Hiến thân cho những hiện tượng kỳ lạ
Nhà nghiên cứu Nguyễn Phúc Giác Hải cho biết: "Ngày 1/5, với tôi có quá nhiều kỷ niệm. Đúng ngày này, năm 1976 tôi bị buộc ra khỏi biên chế, thành người không nghề nghiệp, phải "viết chui" để sống. Và cũng ngày 1/5 của 15 năm sau, năm 1990 tôi được minh oan và được trở lại làm công chức. Từng ấy thời gian, người công chức bình thường đã nhận được sổ hưu...Đời là vậy đấy, mình vẫn phải sống, đam mê không thể dứt bỏ".
Chợt trôi về dòng ký ức xa xưa, giọng ông trầm xuống khiến người đối diện phải lắng nghe: "Từ ngày tốt nghiệp đại học Sư phạm về dạy ở trường Bổ túc Công - nông, tôi đã ham mê nghiên cứu về những khả năng kỳ diệu của con người, như khả năng ngoại cảm, khả năng chữa bệnh từ xa... Khi được mời về làm việc ở Uỷ ban Khoa học Nhà nước tôi như cá gặp nước.
Ngoài công việc ở Viện tôi còn lao vào nghiên cứu các hiện tượng lạ như chữa bệnh không dùng thuốc của cụ Nguyễn Đức Cần (cụ Trưởng Cần) ở Đại Yên (Hà Nội)... Nào ngờ, ngày ấy người ta không tin những gì tôi nghiên cứu là có thật, họ còn cho tôi là lợi dụng khoa học để tuyên truyền mê tín dị đoan và quyết định cho tôi ra ngoài biên chế Nhà nước".
Ngày 1/5/1976, ông được lãnh đạo Uỷ ban Khoa học Nhà nước gọi lên bảo: "Nếu nhận mình sai thì được ở lại Viện còn cứ giữ quan điểm của mình thì sẽ thi hành kỷ luật, ra khỏi Viện". Sau cuộc gặp gỡ ấy, ông giữ nguyên quan điểm nghiên cứu nên phải "về vườn". Vậy là, mức lương thực từ 13,5kg gạo của ông bị hạ xuống còn 11kg! Đây thực sự là một cú sốc lớn không chỉ riêng với bản thân ông mà cả vợ và hai người con của ông cũng lo lắng, hoang mang rất nhiều.
"Thời bao cấp, cái lý lịch và biên chế Nhà nước như là một "chứng chỉ về đạo đức" nên có người gợi ý với tôi rằng: “Muốn giữ được lý lịch trong sạch cho vợ con thì chỉ có con đường tốt nhất là... ra toà ly dị! Và vợ chồng tôi đã làm như vậy!?", ông buồn buồn nhớ lại.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Phúc Giác Hải đang trò chuyện với một người có khả năng đặc biệt.
Nào ngờ, cuộc ly hôn giả lại hoá thật. Người vợ không chịu được cảnh có chồng mà cũng như không, thêm vào đó là biết bao sự dò xét của dư luận nếu hai người đã ly hôn vẫn có sự qua lại tình cảm. Chịu không nổi, năm 1977, vợ ông đã vào Nam và kết hôn với một giảng viên một trường đại học...
Nhưng sự nhớ nhung chồng con, nỗi đau của cuộc ly hôn giả hoá thật nên bà cũng chỉ sống được với người chồng mới 6 tháng. Thật oan nghiệt "cái lý lịch mất việc Nhà nước" đã là nguyên nhân gây ra, nỗi đau tình cảm của ba người.
Khi còn trong biên chế, cuộc sống vẫn khó khăn, nguồn thu nhập chính của ông là viết báo về lĩnh vực ông say mê, am hiểu về tiềm năng con người để lấy nhuận bút.
Ngày ấy, những bài báo ông viết được độc giả đón nhận, nhưng với "án công chức bị loại thải" như thế, không báo nào còn dám đăng bài của ông. Không kiếm tiền bằng ngòi bút được, ông xoay trần ngày luyện thi đại học, đêm tay kìm, tay búa làm đồ chơi trẻ con bán lấy tiền độ nhật và đóng góp nuôi con.
Niềm đam mê không phải là tội lỗi
Ông vẫn khẳng định, niềm đam mê của mình không phải là tội lỗi. Ông mang trong mình một niềm tin mãnh liệt sẽ đến ngày bản thân được minh oan. 15 năm đằng đẵng, năm nào ông cũng đâm đơn khiếu nại gửi các cấp có thẩm quyền nhưng đều bặt vô âm tín.
Mái tóc của nhà giáo, nhà khoa học ngày càng thưa, càng bạc. Vầng trán rộng của ông ngày càng hằn thêm những vết nhăn... "Một hạt giống gieo xuống có thể nó không mọc thành cây nhưng anh không gieo thì không bao giờ có hy vọng", ông Nguyễn Phúc Giác Hải nhắc lại niềm tin mà trong những ngày khốn khó nhất ông bấu víu vào nó.
15 năm với ông thật là dài, nó trôi đi nặng nề khi nỗi oan của ông chưa được cởi bỏ. Đến năm 1990 "cái cây ấy đã vươn lên tươi tốt", đó là cách nói ví von của nhà nghiên cứu Nguyễn Phúc Giác Hải. "Đơn khiếu nại của tôi đã đến được tay Phó Thủ tướng Nguyễn Khánh và tôi được phục hồi về nghiên cứu khoa học ở Viện".
Nguyễn Phúc Giác Hải vui vẻ kể lại: "Trong cuộc điều đình để tôi lại được làm việc ở Viện, tôi vô cùng cảm động vì cuối cùng công việc nghiên cứu về tiềm năng con người của tôi đã không vô ích và có người hiểu. Điều ấy là quan trọng nhất!
Tôi nhớ, ngày ấy Viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu nói: "Nếu có một trung tâm nghiên cứu tiềm năng con người thì người đầu tiên tôi mời tham gia nghiên cứu là Nguyễn Phúc Giác Hải! Tôi đứng bật dậy phát biểu: "Tôi vô cùng sung sướng được tham gia cùng các đồng chí... Và mọi người không ai đặt ra một điều kiện gì về án kỷ luật 15 năm của tôi!".
Ông trầm tư, giọng nói triết lý, như một lần nữa khẳng định với chính bản thân mình: "Người ta sống ở trên đời là phải có niềm tin cho dù ngày hôm nay có đen tối với cá nhân anh như thế nào đi chăng nữa. Làm khoa học thì càng phải có bản lĩnh"!
Bất kỳ nghi vấn “Lạ” nào cũng cần khoa học giải thích
Ông được làm công việc mà vì quá đam mê đã lấy đi của nhà khoa học tất cả sự nghiệp, hạnh phúc. Mặc dù vậy, ông cũng chẳng oán thán, than phiền. Ông sẵn sàng bỏ tiền túi lao vào những công trình nghiên cứu. Bất luận nó là vấn đề to hay nhỏ, đã trở thành nghi vấn của nhà khoa học là ông cố tìm cho ra lời giải đáp. Vì sự đam mê, ông đã từng vượt qua nhiều người dự thi để đoạt giải nhất cuộc thi viết về nước Nga.
Ông tự bỏ tiền, đi sang Pháp, lục tung các thư viện để tìm cho được gốc tích của hai chữ Việt Nam mà ông nghi ngờ nó đã từng được Nhà Nguyễn gọi tên nước trước đây. Và cũng trong cuộc đi ấy, ông đã chụp lại được bức ảnh quý, tượng Nữ thần tự do đặt ở Hồ Gươm...
Cho đến bây giờ, dù đã gần 80 tuổi, nhưng nhà khoa học ấy vẫn miệt mài với công việc. Ông làm công tác thông tin dự báo của Viện Nghiên cứu tiềm năng con người, và thực sự trở thành chiếc cầu nối những câu chuyện lạ. Nhiều người trên cả nước đều biết tiếng ông nên có chuyện gì lạ ở đâu người ta cũng gửi email, gọi điện cung cấp thông tin hay nhờ ông giải thích.
Ông xem đó là niềm vui của mình. Và cứ có chuyện lạ ở đâu, ai đó có khả năng đặc biệt, ông nhấp nhổm tìm mọi cách để tiếp cận, xác minh, nhìn nhận, giải thích dưới góc độ khoa học. Có những chuyện ông chưa giải thích được như cây bồ đề mọc trên một ngôi mộ phát ánh sáng, có tiếng chuông khi gõ vào thân khiến ông trăn trở nhiều lắm.
Ông khất nợ phóng viên, "khi nào tôi giải thích được sẽ cung cấp cho phóng viên viết bài. Tôi còn phải đi lại nơi có cây bồ đề này nữa để tìm hiểu rõ ngọn ngành". Vậy là, bỏ quên tuổi tác, đời ông vẫn cứ là... những chuyến đi dài.
Nghe sóng sông Hồng, mơ sóng khoa học
Sau những chuyến đi thu thập cứ liệu, ông lại về sống âm thầm lẻ bóng bầu bạn với sách vở trong căn nhà ngoài đê sát mép sông Hồng, ở đường Bạch Đằng, Hà Nội. Ông thường nói đùa với bạn bè "ngõ nhỏ phố nhỏ nhà tôi ở đó...". Đó là căn nhà nhỏ chỉ khoảng trên dưới 10m2, sóng điện thoại cũng phập phù, nhưng ở đây ông có thể nghe tiếng sóng sông Hồng miệt mài vỗ bờ. "Đời người cũng như con sóng, lớp trước tiếp lớp sau. Ông mong, sau những lớp nghiên cứu tiềm năng con người nhiệt tình, say mê đã có tuổi như ông lại xuất hiện những cán bộ nghiên cứu khoa học trẻ. Và những hiện tượng huyền bí mà khoa học chưa lý giải được thì bằng phương pháp nghiên cứu thực nghiệm, sẽ có người tiếp cận sự thật, tìm ra cách lý giải được số đông chấp nhận". |
Theo Nguoiduatin