Thưa ông, những cảnh báo của ông về tương ớt miền Trung có Rhodamine B – chất gây ung thư - dựa trên những căn cứ nào?
- Thời gian vừa qua, Cục An toàn thực phẩm (ATTP), Viện Kiểm nghiệm ATTP quốc gia và Sở y tế một số tỉnh, TP như Hà Nội, Hải Dương, Quảng Nam, Huế, TPHCM... đã nhiều lần phát hiện hạt dưa đỏ, tương ớt và ớt bột khô có Rhodamine B bán trên thị trường. Rải rác ở các tỉnh, TP đã ghi nhận tương ớt có chất gây ung thư này thì tại các tỉnh miền Trung cũng có thể sẽ xuất hiện.
Điều đặc biệt là người dân ở khu vực miền Trung có thói quen dùng nhiều ớt trong bữa ăn. Vì thế, là nhà khoa học, tôi cần đưa ra sự cảnh báo để người dân nói chung và dân miền Trung nói riêng phải thận trọng khi mua và sử dụng các sản phẩm có thể có nguy cơ độc hại này.
Vậy, ông có trực tiếp khảo sát về chất lượng tương ớt ở miền Trung hay không?
- Chúng tôi không trực tiếp khảo sát; nhưng bằng chứng của Rhodamine B có trong ớt bột và tương ớt thì đã nhiều vụ việc được các cơ quan chức năng phát hiện và xử lý. Là nhà khoa học, chúng tôi nhìn nhận thực tế và cần khuyến cáo đến người dân. Chức năng của chúng tôi không phải là đi kiểm tra để đưa ra bằng chứng. Riêng tôi, không đưa ra nhận định rằng “tương ớt miền Trung sử dụng chất gây ung thư rất nhiều”.
Thưa ông, sau khi ông cảnh báo về việc thận trọng khi sử dụng tương ớt ở miền Trung, cơ quan chức năng và người dân đã phản ứng, cho rằng ông cần nói rõ ràng cơ sở nào, sử dụng chất gì, tỉ lệ bao nhiêu, tránh ảnh hưởng uy tín sản phẩm ớt ở miền Trung, phương hại đến nông dân và các cơ sở chế biến ở đây?
- Tôi khẳng định ngay rằng, người nông dân trồng ớt không hề có lỗi, mà ở đây là khâu chế biến. Tôi đã đọc bài báo phản hồi trên báo Lao Động và thấy mừng vì cơ quan chức năng ở Quảng Nam đã kiểm tra và không thấy các sản phẩm ớt tại đây chứa Rhodamine B; thấy người nông dân huyện Điện Bàn (Quảng Nam) trồng ớt sạch, thấy người chế biến tương ớt ở Hội An không dùng hóa chất.
Nhưng tôi thấy như vậy chưa đủ để khẳng định các sản phẩm ớt hiện có tại tỉnh này là sạch, là an toàn. Bởi nếu đó là thực thì tất cả các cơ sở trồng và chế biến ớt tại đây phải công bố chất lượng sản phẩm và phải thực hiện quy chuẩn kỹ thuật chất lượng cho sản phẩm này.
Do đó, cơ quan chức năng địa phương cần hướng dẫn, giám sát và hỗ trợ để người nông dân và các cơ sở chế biến ớt đưa hàng hóa đi kiểm định, đăng ký chất lượng và công bố chất lượng sản phẩm.
Sau đó, các sản phẩm này phải được đóng gói trong bao bì theo tiêu chuẩn, có đầy đủ nhãn mác theo quy định, trong đó cần chỉ rõ nơi sản xuất, thành phần hóa học của sản phẩm và hạn sử dụng v.v... Có như vậy, người tiêu dùng mới có thể tin rằng sản phẩm ớt bột, tương ớt là an toàn.
Với cách bán hàng sản phẩm ớt rất phổ biến như hiện nay, tương ớt chỉ chứa trong lọ hoặc can, không có nhãn mác; ớt bột chủ yếu đóng trong bao phi tiêu chuẩn, không nhãn mác, người tiêu dùng khó mà thẩm định được chất lượng sản phẩm trong lúc thực phẩm sạch-bẩn đang lẫn lộn như hiện nay.
Thưa ông, tại sao một chất hóa học dùng trong công nghiệp nhuộm như Rhodamine B lại được sử dụng làm chất màu đỏ cho sản phẩm ớt? Không có phụ gia an toàn sao?
- Danh mục phụ gia của Bộ Y tế đã ban hành có những phụ gia được phép sử dụng trong chế biến, nhằm làm chất màu đỏ cho ớt nói riêng và cho thực phẩm nói chung, như chất màu đỏ Carmoisin, Amaran, Ponceau 4R, Erythrosin, Aluara AC...
Người sản xuất cần liên hệ với các chi cục ATTP ở địa phương để được hướng dẫn và theo tôi, chính các cơ quan chức năng này cũng cần chủ động hơn trong việc cung cấp thông tin về các phụ gia này để người dân nắm được và có ý thức sản xuất an toàn hơn.
Xin cảm ơn ông!
Cơ quan chức năng Quảng Trị "phản pháo" Xung quanh vụ việc phát ngôn nói rằng các sản phẩm làm từ ớt ở miền Trung sử dụng chất gây ung thư rất nhiều, ông Hồ Sĩ Biên – Chi cục trưởng Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) tỉnh Quảng Trị - nói: “Chúng tôi không biết ông này làm việc với ai, làm việc với cơ quan nào mà lại khẳng định đã phát hiện tại Quảng Trị các sản phẩm làm từ ớt có chứa chất gây ung thư là Rhodamine B. Đề nghị xem lại và cần có thông tin chính xác. Chi cục VSATTP tỉnh Quảng Trị chưa từng làm việc với nhà khoa học nào về việc này cả. Trong quá trình kiểm tra, chúng tôi khẳng định chưa từng phát hiện có chất Rhodamine B gây ung thư ở các sản phẩm làm từ ớt trên địa bàn”. “Hải Lăng có hơn 100ha ớt, 100% người dân thu hái, chế biến thủ công là hái tươi rồi phơi khô, sau đó giã bằng cối rồi xay thành bột. Tiếp đó mới bán ra thị trường. Tôi khẳng định không có chuyện trộn chất gây ung thư hay chất gì độc hại cả” – ông Lê Anh Quốc - cán bộ phụ trách trồng trọt Phòng NNPTNT huyện Hải Lăng - nói. |
Theo Laodong