Sáng tỏ cuộc tìm mộ của Bích Hằng ở Phú Quốc

Thứ năm, 31/10/2013, 08:28
Cuộc khai quật diễn ra, ai cũng rơi nước mắt khi chứng kiến những táng đá khổng lồ đè lên những bộ xương đã mủn.

Trong những ngày này, các trang mạng diễn ra cuộc tranh cãi kịch liệt chuyện Phan Thị Bích Hằng có hay không tham gia vụ tìm mộ 4.000 tù binh Phú Quốc bị giặc sát hại, vùi xuống các hố chôn tập thể.

Thậm chí, một vị cán bộ tỉnh Kiên Giang còn tuyên bố không biết đến sự có mặt của nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng. Sự thật thế nào?

Năm 2012, Báo điện tử VTC News đã có loạt phóng sự dài kỳ “Những chuyện không tưởng tượng nổi ở địa ngục trần gian”, nói về cuộc khai quật cả ngàn hài cốt tù binh Phú Quốc, mà qua cuộc khai quật đó, đã dựng lại câu chuyện tàn khốc ở nhà lao Cây Dừa (Nhà lao Phú Quốc). Bọn cai ngục đã sử dụng mọi ngón đòn tàn bạo để giết hại các tù binh chính trị.

Nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng trong chuyến tìm mộ ở Phú Quốc.


Trong loạt bài, VTC News đã có phản ánh công lao của nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng và nhà ngoại cảm Năm Nghĩa, còn gọi là cô Năm Khùng. Hai nhà ngoại cảm này đã có đóng góp trong việc tìm kiếm, quy tập các liệt sỹ trong hố chôn tập thể.

Sự việc tìm mộ của hai nhà ngoại cảm khá ly kỳ. Việc họ góp phần phát hiện địa điểm có các hầm mộ là sự thật. Chỉ có điều, việc định tên các liệt sỹ thì chưa có cơ sở khoa học để khẳng định.

Cho đến khi kết thúc cuộc tìm kiếm hài cốt lớn nhất lịch sử diễn ra tại đảo Phú Quốc, thì đã có 1.067 hài cốt của các chiến sĩ được quy tập từ những mồ chôn tập thể.

Chẳng ai có thể cầm được nước mắt, khi những hầm sâu 7-8 mét, là tầng tầng lớp lớp những bộ hài cốt, mà trên xương sọ, xương sống, xương ống chân vẫn còn chi chít những chiếc đinh 10.

Nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng cũng đã khóc khi nhìn vào những bộ hài cốt và đọc tên các liệt sỹ, dù rằng, chưa biết tên liệt sỹ với các bộ hài cốt có trùng khớp hay không. Nhưng phải khẳng định rằng, những cuộc tìm mộ đau đớn như thế không phải vì vụ lợi. Đó là tấm lòng thực sự của nhà ngoại cảm này.

Đọc tên các liệt sỹ
Vừa châm thuốc cho liệt sỹ vừa khóc.


Câu chuyện bắt đầu từ hôm đất nước mừng độc lập (30/4/2008), tại Nghĩa trang liệt sỹ huyện đảo Phú Quốc, các cựu tù binh tụ tập về đây thắp nén nhang tưởng nhớ đồng đội.

Các cựu tù ôn lại kỷ niệm, nhớ đến những cảnh tượng hành hình, như đốt phần kín, nhốt chuồng cọp, đục bánh chè, đóng đinh vào sọ… Điểm lại, thì có tới 4.000 cựu tù còn thất lạc, chưa tìm được xương cốt. Các đồng chí còn nằm đâu đó dưới lòng đất huyện đảo mênh mông cát trắng, ngằn ngặt núi đồi.

Một số cựu tù đã thể hiện quyết tâm bằng cách cố gắng hình dung lại sơ đồ nhà ngục, những địa điểm chôn xác tập thể. Thậm chí, các cựu tù đã mang thuốn đi chọc. Nhưng đất cằn sỏi đá, núi non mênh mông, đâu phải ruộng mềm mà làm thế được.

Về lại Hà Nội, ngay lập tức đồng chí Nguyễn Trọng Dư, một cựu tù Phú Quốc, là Phó Giám đốc Bảo tàng chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày ở Phú Xuyên (Hà Nội), đã tìm gặp nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng.

Khi đó, Phan Thị Bích Hằng đã ít tham gia tìm mộ, mà tập trung vào học tập và giảng dạy. Tuy nhiên, nghĩ đến xương máu của 4.000 cựu tù đã ngã xuống, để đất nước có ngày hôm nay, chị đã nhận lời.

Các hố chôn tập thể tù binh Phú Quốc được khai quật

Sau vài tháng nghiên cứu kỹ tư liệu, đến tháng 10/2008, Bích Hằng đã lên đường vào Phú Quốc. Hôm đó, tại Nghĩa trang liệt sỹ Phú Quốc, đã diễn ra buổi cầu siêu long trọng, do Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức.

