TS Nguyễn Duy Ánh, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, khi trả lời PV về diễn biến vụ việc 1 điều dưỡng viên làm rơi trẻ sơ sinh khi đón các cháu đi tắm, bày tỏ: Bên cạnh những báo, đài đưa tin chính xác, khách quan về sự việc, có một số báo, trang tin điện tử đưa tin sai lệch, thiếu chính xác.
Ông Ánh cho biết: "Sự cố xảy ra là điều không ai mong muốn. Ban Giám đốc chúng tôi, sau khi biết tin, lập tức chỉ đạo xử lý tích cực. Bác sĩ Vũ Hoàng Yến- Phó khoa A3 đã tới ngay bệnh viện, cùng mọi người đưa các cháu bé sang ngay Bệnh viện Nhi Trung ương.
Tại BV Nhi Trung ương, các cháu được khám lâm sàng tổng thể, xét nghiệm máu, chẩn đoán hình ảnh (siêu âm não qua thóp, chụp CT scanner sọ não, chụp X-quang toàn thể); theo chỉ định của các bác sĩ, chuyên gia BV Nhi Trung ương. Rất may là các cháu không bị ảnh hưởng gì, đến nay các bác sĩ BV Nhi đã kết luận như vậy.
Chúng tôi đã thăm hỏi gia đình 5 cháu bé, tổ chức tiếp xúc, đối thoại với gia đình các cháu bé, làm cam kết về việc khám và theo dõi cho các cháu..."
Vài ngày sau đó thì các bác sĩ BV Nhi Trung ương đã sang Bệnh viện Phụ sản, tái khám, hội chẩn, kết luận là các cháu không sao. Giờ đây trừ bé Hà My chờ được khám lại, còn 4 cháu bé kia đã có thể ra viện. Tuy nhiên, các gia đình vẫn để 4 bà mẹ và con nằm lại bệnh viện, vì cho rằng bản cam kết mà bệnh viện đưa ra chưa đáp ứng đúng những đòi hỏi từ phía gia đình các cháu.
Ông Nguyễn Duy Ánh cho biết: "Chúng tôi đã đáp ứng tất cả những yêu cầu hợp lý, chính đáng từ phía các gia đình. Tuy nhiên, với những yêu cầu quá đáng, thì chúng tôi không thể xử lý được. Thứ nhất là yêu cầu bệnh viện chúng tôi bố trí cho cháu bé đi khám bệnh ở nước ngoài (?), chúng tôi cho đây là đòi hỏi phi lý.
Thứ hai, là yêu cầu bệnh viện khám, chữa bệnh, chịu mọi phí tổn cho đến khi các cháu đủ tuổi vị thành niên. Trong khi, chúng tôi đã cam kết hỗ trợ thăm khám tại bệnh viện cho 5 cháu ở những thời điểm 1 tháng, 3 tháng, 6 tháng, 1 năm và bất kỳ lúc nào trong tháng đầu tiên nếu các cháu có dấu hiệu đặc biệt, và Bệnh viện đồng ý thăm khám sức khoẻ định kỳ cho 5 cháu trong 5 năm đầu đời...
Theo chúng tôi, như vậy là thoả đáng. Ví dụ khi lớn lên, các cháu đi chơi, đi học, bao nhiêu tác động ngoại cảnh, các cháu có thể sơ sểnh bị ngã, gây nguy hiểm... thì đâu có liên quan gì đến việc các cháu bị ngã lần này? Còn nếu có bất kỳ diễn biến không tốt nào liên quan đến việc bị ngã lần này của các cháu, chúng tôi cam kết sẽ có trách nhiệm.
Một yêu cầu nữa từ phía các gia đình là phải thêm vào biên bản rằng điều dưỡng viên Vân Anh có hành vi vô trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Đây là một tai nạn rủi ro. Cái xe đẩy chở các cháu cao 1 mét, nhưng có thành chắn. Điều dưỡng bị trượt chân, theo phản xạ, níu vào xe khiến xe nghiêng đi và các cháu bị rơi ra ngoài. Có báo viết không rõ khiến người đọc hiểu không đúng rằng các cháu bị rơi từ độ cao 1 mét xuống nền gạch.
Theo tường trình của điều dưỡng Vân Anh, điều dưỡng cũng đã cố đỡ các cháu nhưng chỉ đỡ được 1 cháu. Điều dưỡng trưởng ca chạy sang, chị bảo cô Vân Anh phải đi gọi bác sĩ sơ sinh... Đó là lý do không thấy mặt cô ấy ngay sau sự cố mà một số báo chí sau này đã nêu.
Chúng tôi đã tạm đình chỉ công tác điều dưỡng Vân Anh, và sẽ làm rõ xem sai phạm đến đâu, xử lý thế nào tại hội đồng kỷ luật của bệnh viện".
Loại xe đẩy chở các bé sơ sinh trong sự cố |
Về thông tin rằng thái độ của điều dưỡng Vân Anh và gia đình gây bức xúc, khi chỉ đến thăm hỏi 1 trong 5 cháu bé, bác sĩ Vũ Hoàng Yến, Phó Khoa A3 giải thích: "Thông tin này báo cũng nói chưa chính xác. Sau khi vụ việc xảy ra, Vân Anh rất buồn và suy sụp. Đây là một điều dưỡng trẻ, mới ra trường. Bố của cô, một cựu chiến binh, đã thay mặt gia đình mình, đến xin lỗi gia đình các cháu bé.
Khi ông vừa mang gói quà đầu tiên, tới thăm hỏi cháu bé Hà My trước vì lý do lúc đó cháu ngã nặng nhất, thì một người phụ nữ xuất hiện, xưng là người nhà một cháu bé, lớn tiếng nói những lời bức xúc và có phần quá khích nên các bác sĩ yêu cầu ông ra khỏi khu vực đó luôn, không tiếp tục đến trực tiếp các gia đình còn lại".
Sở Y tế đã đề nghị Bệnh viện Phụ sản Hà Nội nghiêm túc kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của cá nhân và những người liên quan, xử lý và báo cáo Sở. Bệnh viện cần phối hợp với các gia đình để theo dõi và chăm sóc sức khỏe các cháu.
Sở cũng yêu cầu bệnh viện rà soát lại quy trình chuyên môn, quy chế bệnh viện, thay đổi, bổ sung trang thiết bị, xe đẩy, chỉnh sửa hệ thống đường hành lang, đường nội bộ bệnh viện tạo điều kiện chăm sóc, phục vụ bà mẹ, trẻ em tốt nhất. Sở Y tế Hà Nội đồng thời yêu cầu bệnh viện tăng cường tập huấn kỹ năng chăm sóc người bệnh và chấn chỉnh phong cách giao tiếp ứng xử của cán bộ nhân viên.
Trước đó, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội đã yêu cầu khoa A3 - nơi xảy ra sự cố - và điều dưỡng Vân Anh viết bản tường trình, tổ chức kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của cá nhân và tập thể liên quan; rà soát lại quy trình chăm sóc trẻ. Các khoa lâm sàng khác cũng cần rà soát lại toàn bộ quy trình chuyên môn.
Sự cố tại BV Phụ sản Hà Nội xảy ra vào khoảng 9h sáng ngày 14/7, một nữ điều dưỡng làm nhiệm vụ đón các bé từ phòng hậu sản đi tắm. Khi đón các cháu ở hai phòng 30, 32, trong lúc đẩy xe qua đoạn dốc trước cửa phòng 32, điều dưỡng trượt chân làm nghiêng đổ xe, khiến 5 bé nằm trên xe bị ngã. Sau khi làm một loạt các kiểm tra, Bệnh viện Nhi Trung ương khẳng định không có tổn thương trên cơ thể các bé.
Sự cố y tế là điều có thể xảy ra bất cứ ở đâu, khi nào. Vấn đề là ngành y, các bệnh viện cần xem xét kỹ sự việc, tìm hiểu nguy cơ xảy ra, cách xử lý sự cố, rút kinh nghiệm từ sự cố để giảm thiểu khả năng xảy ra những điều tương tự.
Theo VOV