Nhà báo Mỹ khóc khi nói về quốc tang Đại tướng

Thứ tư, 16/10/2013, 16:40
Gần 20 năm trước, Catherine Karnow được theo Đại tướng Võ Nguyên Giáp lên Điện Biên chụp ảnh những cựu chiến binh tưng bừng đón ông. Nay, cô bay nửa vòng trái đất đến Hà Nội, chứng kiến hàng triệu người nghẹn ngào tiễn biệt "anh Văn".

Bất ngờ nhận tin Tướng Giáp từ trần khi đang chuẩn bị làm lễ tưởng nhớ người cha quá cố, Catherine Karnow không khỏi hụt hẫng, dù biết ngày này rồi cũng sẽ tới. Không chần chừ, nhà báo ảnh của National Geographic tức tốc mua vé máy bay đến Việt Nam vào phút chót.

nha bao

Catherine Karnow trân trọng nâng bức ảnh cô chụp Tướng Giáp năm 1990. Bức ảnh này được nhiều người dân Hà Nội và Quảng Bình in và cầm theo khi đi viếng ông. Ảnh: Trọng Giáp.

"Đây là lúc gây cho tôi nhiều nỗi xúc động, khi tất cả dồn vào cùng một thời điểm. Lịch sử mối thân tình giữa tôi và gia đình Tướng Giáp bắt đầu từ cha tôi. Tôi cảm thấy như người trong cuộc khi trải qua cảm giác mất mát của gia đình ông và đất nước, không chỉ vì tình bạn của tôi với họ, mà còn vì tôi cũng vừa mất đi cha mình. Và vì tôi ước cha tôi nghe được chuyện này, ước được chia sẻ cùng cha", cô nói, nước mắt chảy lã chã xuống cằm.

Katherine Karnow, nhà báo ảnh của National Geographic, từng là người nước ngoài duy nhất được chụp ảnh Đại tướng lên Điện Biên năm 1994, nhờ sự giới thiệu của cha cô, Stanley Karnow.

Ông Karnow là nhà báo Mỹ viết cuốn sách được xem là tác phẩm toàn diện nhất về chiến tranh Việt Nam, mang tên "Vietnam: A History" (Tạm dịch: Việt Nam: Một lịch sử). Tác phẩm của ông được chuyển thể thành phim tài liệu, và ông từng giành giải Pulitzer. Ông qua đời hồi tháng 1.2013 ở tuổi 87.

Trên chuyến bay về Hà Nội, Catherine thầm nhủ sẽ phải chụp ảnh lễ tang của Đại tướng, không phải để đưa tin, mà vì tâm niệm thôi thúc. Cô muốn được chia sẻ sự mất mát với tư cách một người bạn của gia đình Đại tướng.

Khi chứng kiến đám đông khổng lồ chờ viếng Đại tướng trước nhà tang lễ, cô thốt lên: "Không thể tìm được từ nào để miêu tả. Tôi quá bất ngờ khi thấy hàng nghìn, hàng nghìn người xếp hàng xa ngút tầm mắt".

nha bao

Một bức ảnh đẹp về Tướng Giáp do Catherine Karnow chụp trong căn nhà số 30 Hoàng Diệu, Hà Nội. Cô đã rất vất vả để tìm được vị trí chụp ảnh chân dung ưng ý, nhưng cuối cùng cũng tìm thấy một nguồn sáng từ cửa sổ chiếu xuống cầu thang. Dựa trên cách ví von của người Pháp, so sánh ông với "ngọn núi lửa phủ tuyết", Catherine chọn vị trí ánh sáng chiếu vào mái đầu bạc và đôi mắt vị tướng. Ảnh: Catherine Karnow.

Từ sáng sớm đến đêm 12/10, một lượng người kỷ lục trong nhiều thập kỷ xếp hàng dọc các con phố Trần Thánh Tông, Pasteur, Hàn Thuyên, Phạm Đình Hổ, Hàng Chuối, Lê Quý Đôn... chờ viếng đám tang "vị tướng vĩ đại của lịch sử Việt Nam". Họ đến từ khắp các địa phương ở miền Bắc, không phân biệt già, trẻ, gái, trai, tầng lớp.

