Đường đi của rượu độc
7h30 ngày 28/4, tại tuyến đường bê tông trên bờ đê sông Cầu dẫn vào thôn Đại Lâm, trước cửa nhà một xưởng chế rượu cồn, bốn người phụ nữ thoăn thoắt đẩy thùng phuy lên xe tải để xuất rượu cho các cửa hàng. Theo ông chủ, việc vận chuyển rượu được thực hiện liên tục trong ngày, chỉ cần các điểm tiêu thụ gọi điện đặt hàng là ông cho xe chở đến tận nơi giao hàng.
Toàn bộ số rượu của xưởng này được bán cho các cửa hàng ở khu vực quanh cầu Tó (Thanh Trì, Hà Nội), các quán nhậu lớn nhỏ khu vực bến xe Mỹ Đình, Đông Anh, Hải Phòng....
Rượu độc được vận chuyển bằng ô tô ra các thành phố để tiêu thụ. |
Đúng 20h, chiếc xe tải chở rượu BKS 99K – 32… chạy theo hướng từ Đại Lâm đi về thành phố Bắc Ninh. Đến thị trấn Lim, chiếc xe chạy theo hướng quốc lộ 1A qua cầu Thanh Trì, về khu vực cầu Tó. Đến đường chợ Tó, xe dừng lại trước cửa hàng bán “rượu quê”.
Tại đây tài xế cùng một phụ xe chuyển xuống trước của hàng 3 thùng phuy rượu, sau đó xe chạy về các quán nhậu quanh bến xe Mỹ Đình giao hàng.
Tài xế "bật mí", mỗi ngày ít nhất anh này chở bốn chuyến xuống cung cấp cho thị trường Hà Nội. Chỉ riêng tại xưởng rượu độc trên, còn có thêm hai xe khác chuyên chở rượu đi Hải Phòng, Ninh Bình.
Tài xế cho biết thêm, mỗi lít rượu cồn bán cho các “đầu nậu” tại Hà Nội giá là 8 - 10 ngàn đồng. Tại đây, các “đầu nậu cấp hai” pha chế thêm để nâng giá lên gấp đôi, gấp 3 lần giá gốc.
Cách nhận biết rượu độc Ông Vũ Đình Minh, Phó Chủ tịch UNND xã Tam Đa cho hay, nếu nhìn bằng mắt thường, rất khó có thể nhận biết được đâu là rượu độc pha chế, đâu là rượu quê chính gốc. Hiện nay nhiều người dùng hương liệu pha chế với rượu cồn đến những người có kinh nghiệm ở Đại Lâm cũng chưa chắc nhận ra được. Đồng quan điểm, Ths Nguyễn Văn Tuấn, Trưởng khoa điều trị nghiện Bệnh viện tâm thần Hà Nội cũng cho rằng rất khó để phát hiện rượu độc. Tuy nhiên, Ths Tuấn cho rằng rượu chứa methanol chỉ cần uống vài li đã thấy bốc và phê, khi mới uống, nếu thấy rượu có vị đắng thì có thể nghi ngờ đấy là rượu cồn, rượu độc. |
Theo ghi nhận của PV, tại hầu hết các quán cơm bình dân, quán nhậu trên địa bàn các quận Long Biên, Cầu Giấy, Thanh Trì, Hoàng Mai, Từ Liêm (Hà Nội)…, các loại rượu độc đã hóa thành “rượu quê cực êm, cực phê”, bày bán tràn lan giá 20 - 30 ngàn đồng/lít.
Khi xâm nhập vào điểm bán “rượu quê” của một “đầu nậu cấp hai” ở huyện Thanh Trì, chúng tôi bị bà chủ “hét” giá 25 ngàn/lít rượu. Đặt vấn đề muốn tạo mối làm ăn lâu dài, mỗi ngày mua đến 50 lít, người này mới nhẹ giọng: “Chị lấy chú 15 ngàn/lít thôi”.
Theo người này, từ rượu cồn, bà có thể pha thành các loại rượu từ rượu “nút lá chuối”, rượu “cuốc lủi”, rượu nếp quê, rượu táo mèo… loại nào “uống cũng phê”.
Khi chúng tôi tỏ ý định học hỏi để có thể pha chế thêm cho hợp lòng khách mà đỡ phải chạy đến nhà bà lấy rượu trong lúc cần gấp, người này cho hay: “Dễ nhưng nguy hiểm, làm không cẩn thận chết người như chơi”.
