Đang ở bên này mép bàn, nếu khán giả muốn đối thoại với anh lại ở phía bên kia, thì anh lập tức chạy lại, và bao giờ cũng nhìn hau háu vào người đối thoại, trong khi dỏng tai nghe dịch. Ở cuộc khác, khi có người dùng tiếng Anh, anh nhẹ nhàng nhắc “Chị hãy nói tiếng Việt để mọi người cùng hiểu”.
Thứ tiếng Anh Nick dùng cũng rất chuẩn mực và cực kỳ dễ hiểu. Và được diễn đạt rành rẽ, như thể cho người i tờ về tiếng Anh cũng nghe được. Tay chân chẳng có, cụt thun lủn nhưng diễn giả Nick không ỳ ra đó “như một cục thịt”, mà toát lên sức sống, sinh động với ngôn ngữ cử chỉ phong phú, ánh mắt linh hoạt.
Là người viết sách về nghệ thuật sống, tưởng chỉ có đắc nhân tâm trở lên nhưng bắt gặp tình huống đáng giễu cợt Nick cũng chẳng tha, trêu ngay, khiến cử tọa không khỏi mỉm cười.
Hình ảnh ấn tượng tại Mỹ Đình tháng 5 này. Ảnh: Phạm Mỹ. |
Có người bảo “Anh ta cư xử cứ như thể mình lành lặn. Dù gì đi nữa, người khuyết tật thì vẫn phải là người khuyết tật chứ!”. Nick từng dùng từ “broken” (thường được dùng để nói về tình trạng của máy móc: hỏng hóc, tai nạn, đổ vỡ nhưng có khả năng được sửa chữa) để nói về hoàn cảnh của mình.
Trong sách, Nick viết rằng sau nhiều lần chất vấn tạo hóa sao sinh ra mình chẳng giống ai, cuối cùng anh cũng hiểu “chìm đắm thật sâu khiến mọi thứ càng cao và xa vời hơn” (trích một ca khúc nhạc Blue). Chìm đắm ở đây, hẳn là trong mặc cảm, và những ý nghĩ tiêu cực khác.
Nhiều người nói: “Số tiền mấy chục tỉ, sao không chia đều cho người tàn tật trong nước, có phải thiết thực hơn không?” Hãy hỏi chính người trong cuộc, họ mong có một lần tiền trọn gói, hay mong thay đổi thế giới quan, nhân sinh quan theo hướng tích cực nhất có thể- mà Nick trước mắt họ chính là tấm gương. Chẳng hạn, ngày thường thì mẹ của bé Linh Chi ở Yên Bái có dám tự tin cho bé xuất hiện ở sân vận động Thủ đô để nói về nỗi đau và niềm hy vọng của mình?
Có người nói: “Trong nước đầy gương vượt khó, sao không tôn vinh?” Những tấm gương đó có dám gặp gỡ một biển người, hùng biện, lập ngôn được không, dẫn điện truyền nhiệt cho cả người lành lẫn người khuyết không? Có những tư tưởng mang tầm nhân loại không? Đa phần chúng ta, “ăn không nên đọi nói không nên lời” hoặc ngược lại “mồm miệng đỡ chân tay”, “ăn như rồng cuốn nói như rồng leo làm như mèo mửa”, hoặc vừa khó ăn vừa khó nói khó làm.
Có người nói:“Tất cả cũng chỉ nhằm mục đích kiếm tiền, không hơn”. Chẳng nhẽ kiếm tiền, một cách chính đáng, lại là việc cực chẳng đã?
Một thành viên ban tổ chức thanh minh: “Nick không hề đòi ở khách sạn 5 sao như báo nọ đã viết, anh cũng không hề đòi hỏi đón tiếp rầm rộ. Chẳng qua chúng tôi lo ngại cho an ninh của Nick nên phải cắt cử nghiêm ngặt. Đến đâu cũng một biển người xô đẩy, tôi khỏe mạnh mà lúc nào cũng bị đẩy bật ra”. Nếu đã đọc sách của Nick, sẽ thấy anh không lố bịch đến thế, đòi hỏi được tiếp rước như ông hoàng.
Có lời phàn nàn chuyện anh “không chịu gặp riêng báo chí”. Đã nói chuyện với 5 vạn người, còn gì để trao gửi với một nhóm riêng lẻ nữa nhỉ? Phàn nàn chiếm sóng giờ vàng đài quốc gia. Chưa nói chuyện đài nào cũng đói tiết mục cả thôi, thì những giờ vàng khác chắc đã toàn vàng ròng, nhân vật “đinh” lấp sóng?
Trong 4 cuốn sách ra mắt ở Việt Nam, không khỏi có chỗ Nick viết bị lặp. Các cuộc nói chuyện vừa qua, nhiều đoạn Nick nói trong sách rồi. Có cuộc, thời gian ngắn quá, gây cảm giác hẫng. Nhà tổ chức thì khoa trương thanh thế, hụ còi múa gậy, phản cảm. Đúng là còn nhiều khiếm khuyết trong một dự án tên là “Nick đến Việt Nam”, nhưng cuộc đời vốn chẳng có gì hoàn hảo.
Trong khi chúng ta còn đang mải nghĩ về cái chân đau của mình như bà cô Thị Nở, và nghĩ cách kiếm tiền sao cho lương thiện thì có người đến, nhắc nhở chúng ta rằng còn nhiều thứ, nhiều người ở ngoài kia đáng quan tâm hơn cái chân riêng lẻ đó, còn cái chân đó nếu có liệu pháp khôn ngoan sáng suốt thì sẽ khỏi lúc nào không biết. Mà lại nhắc nhở không chỉ bằng tài diễn thuyết suông của anh ta!
Theo Tienphong