Chuyện người đào nghĩa địa moi chân lên giữ làm kỷ niệm

Thứ tư, 17/07/2013, 14:09
Với Trung, bàn chân khô quắt ấy giờ thành món… trang sức!

Những ngày lang thang vùng biên ải, tìm hiểu chuyện nổ mìn, tôi được nghe khá nhiều chuyện ly kỳ. Điều lạ lùng, là không chỉ riêng Thào Mìn Hoa ở bản Mã Hoàng Phìn, mà còn một người nữa hiện cũng đang giữ bàn chân làm kỷ niệm, treo trên gác bếp, ấy là Hầu Mí Trung.

Hầu Mí Trung ở bản Hoàng Lỳ Pả, nằm tận trong lõi của Khu bảo tồn thiên nhiên Phong Quang, thuộc xã Minh Tân (Vị Xuyên, Hà Giang). Người nắm được câu chuyện này là trưởng bản Vàng Seo Quả.

Chuyện đi lại ở vùng biên giới, đặc biệt lại là nơi có nhiều mìn rất phức tạp. Tôi may mắn được các đồng chí lãnh đạo biên phòng tỉnh Hà Giang, cũng như Đồn biên phòng Thanh Thủy tạo điều kiện, mới vào được khu vực này.

Thiếu úy biên phòng Âu Văn Dậu dẫn đường, mỗi người một xe máy nhảy chồm cả buổi theo con đường mòn nhỏ xíu, đá hộc lởm chởm dẫn tôi đến một thung lũng nằm giữa dãy Răng Cưa hùng vĩ để đến bản Hoàng Lỳ Pả.

van hoa

Bản Hoàng Lỳ Pả nằm giữa đại ngàn nghiến trên dãy Răng Cưa

Rừng rú hoang rậm, đi mãi mới thấy một nóc nhà lúp xúp ẩn hiện trong rừng. Mỗi nhà ở một góc núi. Ngô bám trên đá mà xanh mướt mát.

Nhà Hầu Mí Trung nằm giữa vườn ngô. Ngôi nhà gỗ rất lớn, nhưng cửa đóng then cài, gọi chẳng ai thưa. Tôi và thiếu úy Dậu ngồi trước nhà, chờ vợ chồng Hầu Mí Trung về để tiếp chuyện. Đồng bào Mông thường lên nương từ sáng sớm, đến nhập nhoạng tối mới về.

Đang chờ Trung, thì một thanh niên vác dao phát đi qua. Thiếu úy Dậu gọi thanh niên đó lại hỏi chuyện. Hóa ra đó là Hầu Mí Dâng, em họ của Hầu Mí Trung.

Theo Dâng, vợ chồng Hầu Mí Trung lên nương từ sáng sớm hôm qua, kéo luôn cả 3 đứa con đi theo. Vợ chồng Dâng có một nương ngô ở bên kia sườn dãy Răng Cưa cao chất ngất.

van hoa

Nhà Hầu Mí Trung

Ở Hoàng Lỳ Pả toàn núi đá, ít ruộng quá, nên vợ chồng Dâng đã vào sâu trong rừng, tìm được một khe núi có nhiều đất để làm nương, gieo hạt. Mảnh nương ấy cách nhà nửa ngày đường đi bộ. Vợ chồng Trung đã dựng một cái lán ở đó. Mỗi lần làm nương, Trung lại kéo cả nhà vào ăn ngủ, làm việc. Mỗi chuyến đi làm nương kéo dài cả tuần. Thậm chí, mùa thu hoạch thì cả tháng mới về. Vậy là, chẳng có cách nào để gặp được Hầu Mí Trung.

Tuy nhiên, may mắn là Hầu Mí Dâng biết rất rõ chuyện Hầu Mí Trung giữ bàn chân trong nhà làm kỷ niệm để kể cho tôi nghe.

Hầu Mí Dâng bảo: “Đúng là có chuyện thằng Trung bị trúng mìn đó. Quả mìn nổ ngay sau nhà nó thôi. Bác sĩ cưa chân của nó, nó đem chân về treo trong nhà ấy. Thi thoảng mình sang nhà, nó vẫn lôi ra xem mà”.

Hầu Mí Trung sinh năm 1982, có vợ và 3 con. Vợ Trung sinh năm 1978, hơn chồng 4 tuổi. Đứa lớn đã học cấp 2 ở xã, nhỏ thì cũng chạy lon ton rồi.

van hoa

Quả đạn găm trước nhà dân

Chuyện Hầu Mí Trung bị trúng mìn xảy ra cách nay đã 4 năm. Hôm đó, khi Dâng vừa lên nương về, đang tắm ở chái nhà, thì nghe tiếng mìn nổ. Ở bản Hoàng Lỳ Pả thi thoảng mìn vẫn nổ. Nhiều người mất chân, mất tay.

Tiếng mìn vừa dứt, thì tiếng đàn bà khóc rống lên. Dâng chạy về phía nhà Trung. Hóa ra, Trung bị trúng mìn. Khi Dâng chạy đến, thì thấy vợ Trung nằm ngất, còn Trung đang xé áo buộc chân lại.

Nhìn hình ảnh Trung mà Dâng hãi hùng. Quần áo rách tướp, máu me bê bết. Bắp chân, bàn chân của Trung nát te tua, cháy đen sì, máu chảy tong tong từ vết thương, thành vũng đỏ dưới nền đất. Bị mìn nổ, phá nát cả chân, mà Trung vẫn tỉnh táo ngồi buộc chân mình lại.

Điều lạ là quả mìn này nằm ẩn mình trong vườn ngô nhà Trung từ nhiều năm nay. Bao năm qua, bố mẹ, rồi vợ chồng Trung vẫn canh tác trên mảnh vườn đó, mà không hề hấn gì. Thế nhưng, hôm đó, Trung dùng cuốc moi đất từ các kẽ đá, vun vào gốc ngô, thì lại dẫm đúng vào quả mìn.

Dâng chạy về nhà gọi thêm người, rồi chuẩn bị cáng khênh Hầu Mí Trung xuống xã, rồi tiếp tục xuống bệnh viện tỉnh.

van hoa

Rất nhiều mìn, đạn còn sót lại ở vùng biên giới Hà Giang

Nhìn bắp chân và bàn chân te tua như vậy, bác sĩ của bệnh viện tỉnh đành phải cưa chân. Loại mìn sát thương này chứa thủy ngân, nên khi trúng mìn, thủy ngân sẽ nhiễm vào da thịt, khiến vết thương bị phân hủy, do đó, bác sĩ thường chỉ định cưa chân để bảo toàn tính mạng.

Lúc chuẩn bị gây mê, Hầu Mí Trung còn dặn dò bác sĩ kỹ lưỡng rằng, giữ lại cái chân phế bỏ đó. Sau khi cưa chân, Hầu Mí Dâng đã ướp đá, rồi mang chân của Trung về nhà.

Dâng đã đặt cái chân của Trung lên gác bếp nhà Trung. Hồi Tết, vợ chồng Trung vừa mổ một con lợn. Thịt còn thừa nhiều thì tẩm ướp gia vị rồi treo gác bếp ăn dần. Cái bàn chân te tua đó treo lủng liểng cùng với thịt lợn chừng 1 tuần thì thành… thịt xông khói!

Hôm ở bệnh viện về, việc đầu tiên là Trung kêu vợ lôi bàn chân xuống cho Trung ngắm. Lúc trúng mìn, nát cả chân, Trung chẳng rơi giọt nước mắt nào, thế nhưng, nhìn thấy bàn chân quắt lại, ám màu bồ hóng, Trung khóc rống lên. Bàn chân ấy giúp Trung leo hết ngọn núi này đến ngọn núi khác, giờ nó lủng liểng trên gác bếp khiến Trung rầu lòng.

van hoa
Bàn chân sấy khô của Thào Mìn Hoa

Vài tháng sau, y tá ở xã tăng cường về bản tiêm chủng cho trẻ em. Cán bộ y tế vào nhà Trung và Trung đã khoe bàn chân ấy. Đồng chí cán bộ này thất kinh khi thấy miếng thịt đen óng đúng là bàn chân người. Đồng chí này đã báo cáo trạm y tế và mấy cán bộ y tế đã vào tận Hoàng Lỳ Pả yêu cầu Trung đem cái chân đi chôn, kẻo gây ô nhiễm, sợ hãi cho người còn sống.

Thấy cán bộ khuyên đúng, Hầu Mí Trung đã đem bàn chân của mình chôn cạnh khu nghĩa địa tổ tiên nằm.

Biết chuyện con trai đem chân đi chôn, bố mẹ Hầu Mí Trung tức tốc đến nhà mắng té tát. Ông bà bắt con trai phải đào chân về. Ông bà bảo rằng, sinh con ra lành lặn, có cả 2 chân, nên khi chết đi, cũng phải có 2 chân mới về được thế giới bên kia, tổ tiên mới nhận mặt.

Bố mẹ mắng quá, Trung đành phải ra khu mả đào tìm chân. Bàn chân đã khô quắt, cứng như gỗ, nên chôn mấy ngày mà vẫn y nguyên.

Hầu Mí Trung đem sấy mấy ngày cho chân khô lại. Hiện tại, Trung xỏ bàn chân vào sợi dây rồi treo lủng lẳng trên tường. Thi thoảng mới treo lên gác bếp cho khói ám để giữ chân được lâu. Ai đến nhà, Trung cũng khoe cái bàn chân ấy. Với Trung, bàn chân khô quắt ấy giờ thành món… trang sức!

Theo VTC

Các tin cũ hơn