Tàu ngầm hạt nhân Mỹ - Hàn khiêu khích Triều Tiên

Thứ hai, 06/05/2013, 14:49
Từ ngày 6-10/5, liên minh Mỹ - Hàn diễn tập chống ngầm với sự tham gia của nhiều khu trục hạm và tàu ngầm hạt nhân tại khu vực biển phía tây trong bối cảnh căng thẳng vẫn rất nóng bỏng.

Tham gia tập trận lần này có tàu siêu năng lượng hạt nhân lớp Los Angeles, các tàu khu trục Aegis, máy bay do thám P-3C được huy động từ các căn cứ của Mỹ cùng với các tàu khu trục, tàu ngầm, máy bay hải quân của Hàn Quốc.

Nguồn tin Hàn Quốc giấu tên cho biết: “Đây là một phần trong hoạt động diễn tập thường niên của Seoul để đối phó với sự thâm nhập tàu ngầm của miền Bắc”.

Diễn tập hải quân Mỹ - Hàn.

Trước đó, ngày 5/5, Bình Nhưỡng đã chỉ trích đợt diễn tập lần này của liên minh Mỹ - Hàn, nói rằng số phận của khu công nghiệp chung Kaesong hoàn toàn phụ thuộc vào hành động của Seoul. Đáp trả lời kêu gọi đó, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc tuyên bố sẽ không nhượng bộ yêu cầu của Triều Tiên.

Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Hàn Quốc khẳng định: “Thật không thích đáng nếu miền Bắc yêu cầu chúng tôi hoãn các cuộc diễn tập chung Mỹ - Hàn bằng việc gắn vào số phận của khu công nghiệp chung Kaesong. Do các cuộc diễn tập này được thiết kế để đối phó với các hành động khiêu khích của Bình Nhưỡng nên chúng không thể trì hoãn. Nếu Triều Tiên tiếp tục duy trì thái độ thù địch thì các đợt diễn tập sẽ tiếp tục được tổ chức”. 

Thái độ cứng rắn của cả Hàn Quốc và Triều Tiên khiến cộng đồng quốc tế, đặc biệt các nước trong khu vực vô cùng quan ngại về kịch bản chiến tranh bùng nổ trên bán đảo Triều Tiên.

Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích cho rằng, kịch bản này rất khó xảy ra, có chăng chỉ là một vụ xung đột quy mô lớn mà thôi. Và thực sự hai bên chỉ “diễu võ dương oai”, thực hiện cái gọi là “tâm lý chiến” bởi một cuộc chiến tranh xảy ra sẽ không bên nào có lợi.

Mỹ đang ngập trong khó khăn về tài chính do ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng tài chính kinh tế toàn cầu, ngân sách quốc phòng bị cắt giảm. Do đó, đầu tư cho một cuộc chiến tại Đông Bắc Á được cho không phải ưu tiên của chính quyền Obama. Về phần mình, Trung Quốc cũng chỉ muốn duy trì hiện trạng như bây giờ trên bán đảo Triều Tiên.

Hòa bình thống nhất hay xung đột chiến tranh đều không có lợi cho Bắc Kinh. Nếu hòa bình, Bắc Kinh không thể “giật dây” Bình Nhưỡng như hiện nay, còn xung đột thì Trung Quốc sẽ phải ứng phó với rất nhiều người tị nạn Triều Tiên tràn sang qua biên giới, gây ra rất nhiều hệ lụy, cả về an ninh và xã hội. Riêng về phần mình, cả Hàn Quốc và Triều Tiên được cho không thể phát động chiến tranh nếu chưa được sự gật đầu đồng ý của đồng minh Mỹ hay Trung Quốc.

Vì vậy, phần lớn chuyên gia phân tích khu vực cho rằng, tình hình bán đảo Triều Tiên có thể sẽ tiếp tục căng thẳng thời gian tới với các hoạt động “ăn miếng trả miếng”. Tuy nhiên, tất cả mọi động thái sẽ diễn ra theo kế hoạch, hoàn toàn nằm trong vòng kiểm soát.

Theo Infonet

Các tin mới hơn

Các tin cũ hơn