Nhộn nhịp chợ đêm
Từ lâu, chợ đầu mối nông sản thực phẩm Thủ Đức đã được biết đến là khu chợ buôn bán nhiều loại trái cây, hoa quả và rau xanh lớn ở Sài Gòn. Hàng hóa ở đây không bán lẻ mà chuyên sỉ với số lượng lớn.
Cảnh buôn bán nhộn nhịp ở chợ đầu mối Thủ Đức
Trước 1975, chợ đầu mối chỉ là chợ cá Trần Quốc Toản, tọa lạc ở khu vực gần siêu thị Sài Gòn, thuộc góc đường 3 tháng 2 và Lý Thái Tổ (Quận 10). Sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, chợ không còn hoạt động.
Một thời gian sau, chợ di dời về chợ cầu Ông Lãnh (Quận 1) và tồn tại đến tháng 10/2003 thì chấm dứt và dời về chợ Bình Điền (Quận 8). Cùng chung số phận với bạn hàng bán cá, các vựa trái cây chợ cầu Ông Lãnh, cầu Cầu Muối phải di dời lên chợ đầu mối Thủ Đức và chợ đầu mối Tân Xuân (Hóc Môn).
Chợ tạo công ăn việc làm cho nhiều người
Chợ đầu mối Nông sản Thực phẩm Thủ Đức được khởi công xây dựng vào năm 2002 có diện tích 203.676 m2 nằm trên quốc lộ 1A (Quận Thủ Đức) có sức chứa 1.584 sạp.
Chợ bao gồm các khu nhà lồng chợ A, nhà lồng chợ B, nhà lồng chợ C và nhiều công trình phụ trợ như nhà kho, khu quản lý, khu điều hành, khu sơ chế, nhà máy xử lý rác, trạm nước ngầm, trạm xử lý nước thải…
Chợ có diện tích rộng
Trung bình mỗi ngày lượng hàng hóa nhập vào chợ lên đến hơn 2.800 tấn. Ngoài ra, khi chợ hoạt động cũng đã tạo được công ăn việc làm cho hàng ngàn lao động trên điạ bàn quận kể cả số lao động di dời từ các chợ Cầu Muối, Cầu Ông Lãnh tới.
Hàng hóa ở đây có đủ loại, từ trái cây đến rau xanh và hoa, đồ khô. Sạp nào cũng bạt ngàn các loại trái cây ngon có nguồn gốc từ miền Tây hoặc miền Bắc. Trái cây đủ loại từ thanh long, sầu riêng, táo, cam, nhãn, bơ, dưa hấu... Rau xanh có khoai tây, ớt Đà Lạt, cà tím, cải xoong... Chưa hết, ở đây còn bán nhiều loại hoa như hoa hồng, hoa ly...
Chợ bán rau, trái cây đủ loại và giá cả ở đây rẻ hơn bên ngoài đến 3-4 lần
Giá cả ở chợ khá dễ chịu, đa phần đều thấp hơn 3-4 lần so với giá bán lẻ thông thường bên ngoài. Tiểu thương ở đây thường không chào mời người mua vì họ bán cho người quen là nhiều.
Chợ bán buôn từ 21h đêm đến 4h sáng và có một khu ẩm thực bán cơm, trái cây, xôi, bánh mì... phục vụ những người buôn bán tầm đêm. Tại chợ còn có đội ngũ bốc vác và bảo vệ túc trực 24/24, khi nào có xe hàng tới sẽ chạy ra ngay và có đền thờ Quan Âm nhỏ, do tiểu thương trong chợ lập ra để cúng kiếng cầu buôn may bán đắt.
Nhọc nhằn gánh nặng mưu sinh
Ở chợ đầu mối nông sản thực phẩm Thủ Đức không thiếu những cảnh đời mưu sinh vất vả. Họ ở luôn trong chợ làm nhiệm vụ bốc vác, dỡ hàng và nhiều người ăn ngủ luôn ở đây.
Những phận đời mưu sinh ở chợ
"Ngày nắng thì không sao, ngày mưa thì khổ lắm cô ạ", chị Thu, 32 tuổi, quê Chợ Lách - Tiền Giang cho biết. Chị bảo trong chợ không chỉ đàn ông làm thôi đâu, cả phụ nữ cũng tham gia bốc dỡ hàng hóa, trái cây hay hoa tươi.
"Sáng tôi nghỉ ở nhà lo cơm nước cho chồng con, tối 8h lại ra đây đẩy hàng. Trung bình mỗi ngày tôi kiếm được 200.000 đồng, thỉnh thoảng chủ vựa cho chúng tôi ít trái cây làm quà nên tính ra cũng đủ sống".
Phận nữ mưu sinh trong chợ.
Ngoài những người bốc xếp hàng, nhiều chị em phụ nữ còn bán thêm sữa đậu nành, gánh xôi hay gom mấy chai nước ngọt đem tới khu xe tải đậu bán cho khách.
Tuy nhiên theo tiết lộ của cô H, 45 tuổi, chủ sạp bán rau cải thì lượng nhập hàng năm nay chỉ bằng 1/2 năm ngoái và lái buôn thường không trả tiền ngay hoặc cứ lỗi hẹn, khất lần nên tiền trả cho nhân công thường thiếu và có phần ít hơn so với mọi năm. Thậm chí, nhiều chủ vựa còn trả công bằng trái cây hoặc rau thay bằng tiền mặt vì tình hình buôn bán khó khăn.
Theo TTVN