"Các Bộ đùn đẩy, người dân cứ ăn để chết?"

Thứ ba, 21/05/2013, 14:13
Theo PGS.TS Phạm Duy Thịnh, đang có đùn đẩy trách nhiệm trong vụ việc gừng Trung Quốc nhiễm độc giữa Bộ Y tế và Bộ NN&PT-NT, cuối cùng người dân vẫn phải ăn đồ độc.

Với kết quả kiểm nghiệm 1/50 mẫu gừng Trung Quốc lấy tại Hà Nội và TP. HCM có hàm lượng chất trừ sâu bị cấm Aldicarb cao hơn gấp 3 lần khuyến cáo của Ủy ban Tiêu chuẩn thực phẩm Quốc tế (Codex), nhưng ông Nguyễn Xuân Hồng, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PT-NT) vẫn tuyên bố không có gì đáng ngại, người dân không nên hoang mang, “để đảm bảo an toàn, người dân nên rửa sạch và bóc vỏ”, Cục trưởng Hồng nói.

Tuy nhiên, PGS. TS Phạm Duy Thịnh, Viện Công nghệ Sinh học và Công nghệ Thực phẩm (Trường ĐH Bách khoa Hà Nội) cho rằng, về nguyên tắc, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật quá cao thì không nên ăn vì nó gây bệnh, nguy hại sức khỏe, đặc biệt với gừng vì nó được sử dụng để ăn sống.

Ngoài ra, theo TS. Thịnh, kết quả 1/50 mẫu có độc tố vẫn chưa đủ độ tin cậy. Hơn nữa, phương pháp phân tích của ta hiện nay cũng chưa đủ độ tin cậy, ông nói: “Tôi rất nghi ngờ cách phân tích của các cơ quan hiện nay, lấy được vài mẫu phân tích rồi nếu có 1 mẫu bị thì nói là ít, không đáng ngại. Theo tôi phải cẩn trọng, phải làm lại, lấy nhiều mẫu, phạm vi rộng hơn, nếu lúc đó vẫn là xác suất 1/50 thì có thể khuyến cáo là ăn thì bóc vỏ, ngâm nước để chất độc có thể tan bớt”. 

gung

Khác nhau giữa gừng ta (trái) và gừng Trung Quốc (phải). Ảnh: TNO.

Theo ông Thịnh, Nhà nước nên siết chặt hàng nông sản cả xuất và nhập khẩu, không để hàng kém chất lượng xuất khẩu gây ảnh hưởng xấu tới hình ảnh sản xuất của Việt Nam, nhập khẩu lại càng phải làm cho tốt, để dân mình không phải ăn chất độc.

“Các cơ quan chức năng không chịu kiểm soát cửa khẩu, cử để cho nhập vào phân phối khắp nơi rồi mới kêu, khác gì “thả gà ra đuổi”. Còn dân thì đâu có biết gì, họ ra chợ thấy bán thì mua về ăn. Như vụ gừng vừa rồi nếu Trung Quốc phát hiện mà họ không công bố thì mình cũng cứ để vậy cho dân mình ăn mãi”, ông Thịnh nói.

Riêng với mặt hàng gừng, ông Thịnh cho rằng, không nên cho nhập khẩu, vì nước ta cũng trồng được, thậm chí gừng của ta còn thơm và ngon hơn gừng Trung Quốc. Chưa kể việc cho nhập khẩu làm người trồng gừng trong nước phá sản. Còn người ăn thì đem bệnh vào thân, nếu họ làm sạch thì dân mình được ăn sạch, còn họ làm bẩn độc thì ăn phải bẩn độc, mình bị phụ thuộc hoàn toàn.

Vì vậy theo ông cần phải thu hồi và tiêu hủy để cảnh báo, răn đe.

Nói về kết quả và lời khuyên của Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, TS. Trần Quang Trung, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho rằng, không nên đánh giá như thế (đảm bảo hay không đảm bảo – PV), vì một mẫu chưa là đại diện cho toàn bộ mặt hàng.

Theo ông Trung, đã là chất cấm thì có ít hay nhiều đều nguy hại, “nhưng thực ra gừng thì người dân ít ăn hằng ngày, nên còn phải tùy thuộc lượng đưa vào hằng ngày là bao nhiêu. Chứ không phải ăn vào là chết ngay thì cảnh báo gì nữa”, ông Trung nói.

Về trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước, TS. Thịnh cho rằng, kiểm tra là trách nhiệm của Cục bảo vệ thực vật, nhưng cục này không có chức năng bảo vệ sức khỏe người dân, mà phải là Cục An toàn thực phẩm. Cục An toàn thực phẩm phải lên tiếng, cảnh báo và bảo vệ sức khỏe người dân.

Tuy nhiên, đề cập tới trách nhiệm của mình, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm Trần Quang Trung lại nói, theo phân công tại Nghị định 38 và Luật An toàn thực phẩm thì quản lý mặt hàng nông sản là của Bộ Nông nghiệp, từ khâu nhập khẩu, chất lượng tới cảnh báo người tiêu dùng.

Quan điểm của Cục trưởng Trung được Cục phó Cục An toàn thực phẩm Nguyến Thanh Phong chia sẻ, ông Phong nói thêm, theo Luật An toàn thực phẩm, Bộ Nông nghiệp quản lý 9 nhóm ngành hàng, trong đó có gừng nhập khẩu.

“Chúng tôi chỉ chịu trách nhiệm 5 nhóm ngành hàng, chủ yếu là thực phẩm chức năng, phụ gia thực phẩm, nước uống đóng chai… Chủ yếu là hàng chế biến công nghiệp. Trong một số vụ việc về hàng nông sản chúng tôi có tham gia nhưng chủ yếu lấy mẫu để kiểm nghiệm, nhưng với gừng thì Cục Bảo vệ thực vật đã lấy mẫu kiểm nghiệm nên chúng tôi thôi”, ông Phong nói thêm.

Trước những phản hồi của Cục An toàn thực phẩm, TS. Phạm Duy Thịnh cho rằng, đấy là đùn đẩy trách nhiệm cho nhau, không ai chịu trách nhiệm.

“Mọi vấn đề về chất bảo vệ thực vật trong hàng nông sản thì Cục Bảo vệ thực vật làm, nhưng khi độc hại thế nào, nguy cơ sức khỏe gì không, thì phải là Bộ Y tế, chuyên trách là Cục An toàn thực phẩm, nên Cục này phải lên tiếng. Giờ các cơ quan cứ đùn đẩy cho nhau rồi rốt cuộc dân lại phải chịu, cứ ăn để rồi chết sao?”, ông Thịnh nói thêm.

Theo Baodatviet

Các tin cũ hơn