"Điều đó cho thấy người Việt yêu đất nước của mình đến mức nào, tự hào vì quê hương của mình đến đâu. Điều đó củng cố tinh thần: 'Đây là đất nước của chúng ta. Chúng ta giành độc lập từ tất cả các nước Trung Quốc, Pháp, Mỹ, với một lịch sử chống ngoại xâm lâu dài'. Sự ra đi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp làm sống dậy tất cả những cảm xúc đó trong lòng mọi người", Catherine chia sẻ. Đoạn, cô xin lỗi vì không kiềm chế được cảm xúc.

Đến Việt Nam nhiều lần trong suốt hơn hai chục năm, nữ nhiếp ảnh gia cảm thấy vài năm gần đây, có những thái độ khác nhau trong tầng lớp thanh niên Việt. Cô tin rằng có khoảng 60 triệu người sinh ra sau chiến tranh, với những mối quan tâm khác như cơm áo gạo tiền, gia đình, sự nghiệp.Trong khi đó, 30 triệu người còn lại sinh ra trước chiến tranh là một nhóm người khác. Bởi vậy, cô hạnh phúc khi thấy trong sự kiện Tướng Giáp mất, tất cả mọi người đoàn kết lại.

"Đất nước bạn cần điều này. Thế hệ trẻ cần phải cảm thấy một phần của lịch sử chứ không chỉ những khoảnh khắc hiện tại. Những bộ phim tài liệu, những câu chuyện bất tận về Đại tướng, về Điện Biên Phủ chưa đủ. Đây là lúc những người trẻ trải nghiệm để hiểu chính lịch sử của họ", cô nói.

Theo đoàn gia quyến Đại tướng về Quảng Bình, Catherine gặp không ít khó khăn khi tác nghiệp, bởi cô không ngờ dòng người đổ ra đường đón ông về quê đông đến vậy, và cũng không hiểu các thủ tục tang lễ Việt Nam. Nhưng điều bất ngờ nhất đối với cô có lẽ là khi trông thấy vô số người cầm những bức chân dung Tướng Giáp do chính cô từng chụp.

"Catherine! Chị có thấy rất rất nhiều người cầm bức ảnh chị chụp không?", một thành viên gia đình Tướng Giáp hỏi.

nha bao

Đoàn tiêu binh đưa linh cữu Đại tướng về nơi an nghỉ cuối cùng ở Quảng Bình. Ảnh: Catherine Karnow.

"Quả vậy, thật không tưởng đối với tôi, nhất là khi đây là vùng nông thôn", Catherine nói với vẻ tự hào. Tuy nhiên, cô cũng khiêm tốn cho rằng có hàng trăm bức ảnh đẹp về Tướng Giáp, có thể chỉ đơn giản vì bức của cô là tấm duy nhất người dân tiếp cận được.

Sau một tuần trải qua nhiều cung bậc cảm xúc, con gái nhà báo Stanley Karnow hôm nay lên máy bay trở về Mỹ, với hành lý là 16 chiếc thẻ nhớ, chứa tổng cộng khoảng 5.000 bức ảnh.

Nữ nhiếp ảnh gia dự định in một số bức gửi gia đình Đại Tướng, và đưa chúng vào cuốn sách ảnh về Việt Nam mà cô ấp ủ từ rất lâu. Cô kể lại rằng vào ngày 29.1, từ thành phố Hồ Chí Minh, cô gọi điện thoại về Mỹ để hỏi thăm cha, nói rằng cô muốn ông viết lời giới thiệu cho cuốn sách ảnh của mình.

"Cha sẽ làm tất cả những gì con muốn", Stanley Karnow nói. Ông qua đời trong giấc ngủ vài giờ sau đó.

"Tôi ước chúng tôi đã hoàn thành lời giới thiệu cho cuốn sách", giọng Catherine chùng xuống lẫn vào tiếng nhạc đang văng vẳng trong quán cafe bên Nhà hát Lớn. Hà Nội đang trải qua những ngày cuối thu, lá vàng rợp bay trong gió.

Theo VNE

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích