Rác thải công nghệ và điện tử bao gồm từ màn hình tivi, tủ lạnh, điều hòa không khí tới máy tính cũ hay điện thoại di động, không ít các thiết bị đó được sản xuất ở chính Trung Quốc và sau một vòng thế giới, chúng quay về “yên nghỉ” ở Trung Quốc.
“Theo thông tin từ Liên Hiệp Quốc, khoảng 70% rác thải điện tử toàn cầu thải ra đều quay về Trung Quốc - Ma Tianjie, một người phát ngôn của văn phòng Bắc Kinh, Tổ chức Greenpeace, nói - Hầu hết rác thải công nghệ vào Trung Quốc qua những kênh bất hợp pháp vì theo các công ước của Liên Hiệp Quốc, việc chuyển rác thải điện tử từ các nước phát triển sang các nước đang phát triển bị cấm”.
Quý Tự, thủ đô rác thải công nghệ của thế giới
Trong thập niên qua, thị trấn Quý Tự ở tỉnh Quảng Đông đã trở thành một trung tâm phế liệu điện tử của cả Trung Quốc và thế giới. Hàng trăm nghìn lao động ở đây tham gia việc tái chế rác. Những con đường ở Quý Tự ngập trong rác điện tử, nhựa, dây điện, dây cáp và đủ loại thiết bị bỏ đi. Các linh kiện được tháo rời và bán như bán phế liệu.
“Chúng tôi bán nhựa này lại cho Foxcom” - một công nhân của làng phế liệu Quý Tự nói với Đài truyền hình Mỹ CNN, ý nhắc tới công ty Đài Loan chuyên sản xuất và lắp ghép sản phẩm cho các thương hiệu nổi tiếng thế giới bao gồm Apple, Dell và Hewlett-Packard.
Đó là một công việc nguy hiểm và không nước phát triển nào muốn làm. “Khi việc tái chế được làm đúng cách thì tốt cho môi trường - Ma nói - Nhưng tái chế theo cách sơ khai này khiến Trung Quốc trở thành một bãi rác thật sự và hủy hoại nghiêm trọng môi trường địa phương”.
Theo báo cáo “Rác thải công nghệ ở Trung Quốc” công bố tháng 4/2013 của Liên Hiệp Quốc, Quý Tự đang phải đối mặt với một “thảm họa môi trường” vì hoạt động tái chế rác quy mô lớn trong vùng.
Không khí bị ô nhiễm vì khói độc phát ra từ việc đốt nhựa, các bản điện tử và dây đồng, nước ô nhiễm vì quá trình xử lý phế liệu để lấy các kim loại có giá trị như đồng và sắt bằng axit hydrochloric, bản thân người lao động cũng bị nhiễm độc trong quá trình xử lý rác thải, bản báo cáo nói.
Nhiều nghiên cứu do Đại học Y khoa Sán Đầu thực hiện cho thấy trẻ em ở Quý Tự có nồng độ chì trong máu cao hơn rất nhiều so với mức trung bình. Ngộ độc chì có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng lên não và hệ thần kinh trung ương. Hầu hết người lao động ở Quý Tự làm nghề chế biến rác điện tử là dân nhập cư từ những vùng rất nghèo khó của Trung Quốc.
Một nhóm nông dân đã di cư từ tỉnh Quảng Tây bên cạnh sang Quý Tự nói giờ họ không dám uống nước ở đây, còn nếu giặt quần áo ở các giếng trong vùng, quần áo sẽ chuyển sang màu vàng. “Nghe thì chẳng hay chút nào, nhưng chúng tôi không còn dám ăn gạo do chúng tôi trồng nữa, vùng này ô nhiễm quá” - một nông dân đề nghị không nêu tên nói.
Không có gì ngạc nhiên khi các quan chức ở thành phố Quảng Châu, cách Quý Tự khoảng 400km, mới đây phát hiện nhiều sản phẩm từ gạo có tỉ lệ cadmium rất cao. Tuy nhiên, nhà chức trách không xác định được gạo nhiễm độc đã len lỏi ra thị trường thế nào.
Theo Tuoitre