Bà lấy một que tăm quệt vào một lọ hỗn hợp sền sệt bột và nước. “Đấy, chỉ cần cho chút này vào là uống “bốc” lắm, em cứ gọi điện đến, chị cho “quân” chở đến tận nơi, chứ em pha không kinh nghiệm thì nguy hiểm lắm”, người này nói.
Qua tìm hiểu từ một số nhân viên chuyên chở rượu, chất mà người phụ nữ trên dùng để pha với rượu là… thuốc sâu và phân lân. Vậy là rượu cồn đã độc, lại càng “phê” thêm vì thuốc sâu và phân bón.
Theo một nhân viên, mỗi ngày quán này tiêu thụ hết khoảng bốn thùng phuy rượu độc.
Khu vực Thanh Trì được xem là điểm tập kết rượu độc nhiều nhất ở Hà Nội, mỗi chủ hàng rượu thường có ít nhất từ 3 - 5 người chuyên vận chuyển rượu. Chỉ cần có khách gọi, đội quân này sẽ chạy xe máy chở rượu đến tận nơi giao hàng.
Loạn thần vì rượu độc
Do uống phải rượu độc, không ít “đệ tử Lưu Linh” đã hôn mê bất tỉnh nhập viện, thậm chí phải vào viện tâm thần điều trị.
Theo thống kê từ Bệnh viện tâm thần Hà Nội, mỗi tháng có ít nhất 40 người loạn thần nhập viện. Người điều trị nhanh nhất cũng mất 2 tháng, nhiều người phải nằm viện điều trị cả năm. Nguyên nhân chủ yếu do các bệnh nhân uống quá nhiều rượu độc.
Bằng mắt thường, rất khó phát hiện rượu độc hay rượu quê “xịn”. |
Th.s, Bác sỹ Nguyễn Văn Tuấn, Trưởng khoa điều trị nghiện Bệnh viện tâm thần Hà Nội, số lượng bệnh nhân nhập viện do rượu ngày càng có xu hướng tăng cao.
Chỉ tính riêng năm 2012 khoa này tiếp nhận gần 500 bệnh nhân loạn thần do rượu, chiếm 70% số bệnh nhân của khoa. Theo ông Tuấn, do rượu tạo ra từ cồn công nghiệp và nước lã thường chứa hàm lượng chất methanol cao, khi uống vào có thể gây tử vong.
Cụ thể hơn, chất methanol ngấm vào não bộ sẽ gây nhức đầu, thần kinh bị ức chế, làm loạn thị giác, gây suy gan dẫn đến hôn mê sâu và tử vong. Khi nạn nhân có dấu hiệu nôn mửa tháo thốc, hôn mê, đau đầu, mệt mỏi… tức là nạn nhân đó đã bị ngộ độc rượu.
Đối với những trường hợp bị ngộ độc, nếu không điều trị nhanh, có thể gây mù mắt và loạn thần. “Qua xét nghiệm chúng tôi phát hiện trong những loại rượu này thường chứa các độc tố vô cùng độc hại vượt mức cho phép như aldehyde và chất furfurol, nếu hàm lượng hai chất này cao sẽ gây ảnh hưởng tới hệ thần kinh, tim mạch.
Bệnh nhân sau khi ngộ độc, hoặc dùng rượu rởm lâu ngày, nếu không được kiểm tra, điều trị sẽ gây loạn thần mãn tính”, bác sỹ Tuấn nói.
Ghi nhận tại Bệnh viện tâm thần Hà Nội, không ít nạn nhân khi uống rượu vào do bị loạn thị, thần kinh ức chế, đã có hành động chửi bới, đánh đập người khác. Như trường hợp của anh Nguyễn Đăng T (Từ Liêm, Hà Nội) đang điều trị tại đây, trước đó trong một lần nhậu với bạn bè, do say xỉn không làm chủ được bản thân, T đã về nhà bóp cổ con trai, rất may gia đình phát hiện can ngăn nên đã giải thoát được em bé.
Do nhiều lần bị ngộ độc rượu, trí nhớ “bợm nhậu này” ngày một giảm, cứ leo lên xe máy là gây tai nạn. Dù gia đình đã đưa vào bệnh viện tâm thần điều trị hơn hai tháng nay nhưng nhiều lúc hỏi về tên tuổi, hỏi về gia đình, T không thể nhớ ra được.
“Bệnh nhân năm nay mới 42 tuổi nhưng trí nhớ kém cả ông già 90, có lúc vợ đến thăm nhưng không biết là ai, do uống quá nhiều rượu độc mà không điều trị kịp thời nên triệu chứng ngày một nặng thêm”, một nhân viên trong khoa cho biết.
Theo XLPL