Phan Thị Bích Hằng đến tượng đài Nắm Đấm. Đến nơi, có lẽ do cảm nhận được thông tin, nên chị đã đi lên cánh rừng rậm rạp phía trước. Chị tiến đến khu vực có cánh cổng sắt hoen rỉ. Đó là kho vũ khí của Hải quân, nên cấm vào.

Mọi người liên lạc, thì Đại tá Ngô Văn Phát, Bí thư Chính ủy vùng 5, cùng chiến sỹ trẻ có mặt mở cửa cho Bích Hằng vào.

Đến một mỏm đất, Bích Hằng dừng lại, tập trung tinh thần cảm nhận thông tin. Chị đã khẳng định khu vực này có 4 hầm mộ tập thể, mà mỗi hầm sâu từ 6-10m. Hài cốt trong các hầm mộ tầng tầng, lớp lớp.

Dựa vào trí nhớ các cựu chiến binh, cộng với sự tham gia chỉ dẫn của Bích Hằng, cùng một số nhà ngoại cảm khác nữa, mà tiêu biểu là cô Năm Nghĩa, nên các cuộc khai quật được tiến hành ở khu vực này. Hiện trạng các hố khai quật, đặc điểm xương cốt, trí nhớ cựu tù, các hầm mộ lần lượt được sáng tỏ.

Nhà ngoại cảm Năm Nghĩa đang cùng các cán bộ K92 bới đất gom từng mẩu xương

Hầm mộ thứ nhất chính là hầm anh em cựu tù tự đào để… chôn mình. Ngày đó, cứ sáng sớm, bọn cai ngục lại bịt mắt anh em cựu tù, dồn vào trong rừng bắt đào hố. Anh em thừa biết chúng đào hố chôn các chiến sỹ tù đày, nhưng buộc phải thực hiện, vì nếu không làm, chúng cũng bắn chết. Đào đến chiều thì chúng lại bịt mắt dẫn giải về nhà giam.

Sau khi các tù binh đào xong các hố, mà mỗi hố sâu từ 6-10 mét, như hố bom tấn, thì chúng lùa các tù binh đến miệng hố, nã đạn xối xả. Tất cả các chiến sỹ đều bỏ mạng. Chúng đẩy xác các cựu tù xuống hố, đổ cả thùng chất độc hóa học lên các xác chết, để phân hủy nhanh, rồi lấp đất lại. Khai quật hố này, tìm được mấy chục bộ hài cốt.

Hầm mộ thứ 2 nằm dưới một ụ đất cao. Là hầm mộ chôn những cựu tù bị chúng đầu độc chết. Trong hầm mộ ấy, phần đông là các tù nhân bị bắt ở Quảng Trị đưa vào.

Mục đích muốn thủ tiêu những tù nhân này, nên chúng bỏ đói anh em. Sau cả tuần không ăn, thì chúng chuẩn bị một bữa thịnh soạn. Anh em đói quá nên ăn rất nhiều. Tuy nhiên, ăn xong thì tất cả cùng ôm bụng kêu la, máu me ộc ra đằng miệng, mũi.

Cô Năm Nghĩa tự tay gói ghém các hài cốt liệt sỹ cựu tù Phú Quốc

Đêm xuống, chúng khênh xác các cựu tù lên xe, chở vào rừng, đẩy xuống hố. Một số cựu tù tỉnh dậy, lồm cồm bò lên, thì chúng dùng xẻng bổ vỡ sọ, hoặc bắn chết. Bọn chúng còn tàn độc đến mức dùng xe ủi đẩy những tảng đá nặng cả tấn đè lên xác tù nhân, rồi mới lấp đất lại.

Cuộc khai quật diễn ra, ai cũng rơi nước mắt khi chứng kiến những táng đá khổng lồ đè lên những bộ xương đã mủn. Nhà ngoại cảm Năm Nghĩa vừa khóc vừa nhặt từng mẩu xương. Bà đã theo sát các cuộc khai quật và trực tiếp nhặt trừng bộ hài cốt, bó vào lá cờ Tổ quốc.

Hai hầm mộ số 3 và số 4 theo sự đánh dấu, khi khai quật, đúng như lời kể của các cựu tù. Hai hầm mộ này, bọn cai ngục chôn lẻ lẻ làm nhiều đợt. Cứ mỗi đợt chúng lại giết vài chục tù nhân và quăng xác xuống hầm mộ này. Quăng xác xuống, chúng lại lấp một lớp đất để phi tang. Khai quật hai hầm mộ này, cứ hết một lớp đất lại đến một lớp xương.

Hai hầm mộ này tố cáo tội ác kinh thiên động địa của bọn cai ngục Phú Quốc. Hài cốt vỡ sọ, hài cốt chi chít đinh, hài cốt không còn xương bánh chè… Hai hầm mộ này hầu hết là các cựu tù bị tra tấn tàn khốc cho đến chết.

Theo VTCNews

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích