"Chùa Một Cột phải trở thành viên ngọc thời Lý"

Thứ năm, 16/05/2013, 08:59
GS Phan Khanh - Hội Di sản văn hóa Việt Nam cho biết: "Trọng tâm của dự án phải là chùa Một Cột, trong đó phải sửa cột chùa thành cột đá và bậc cầu thang lên chùa".

Trước đó, ngày 14/5, Văn phòng UBND TP Hà Nội đã có văn bản thông báo kết luận của chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo về dự án tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích chùa Một Cột - Diên Hựu.

Chủ tịch UBND TP đánh giá, chùa Một Cột nằm trong tổng thể Khu di tích quốc gia đặc biệt gồm Phủ Chủ tịch, Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bảo tàng Hồ Chí Minh nên việc tu bổ, tôn tạo cần có quy trình, theo đúng quy định của Luật Di sản, Luật Xây dựng.

UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo UBND quận Ba Đình làm chủ đầu tư tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị của di tích từ năm 2010, nhưng đến nay chưa triển khai thực hiện là chậm.

Chua Mot Cot

Nhiều cột kèo thuộc nhà Tổ, nhà Mẫu di tích chùa Một Cột bị xuống cấp.

Sáng 15/5, tại hội thảo về việc lấy ý kiến trùng tu chùa Một Cột do UBND quận Ba Đình tổ chức. GS Phan Khanh - Hội Di sản văn hóa Việt Nam cho biết:

"Trọng tâm của dự án phải là chùa Một Cột, trong đó phải sửa cột chùa thành cột đá và bậc cầu thang lên chùa, còn các hạng mục khác bên chùa Diên Hựu chỉ là thứ yếu. Việc quận Ba Đình khắc phục bằng phương án làm cống thoát nước cũng đã là một phương án tối ưu. Chùa Một Cột lẽ ra là phải làm cột đá chứ không phải làm xi măng như bây giờ nhưng do thời điểm xây dựng điều kiện kinh tế khó khăn".

Theo GS Phan Khanh, không nên giữ lại những bức tường bao xây bằng gạch thông thường. “Việc chúng ta đã khảo sát được Hoàng thành Thăng Long, phát hiện ra bao nhiêu họa tiết, hoa văn thời Lý như lá đề, nghê, gốm sứ… Chúng ta phải làm thật tốt, khi đi xung quanh bảo tàng Hồ Chí Minh, nhìn sang phía chùa Một Cột, thấy lấp ló một viên ngọc thời Lý giữa thời đại Hồ Chí Minh” - GS Khanh nhấn mạnh.

Chua Mot Cot

Di tích chùa Một Cột.

Đồng tình với quan điểm của GS Khanh, ông Nguyễn Quốc Tuấn Viện trưởng Viện nghiên cứu Tôn giáo cũng cho rằng, không nên xây thêm nhà tăng trong khuôn viên di tích nữa vì không gian rất hẹp, hiện nay đã có rất nhiều khuôn viên che khuất, lấn át chùa Một Cột nếu nhìn từ 4 phía.

"Nếu chúng ta tu bổ, thì nên chuẩn bị kỹ hơn từ kiến trúc đến vật liệu. Thời Lý là đỉnh cao của nghệ thuật điêu khắc trên đá. Rồng, mây… thời Lý vừa sinh động, vừa uyển chuyển. Cha ông ta thời ấy vượt xa Trung Hoa về nghệ thuật điêu khắc trên đá. Bởi vậy, ngoài cột đá thì lối lên xuống cũng phải làm bằng đá” - ông Tuấn khẳng định.

Ông Đỗ Viết Bình, phó chủ tịch UBND Quận Ba Đình cũng cho rằng: “Mặt bằng thế nào, thiết kế ra sao phải được xây dựng chặt chẽ khi đưa ra dự án. Không được che khuất chùa Một Cột”. Ông Bình cũng cho hay, trước mắt, đề nghị phường Đội Cấn giải tỏa ngay hàng quán, nhà ở không đúng quy hoạch khu di tích, đảm bảo tính tôn nghiêm và vệ sinh trật tự ở di tích quốc gia trước ngày 20/5.

Ông Viết Bình khẳng đình chùa Một Cột đã không được quản lý tốt, để xảy ra những tình trạng lộn xộn, gây mất mỹ quan, đồng quan điểm TS Nguyễn Quốc Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tôn giáo cho biết: "Việc triển khai tu bổ, tôn tạo là chậm trễ".

Phó giám đốc Sở VH-TT&DL Trương Minh Tiến nói: "Tôi đề nghị phải đẩy nhanh tiến độ của dự án tu bổ chùa Diên Hựu – chùa Một Cột. Cần phải tu sửa ngay những khu vực xuống cấp để tránh hiện tượng Phật phải đội nón".

Trước đó, đại đức Thích Tâm Kiên, trụ trì chùa Một Cột (Hà Nội), đã ra “tối hậu thư” với UBND TP Hà Nội. Theo đó “kể từ ngày 3-5, sau 30 ngày nữa không có ý kiến của các cấp chính quyền, nhà chùa đành phải dỡ ngói hạ giải để đảo ngói toàn bộ chùa và nhà Mẫu để tạm thời tránh dột nát khi mùa mưa bão sắp đến”.

Theo Buu Dien Viet Nam

Các tin cũ hơn