Theo kế hoạch mới nhất của Bộ Quốc phòng Nhật Bản đến năm 2021 thì 6 tàu ngầm này được đóng mới hoàn chỉnh và đưa vào biên chế sử dụng, số tàu ngầm này đều sử dụng công nghệ hiện đại nhất, mỗi chiếc có giá thành khoảng 50 tỉ yên Nhật.
Phía Nhật Bản cũng cho biết, trong 5 năm sẽ đào tạo thêm 400 thủy thủ để vận hành lực lượng tàu ngầm. Năm ngoái Hải quân Nhật Bản đã tuyển được 100 học viên thủy thủ tàu ngầm, năm 2013 vừa tuyển sinh thêm 170 học viên thủy thủ tàu ngầm.
Tàu ngầm Nhật Bản
Giới truyền thông Nhật Bản cho biết hiện tại Hải quân Nhật Bản có 16 chiếc tàu ngầm với đội ngũ khoảng 1000 thủy thủ, như vậy vẫn chưa đủ để bảo vệ một số quần đảo đang trong tranh chấp và bảo vệ chủ quyền của Nhật.
Việc đóng thêm 6 tàu ngầm mới này được Bộ Quốc phòng Nhật Bản đánh giá là loại vũ khí nước sâu không dễ bị phát hiện, đồng thời củng cố thêm được vai trò quan trọng của nước này trong việc tăng cường phòng thủ Senkaku và đối phó với sự bành trướng ngày càng tăng của Hải quân Trung Quốc ở Hoa Đông.
Trước đó, tờ Nikkei của Nhật Bản ngày 21/3 dẫn lời một quan chức Mỹ giấu tên cho biết, phía quân đội Mỹ và Nhật Bản đang thảo luận về kế hoạch dự phòng cho trường hợp xấu nhất có thể xảy ra nếu Trung Quốc quyết định dùng vũ lực để đoạt quyền sở hữu quần đảo tranh chấp với Tokyo - Senkaku/Điếu Ngư.
Quần đảo Senkaku/Điếu Ngư hiện đang nằm trong vùng tranh chấp của Nhật Bản và Trung Quốc, cả hai đều tuyên bố chủ quyền trên quần đảo này. Và hai bên đang cố gắng thực hiện những hoạt động để củng cố cho tuyên bố chủ quyền của mình.
Mặc dù phía Washington lên tiếng rằng không muốn những căng thẳng xảy ra ở vùng tranh chấp Senkaku này, nhưng Washington đã ngầm khẳng định ủng hộ Nhật Bản trong tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc, và sẵn sàng hỗ trợ quân sự nếu Bắc Kinh có bất cứ hành động nào liên quan đến vũ lực để chiếm đoạt quần đảo này từ tay Tokyo.
Theo Phunutoday