Tái diễn cảnh xếp hàng chờ nước...
Theo đơn kêu cứu của tập thể khu dân cư 2C Phường Quan Hoa (Cầu Giấy, Hà Nội), tình hình thiếu nước của Khu dân cư kéo dài quá lâu. Cụ thể, các khu tập thể thuộc Khu dân cư Tập thể Hội Nông dân Việt Nam, Tập thể Tổng công ty Dược và Tập thể Trung ương Đoàn (tổ dân phố số 51) thiếu nước trầm trọng đã hơn 1 tháng.
Đặc biệt, hơn một tuần gần đây, Tổ 51 không nhận được một giọt nước nào. Các hộ thuộc tổ dân phố số 39 (tập thể Bộ Kế hoạch Đầu tư) chỉ đủ nước để uống và dội công trình vệ sinh, còn tắm giặt thì phải "tùy nghi di tản".
Theo phản ánh của người dân khu tập thể Trung ương hội Nông dân, buổi sáng 7 giờ hoặc buổi chiều 18 giờ, các hộ dân mang xô chậu đến xếp hàng của nhà ông Cường để xin nước về đội nhà vệ sinh. Giữa mùa hè nóng bức, nhu cầu tắm giặt với những người dân ở đây đã trở thành nhu cầu vô cùng... xa xỉ.
Chia nhau từng giọt nước giếng chưa lọc tại Tập thể Trung ương Hội Nông dân |
Khát nước quá lâu, 1250 công dân ở đây đã gọi cho Xí nghiệp nước sạch Cầu Giấy nhiều lần, tình trạng vẫn không được giải quyết. Cực chẳng đã họ phải làm đơn, kéo nhau lên Xí nghiệp nước sạch Cầu Giấy để kiến nghị. Hai lá đơn được gửi đi, một vào ngày 13/5 và một lá đơn vào ngày 15/5 nhưng sự việc vẫn không được giải quyết.
Một phần của tổ 28 Phường Nghĩa Đô (Cầu Giấy) cũng phải chịu cảnh tương tự. Nửa tháng nay, các vòi nước sạch của các hộ dân không có một giọt nước nào “rỉ” ra. Nhiều giếng khoan đã lâu không dùng được tận dụng trở lại chia sẻ cho nhau. Nước giếng khoan bơm trực tiếp vào bể chứa để sử dụng mà không lọc lắng.
Ông Nguyễn Như Phả- Tổ phó Tổ 28 Phường Nghĩa Đô cho biết: “Nhiều nhà trong tổ tôi phải ngày ngày đi xin từng xô, chậu nước để về sinh hoạt... Chúng tôi cũng đã kiến nghị với phường, phường cũng đã gọi trực tiếp cho Phó giám đốc xi nghiệp kinh doanh nước sạch Cầu Giấy nhưng từ hôm đó đến nay đã mấy hôm nhưng tình trạng vấn không biến chuyển”
Tình trạng khô hạn không có giọt nước tại gia đình chị Nguyễn Thị Bích Hường, Tổ 28 Phường Nghĩa Đô, Cầu Giấy |
Tận dụng cả nước thải điều hòa để sinh hoạt
Chúng tôi có mặt tại Khu dân cư 2C vào thời điểm Hà Nội nắng nóng cao điểm, người dân ở đây phải tận dụng đủ mọi cách để “tồn tại” trong cảnh thiếu nước trầm trọng. Một số nhà phải hứng từng giọt nước từ hệ thống thải điều hòa và giữ trong xong nồi, xô chậu... để sử dụng nhu cầu sinh hoạt tối thiểu nhất.
Hứng từng giọt nước điều hòa để sử dụng nhu cầu tối thiểu |
Mỗi khi hết nước, cả xóm lại kéo nhau đi xin nước, xô chậu xếp hàng xin từng giọt nước để mang về nhà để trong mọi dụng cụ có thể tích trữ được, kể cả nồi áp suất, ang cây cảnh...
Phao cứu sinh cho cuộc sống khát nước giữa Thủ đô |
Ang cây cảnh cũng tận dụng làm dụng cụ chứa nước |
Không chịu nổi, nhiều nhà phải mua xe téc với giá 700.000 đồng/ 1xe. Theo người chở nước, mỗi xe 6m3 nước.
Mua nhưng người dân hoàn toàn "mù tịt" về nguồn gốc và chất lượng nước. Các "thượng đế" hoàn toàn không biết nước chở từ đâu đến, thậm chí đôi khi còn nhìn thấy màu vàng, ngửi thấy mùi tanh từ xe téc...
Ông Nguyễn Trọng Đễ, cư dân tổ 51, cho biết: "Mỗi tháng dù dùng tiết kiệm mà phải mua nước xe téc chúng tôi phải mất hơn 4 triệu tiền nước. Từ một thứ chiếm tỉ trọng rất nhỏ trong sinh hoạt bỗng trở thành xa xỉ phẩm. Chịu sao thấu..."
Bất đắc dĩ, ngày 20/5, đại diện cho tổ dân phố phải kéo nhau lên Công ty Kinh doanh nước sạch Thành phố Hà Nội để kêu cứu. Ông Ngôi Xuân Thảo, Trưởng phòng thanh tra bảo vệ Công ty đã gọi ông Trần Xuân Cương, Giám đốc Xí nghiệp KD nước sạch Cầu Giấy lên để trao đổi trực tiếp với người dân.
Ông Cương cho rằng: Hiện nay nước không đủ cấp nên phải cấp luân phiên và không phủ nhận phần lỗi thuộc về Xí nghiệp nhưng cũng cho rằng: “một phần do lỗi của người dân đã tùy tiện đóng mở các họng dẫn nước vào khu dân cư”.
Trong khi đó, các hộ dân cho rằng, họ không hề biết những họng nước đó, trách nhiệm quản lý thuộc về công ty nước.
Người dân bức xúc vì không được cấp nước... |
Tại buổi làm việc, ông Cương hứa 10 giờ đêm ngày 20/5 (hôm qua), hoặc sáng hôm sau khu dân cư sẽ có nước. Ấy vậy mà, khi bài viết này được đăng tải, người dân khu vực này vẫn đang khắc khoải chờ nước...
Theo Infonet