bản tài trợ.

Những con số báo động:

• 2,02 triệu người chết mỗi năm do các bệnh liên quan đến nghề nghiệp.
• 321.000 người chết mỗi năm do tai nạn lao động.
• 160 triệu người mắc các bệnh nghề nghiệp không gây tử vong mỗi năm.
• 317 triệu tai nạn lao động không gây tử vong mỗi năm.
Điều này có nghĩa là:
• Cứ mỗi 15 giây, một công nhân chết vì một tai nạn hoặc bệnh nghề nghiệp.
• Cứ mỗi 15 giây, 151 công nhân bị tai nạn nghề nghiệp.
Tỷ lệ thương vong đặc biệt nghiêm trọng ở các nước phát triển, nơi một bộ phận lớn dân số tham gia vào các ngành nguy cơ cao như nông nghiệp, xây dựng, đánh cá và khai thác mỏ. 

Theo VOV

Các tin mới hơn

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích