Từ thợ sửa đồng hồ thành tỉ phú sau nháy mắt
Ông tên là Nguyễn Lộc (SN 1956, từng sống ở khu phố 1, phường Phú Lợi, TP.Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương) vốn là thợ sửa đồng hồ trên vỉa hè một con đường ở thị xã Thủ Dầu Một.
Rời quê lên thành phố làm việc từ những năm 1980, ông hằng ngày vẫn cặm cụi sửa đồng hồ để kiếm từng đồng bạc lẻ nuôi thân. Thời gian sau, ông yêu rồi về chung sống như vợ chồng với một người con gái có nhà gần đó.
Tuy không có đám cưới rình rang, nhưng họ cũng có hai mặt con để lấy đó làm động lực duy trì hạnh phúc. Cặm cụi với từng chi tiết nhỏ trong những chiếc đồng hồ hỏng, tiền công ít ỏi nên chẳng ai có thể ngờ rằng, một ngày nào đó ông trở thành một tỉ phú nổi tiếng nhất nhì đất Thủ Dầu Một.
Cụ Ba đang ngồi kể lại câu chuyện người con rể của mình trúng số. Ảnh: Trường Sơn |
Một buổi chiều của năm 2000, sau một ngày lao động vất vả, ông thấy có một cụ bà đi ngang qua chỗ mình làm, tay run run với lốc vé số ế. Thấy vậy, ông thương tình rồi kêu ngược lại, móc sạch những đồng bạc lẻ trong túi, ông mua 6 vé có hàng số cuối cùng là 56, trùng với năm sinh của ông.
Cũng chẳng hy vọng gì, ông tiếp tục cắm đầu vào những chiếc đồng hồ mà khách mang đến để làm cho kịp hẹn. Mặt trời khuất dạng, ông lục đục đẩy chiếc xe về lại gốc me gần nhà vợ để nghỉ ngơi. Chiếc xe vừa yên vị, bất ngờ ông nghe tiếng ai đó gọi mình thật to phía ngoài đường. Nghe tiếng ai lạ lạ, ông chạy ra thì cụ bà bán vé số lúc chiều đang đứng trước mặt, giọng run run: “Chú ơi, chú trúng độc đắc rồi!”.
Bán tín bán nghi, ông lấy vội 6 tờ vé số ra để tra với kết quả mà bà cụ đưa cho. Lóa mắt, tim đập thình thịch, tay chân bủn rủn vì vui sướng, ông biết rằng mình đã trúng giải độc đắc với số tiền khổng lồ. Thấy bà cụ đứng tần ngần nhìn người khách may mắn, ông không biết mình phải làm gì nên hẹn bà ngày mai quay lại, ông sẽ thưởng hậu.
Toàn bộ sự việc diễn ra trong chốc lát, ông cũng kịp trấn tĩnh khi vận mạng bất ngờ thay đổi. Sau lần ấy, có người nói rằng ông liên tiếp trúng thêm nhiều lần độc đắc nữa, tổng cộng ông đã trúng giải của 3 công ty xổ số với 55 tờ, tổng giá trị lên đến hơn 7 tỉ đồng, quy đổi ra giá vàng lúc đó là 1.300 lượng.
Có trong tay số tiền quá lớn, ông thay đổi hẳn. Từ một người chồng hiền lành, thương yêu vợ con hết mực ngày nào, ông đã trở thành một tay chơi nổi tiếng đất Thủ. Thấy người ta có xe hơi, ông cũng mua cho bằng được rồi thuê tài xế riêng để chở đi chơi. Thấy bạn bè khích bác “có tiền trên trời rơi xuống, nên biết hưởng thụ một tí”, ông lại đi uống bia ôm suốt ngày.
Trong những cuộc ăn chơi thâu đêm suốt sáng đó, ông tiêu đi một số tiền rất lớn. Có một giai thoại mà bây giờ giới ăn chơi đất Thủ còn nhớ mãi về ông: Trong một đêm cùng bạn bè chiến hữu đi ăn chơi ở Sài Gòn, ông gặp một cô gái miền Tây rất xinh đẹp. Không biết ai xui khiến thế nào, ông ngồi nói chuyện một hồi thì móc túi cho cả nạm tiền và vàng. Thấy vị khách sộp hết cỡ này, cô gái cứ lẽo đẽo theo sau...
Ăn chơi là thế, tiêu tiền “không số” là thế, nhưng chuyện vợ con gia đình thì ông bỏ ngoài tai, xa tầm mắt. Số là, ông có một người con gái bị tật nguyền, nhưng ông lại không mang đi chữa trị dù rằng tiền lúc đó ông không thiếu. Người vợ nói ông ăn tiêu cho lắm vào rồi cũng hết, ông bèn cho một ít tiền về quê Đồng Xoài để cất lên cái nhà ọp ẹp.
Mẹ vợ của ông - bà Lê Thị Ba, năm nay đã 80 tuổi còn nhớ lại: “Ngày trước, nó trúng số tới mấy lần nhưng nghe đâu nó mang tiền ra tiệm vàng nhờ giữ hộ chứ không để trong nhà. Có tiền sẵn, nó cứ lần nào đi ăn chơi thì ra tiệm vàng mà lấy, xong rồi đi suốt cả mấy ngày mới về. Như tôi là mẹ vợ của nó mà nó chỉ cho tôi khoảng 1 triệu bạc, mà phải 2 lần mới được chừng đó à nghen…”.
Ngày ông còn sống, tính ông rất ngang tàng, đặc biệt là sau khi trúng số khủng. Chỗ ông sửa đồng hồ hay có mấy bà bán vé số qua lại rồi mời ông mua, sẵn tiền ông mua hết. Có một ngày, ông mua sạch vé số của bất kỳ ai mời vì ông tin rằng mình sẽ tiếp tục trúng độc đắc vài lần nữa.
Gốc me ngày trước ông Lộc vẫn hay ngồi sửa đồng hồ lúc còn hàn vi. Ảnh: Trường Sơn |
Kết cục bi thảm của tỉ phú và lời nguyền con số 56
Ông bà có câu “ngồi không ăn núi vàng cũng lở”, câu đó ứng vào đúng hoàn cảnh của ông. Với khối tài sản ấy, ông có thể tiêu pha cả đời một cách dư dả hoặc làm giàu nhanh chóng nếu biến nó thành vốn kinh doanh.
Nhưng cái sự lạ ở đời, hiếm có doanh nhân nào lại làm giàu lên từ tiền trúng số, hoặc cũng rất ít người trúng số mà làm ăn phát đạt để trở nên thành đạt. Ông cũng không thoát khỏi cái quy luật oái ăm đấy, qua 3 năm thôi, ông đã trở thành một kẻ trắng tay và mang tiếng là kẻ đi lừa gạt bạn bè.
Số là, trong những cuộc đi chơi, đốt tiền trong các nhà hàng, quán bar ở Sài Gòn, ông có quen mấy người bạn có máu mặt. Con gà tức nhau tiếng gáy, khi mấy vị đại gia kia thách ông “có ngon thì mày bao hết quán bar này trong đêm nay đi” thì ngay lập tức, ông cho tiếp viên mở hết tất cả những loại rượu đắt tiền nhất, dẫn những cô gái đẹp nhất đến để phục vụ cho… tất cả những ai có mặt trong bar, chi phí ông lo tất.
Đêm ấy, ông tiêu hết gần 300 triệu đồng vì lời thách của bạn. Sau “chiến tích” ăn chơi lừng lẫy đó, ông như thay đổi hẳn bản tính, cáu gắt hơn, xem thường đồng tiền hơn và đặc biệt là mua vé số càng nhiều hơn. Ngoài mấy chiêu ăn chơi “không đụng hàng” kia, ông lại sang Campuchia để đánh bài. Không biết mang theo súng làm gì, ông bị công an phát hiện, khiến ông phải chạy vạy khắp nơi để thoát tội.
Rồi đến lúc núi vàng cũng lở, ông bắt đầu nợ nần, túng thiếu liên miên. Những cuộc chơi, những trò ngông của kẻ có tiền đã cuốn mất đi số tiền kếch xù đó chỉ trong 3 năm. Quay lại cuộc sống nghèo hèn của anh thợ sửa đồng hồ, đối mặt với cơm áo gạo tiền hằng ngày, cầm trên tay những đồng bạc lẻ…, ông như một người điên dại.
Vợ ông cám cảnh ông chồng sáng xỉn chiều say đã đưa 2 con về Đồng Xoài sinh sống. Bạn bè ông có trong thời giàu có cũng đã ra đi khi biết ông không còn tiền bạc, những khoản nợ nhỏ ngày nào, họ tìm đến ông để đòi thanh toán. Trong một lần tranh cãi với một người bạn, ông nổi cơn điên nên lấy dao đâm người này bị thương.
Sợ bị pháp luật trừng trị, ông bỏ trốn đi khắp nơi, sống chui nhủi không dám về nhà. Bẵng đi một thời gian, người thân được báo tin ông đã bị tử vong trong một tai nạn giao thông ở tỉnh láng giềng Bình Phước. Nhận xác ông về chôn cất, không ai tin rằng quãng thời gian rượu chè trác táng đã khiến thân thể ông gầy mòn đến thế.
Như muốn cho con cái quên đi quá khứ không có gì tốt đẹp của người cha, vợ ông sau khi chôn cất chồng, đợi đến kỳ mãn tang đã cho bỏ hết những tấm ảnh có mặt ông. Hình bóng ông rơi vào quên lãng, chỉ có cái tiếng của một người may mắn trúng số nhưng không biết sử dụng đồng tiền đã bị vong mạng trong nghèo khó là còn mãi với người dân ở thành phố Thủ Dầu Một.
Căn nhà nơi ông Lộc từng ở với vợ con tại TP.Thủ Dầu Một. Ảnh: Trường Sơn |
Một người có nhà gần nơi gốc me mà ông sửa đồng hồ ngày xưa kể: “Ổng mất rồi, không ai trách ổng nữa. Chỉ trách rằng, sau khi ổng mất đi có rất nhiều người đã bí mật lẻn đến bên gốc me cổ thụ này để cầu cơ, xin số đánh đề. Con số 56 ngày xưa ổng trúng độc đắc lần đầu được người ta đặt tên là “số Lộc” vì gắn liền với tên tuổi của ông Lộc sửa đồng hồ trúng số bạc tỉ”.
Phóng viên mang chuyện này đi hỏi bà cụ Ba, bà vừa nói vừa lắc đầu: “Qua không biết chuyện đó, chuyện người ta mê số nào là chuyện của họ. Chỉ mong cho thằng Lộc sớm siêu thoát, phù hộ con cái an lành. Đánh số đánh đề có ai giàu hơn nó đâu, trúng nhiều như thằng rể qua mà có còn đâu. Làm ăn chân chính sẽ kiếm được tiền, quý trọng đồng tiền thì nó sẽ ở mãi với mình, phụ nó thì nó sẽ quay lại hại mình”.
Theo Laodong