Người phụ nữ cưới vợ cho chồng

Thứ hai, 27/05/2013, 17:13
Không sinh được con, chị Trương Thị Xuyến giục chồng đi bước nữa. Những đứa con của chồng với người vợ hai được chị thương yêu như con đẻ.

Nhắc đến chị Xuyến, người dân thôn Hành Chính, xã Yên Lâm (Yên Định, Thanh Hóa) tấm tắc khen bởi sự nhân hậu. Lấy anh Trương Văn Lợi 4 năm mà không có con, vợ chồng đưa nhau đi khám mới biết chị không có khả năng sinh con.

Nghe chồng động viên chạy chữa, nếu không đẻ được thì xin con nuôi hoặc nuôi con của anh trai, chị Xuyến kiên quyết: “Con nuôi không bằng con đẻ, huống hồ không phải tại anh. Anh phải lấy vợ thôi”. Người chồng không chịu, nhưng chị thuyết phục thêm: “Ôm con chồng còn hơn bồng con người. Con anh cũng như con đẻ của tôi”.

Biết chị Xuyến tìm vợ cho chồng, làng trên xóm dưới ai cũng bảo chị gàn dở. Lúc đó, chị phải đấu tranh tâm lý, đến nỗi người gầy rộc chỉ còn 37 kg. “Bao nhiêu năm về làm vợ anh ấy, tôi chưa phải nghe một câu mắng chửi. Trước yêu nhau thế nào thì giờ vẫn như thế”, chị trải lòng.

Có người biết chuyện, mách chị một cô góa chồng, còn trẻ đẹp ở làng bên. Nhưng cô ấy khăng khăng bắt anh Lợi phải bỏ vợ hoặc ở rể thì mới chịu lấy. Thương vợ, anh Lợi không chấp nhận, bảo chị thôi cứ ở thế này, lúc về già nhờ cậy con nuôi.

Nhưng khao khát được bồng con trẻ, chị Xuyến đánh liều hỏi thêm đám nữa. Lần này là cô gái hiền lành bị chồng phụ bạc, đã có đứa con gái nhỏ. Biết chị Trịnh Thị Lĩnh (người vợ hai bây giờ) đồng ý, chị Xuyến mừng lắm, lên trình bày với chính quyền xã. Qua tìm hiểu, cán bộ xã cảm thông hoàn cảnh gia đình nên đồng ý. Chị lại bàn với nhà chồng làm dăm mâm cơm, đón hai mẹ con cô ấy về.

Căn nhà năm gian được chia làm ba. Bố chồng ở gian nhà giữa. Chị nhường gian lớn cho vợ chồng mới cưới, còn mình chuyển qua gian nhỏ hơn ngủ cùng đứa con gái của vợ hai. Chị thừa nhận cuộc sống “một ông hai bà” có lúc cơm chẳng lành, canh không ngọt vì những va chạm nhỏ, nhưng mỗi người nhường nhịn một chút cửa nhà vẫn ấm êm.

vo hai

Chị Xuyến và con gái út của chồng với vợ hai. Hiện cô bé 10 tuổi này cũng do chị chăm sóc. Ảnh: Hoàng Phương.

“Người ta bảo tôi là thần kinh thép. Đời thuở nhà ai đi lấy vợ cho chồng, để đêm chồng ôm vợ bé còn mình ôm con riêng của chồng. Đúng là không ghen không phải đàn bà, nhưng người ta làm lẽ cũng không sung sướng gì”, chị Xuyến giãi bày.

Cuối năm 1989, cậu bé Trương Văn Luân ra đời. Bế thằng bé trên tay mà chị Xuyến trào nước mắt. Đến khi cai sữa, Luân được chị chăm bẵm từ cái ăn, cái mặc đến tắm rửa. Chị yêu thương nó còn hơn con mình dứt ruột đẻ ra.

Năm 1993, chị Xuyến xin đi học lớp sơ cấp y tá rồi về trạm xá Yên Lâm làm hộ lý. Công việc bận rộn, chị bàn với chồng và vợ hai đưa Luân ra ngoài trạm xá ở cùng để tiện chăm sóc. Cậu bé lúc đó đang học lớp 2, nghe mẹ nói thì háo hức xách quần áo, cặp sách đi theo.

Hai mẹ con ở căn phòng nhỏ trong trạm y tế. Vài năm sau, họ chuyển về ngôi nhà nhỏ mới xây ngay gần trạm xá. Anh Lợi cùng vợ hai và con gái vẫn ở trong làng chăm mấy sào ruộng. Luân lớn lên chủ yếu nhờ bàn tay nâng niu của người phụ nữ mà cậu vẫn trìu mến gọi “mẹ già”. Cậu bé đi về giữa hai ngôi nhà, hai bà mẹ. Đi học thì ở với mẹ Xuyến, cuối tuần lại về với “mẹ non” (mẹ đẻ) cách đó hơn một km.

Nhắc đến người vợ bé của chồng, chị Xuyến mỉm cười bảo may mắn năm xưa chọn đúng người. Cô ấy hiền lành, chỉ biết làm lụng, không so bì tị nạnh bao giờ nên họ đối đãi như chị em gái. Chính bà hai còn gửi gắm Luân cho người vợ cả: “Tôi gửi chị thằng bé. Chị làm bên y tế biết cách chăm sóc chúng tốt hơn tôi. Ruộng nương ở nhà tôi lo, ta cùng nhau nuôi dạy con ăn học nên người”.

Ông Lê Văn Sáu, đồng nghiệp cũng là người chứng kiến cảnh chị Xuyến nuôi con nhỏ, cho rằng không phải ai cũng làm được như chị.

Có lần đúng ca trực, ông đi ngang qua phòng hai mẹ con thấy Luân đắp kín chăn. Gọi không thấy cậu bé trả lời, ông lật chăn thì thấy người Luân đỏ ửng, mồ hôi đầm đìa vì sốt cao.

Ông vội cấp cứu cho bé. “Khi Luân tỉnh lại, cô ấy ôm chặt con, cười ra nước mắt. Chúng tôi chứng kiến cảnh ấy không ai cầm lòng”, ông Sáu kể.

Bà Đoàn Thị Hồng, Chủ tịch Hội phụ nữ xã Yên Lâm, cho hay nhiều năm sống gần gia đình chị Xuyến, bà không thấy họ mâu thuẫn.

"Đoàn thể chưa bao giờ phải đứng ra hòa giải dù hai người phụ nữ chung một chồng.

Chị Xuyến có tấm lòng nhân hậu, không những yêu thương con chồng mà còn thương cả vợ hai của chồng", bà Hồng nói.

Mỗi dịp Tết đến, chị Xuyến đi trực bên trạm xá, Luân về nhà đón giao thừa cùng bố mẹ. Hết buổi sáng mùng 1 lại ra với “mẹ già”.

Luân bảo, mẹ ở ngoài này đón Tết một mình sẽ buồn, em không yên tâm. Cậu hầu như không bị mẹ Xuyến la mắng, duy nhất một lần hiếu động trèo cây hái hoa phượng bị mẹ phạt một roi. Tối đó ôm con ngủ, chị Xuyến lại khóc vì lỡ tay đánh con.

Được làm quen với tủ thuốc của mẹ từ nhỏ, học lớp 3, cậu bé có thể lấy chính xác nhiều loại thuốc khi cô chú trong trạm xá yêu cầu.

Học xong lớp 12, cậu định nghỉ không thi đại học vì gia đình khó khăn. Nhưng được mẹ Xuyến động viên và tư vấn, cậu quyết định thi và đỗ vào ĐH Dược Hà Nội.

Nói về hai người mẹ, chàng dược sĩ tương lai cười bảo mình may mắn hơn nhiều người, được mẹ già hết mực thương yêu, chăm sóc còn hơn con đẻ.

“Em không muốn thiên vị người mẹ nào hết, dù là trong suy nghĩ. Vì một người có công sinh thành, một người có công giáo dưỡng”, Luân nói.

Không chỉ thương yêu con trai của chồng, con gái riêng của người vợ hai cũng được chị chăm sóc chu đáo từ khi còn nhỏ.

Đến khi cô lấy chồng, chị cũng đứng ra lo liệu cỗ bàn tươm tất, tiễn con về nhà chồng như chính con gái chị. Con gái út Trương Lan Nhi (sinh 2003) hiện cũng ra ngoài này ở với mẹ Xuyến để tiện đi học.

Trước thấy chị chăm sóc con của chồng, nhiều người bảo chị dại dột, không có con thì về chăm sóc bố mẹ đẻ. Giờ thấy những đứa con chồng thương yêu, hiếu thảo, họ lại nói chị may mắn. Mặc họ nói, chị bỏ qua tất cả, chỉ mong mình mạnh khỏe để còn nuôi dạy con cái trưởng thành.

Ôm con gái út, người phụ nữ 49 tuổi ấy cười hạnh phúc: “Con nào cũng là con, chẳng đẻ ra nhưng đã là con người thì phải thương nhau. Có lẽ ba đứa con yêu thương, tôn trọng mẹ chính là sự bù đắp lớn nhất mà cuộc đời ưu ái cho tôi”.

Theo VNE

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích