80% sinh viên nói dối cũng chẳng có gì đáng lo?

Thứ bảy, 02/11/2013, 09:32
22% học sinh tiểu học nói dối cha mẹ, tỷ lệ này ở cấp 2 là 50%, cấp 3 là 64% và sinh viên là 80%. 

Đó là con số thống kê đáng chú ý tại hội thảo "Thực trạng văn hóa học đường và nhu cầu giáo dục kỹ năng sống cho học sinh trung học". Theo PGS.TS Nguyễn Hồi Loan, Đại học Khoa học - Xã hội & Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, trong một xã hội mà đến cả quan chức cũng nói dối thì đừng vội trách riêng con trẻ.

Nói dối là hoàn toàn bình thường

Tại hội thảo "Thực trạng văn hóa học đường và nhu cầu giáo dục kỹ năng sống cho học sinh trung học", GS.TSKH Trần Ngọc Thêm, Giám đốc Trung tâm Văn hóa học lý luận và ứng dụng, Đại học Quốc gia TPHCM nêu kết quả khảo sát xã hội học cho thấy: Học càng cao thì tỷ lệ nói dối càng tăng. Tôi muốn nghe quan điểm của ông dưới góc độ là một nhà tâm lý?

Kết quả ấy tôi cho là chuyện hoàn toàn bình thường, vì theo quan điểm của tôi, nói dối có thể có hại cho người khác và xã hội nhưng cũng có thể chẳng có hại gì. Thậm chí, ở một số tình huống thì nói dối lại trở thành hành vi đáng yêu trong giao tiếp xã hội (ví dụ như những lời khen hơi quá một chút). Nếu hiểu như vậy, tỷ lệ nói dối còn cao hơn kết quả đó kia. Nhưng số liệu điều tra trên mà không làm rõ các tiêu chí như tôi đã nói (có hại hay không) thì rất dễ gây hiểu lầm.

Phải chăng, nói dối là... bản tính của con người?

Trong giao tiếp xã hội, nhiều khi người ta phải nói dối để đạt được mục đích. Hành vi nói dối được nảy sinh khi đứa trẻ mới 3 - 5 tuổi, đó là lúc chúng bắt đầu hình thành ý thức và tự ý thức. Càng lớn, con người càng tham gia nhiều hoạt động xã hội, tự hoàn thiện bản thân, tham gia các chương trình giáo dục. Khi đó, sự nói dối không phải mất đi mà nó trở nên đa dạng hơn, tinh vi hơn, thậm chí chúng ta khó nhận diện được.

Như vậy, nói dối là một hiện tượng tâm lý xã hội luôn tồn tại ở các mức độ khác nhau trong mỗi cá nhân. Nếu hành vi nói dối thường xuyên xuất hiện ở cá nhân nào đó thì nói dối sẽ trở thành một phẩm chất nhân cách của họ, lúc này nhân cách của họ đã lệch chuẩn.

Vậy, việc có 80% sinh viên nói dối cũng chẳng có gì đáng lo?

Có đáng lo hay không thì phải phân định cụ thể rằng, họ nói dối về cái gì? Nói dối trong tình huống nào? Trong mối quan hệ nào? Có gây ảnh hưởng xấu tới người khác không?... Bởi nói dối có thể có hại, có thể vô hại, thậm chí nhiều khi còn tăng thi vị cho cuộc sống.

sinh vien

PGS.TS Nguyễn Hồi Loan, Đại học Khoa học - Xã hội & Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội.

Chẳng ai dạy trẻ nói dối, nhưng...

Tôi đồng ý với ông, nhiều khi nói dối là cần thiết. Thế nhưng, ông nghĩ sao khi trong gia đình, trong nhà trường - ngay từ cấp học đầu tiên, trẻ luôn được dạy dỗ không được nói dối?

Đúng là không bao giờ cha mẹ, thầy cô dạy con trẻ nói dối cả. Thế nhưng, con người có tri thức, hiểu biết, kinh nghiệm sống, cách ứng xử được tạo qua ba con đường: Thứ nhất là giáo dục (thông qua trường lớp). Thứ hai là tập nhiễm (thông qua việc tiếp xúc, quan sát, va chạm, tự bắt chước).

Thứ ba là thông qua sự giáo dục của gia đình và tự hoàn thiện mình. Như vậy, dù gia đình, nhà trường có giáo dục trẻ không được nói dối nhưng trong xã hội, nói dối vẫn diễn ra thì không thể đảm bảo chắc chắn rằng đứa trẻ sẽ không bao giờ nói dối.

Điều đó đồng nghĩa với việc tạo ra một con người hoàn toàn trung thực, không biết nói dối - xét ở góc độ nói dối mang tính tiêu cực, là điều không tưởng?

Đúng vậy. Vì như tôi đã chỉ ra lúc đầu, nói dối là một trong rất nhiều phương thức để con người đi đến mục đích của mình.

Vậy điều gì sẽ chi phối việc người ta biết lựa cách nói dối: Hoặc gây hại cho người khác, hoặc không gây hại cho ai cả, thưa ông?

Khi người ta nói dối làm tổn hại đến người khác thì có nghĩa, họ đang đặt lợi ích cá nhân lên trên tất cả. Do đó, chính lợi ích cá nhân, sự tự ý thức về nó sẽ chi phối việc người ta sẽ chọn cách nói dối nào.

Cả quan chức cũng nói dối cơ mà!

Ông có cho rằng, việc học sinh nói dối tỷ lệ thuận với sự thiếu minh bạch, thiếu trong sạch của xã hội?

Có thể kết luận như vậy. Bởi khi con trẻ nói dối, dù trong gia đình, nhà trường không hề có chuyện đó thì dĩ nhiên đó là do tác động của xã hội. Cũng đừng vội trách riêng con trẻ khi nói dối, bởi trong xã hội bây giờ, người lớn nói dối nhan nhản. Đến cả quan chức cũng nói dối cơ mà!

Ông có thể chỉ ra những biểu hiện của việc quan chức nói dối?

Nhiều lắm. Ví như hứa với dân mà không thực hiện được, nói một đằng làm một nẻo, nói lời mà không giữ lấy lời...

Số lượng ấy, ông để ý có nhiều không?

Cũng không ít đâu.

Khi xã hội mà từ già đến trẻ đều nói dối thì theo ông, nhóm đối tượng nào nói dối sẽ gây hại hơn cả?

Đương nhiên là quan chức. Quan chức càng cao mà nói dối thì càng nguy hiểm, vì nó để lại hậu quả rất nặng nề cho cộng đồng, đặc biệt nó sẽ làm suy giảm niềm tin, mất niềm tin trong dân chúng.

Điều này hẳn họ cũng ý thức được. Thế nhưng, theo ông thì vì sao họ vẫn nói dối?

Có rất nhiều nguyên nhân, trong số các nguyên nhân đó, nhân cách của họ là yếu tố quyết định; cũng có thể vì trình độ, sự am hiểu của họ ở chừng mực nhất định. Họ không dự đoán được biến cố có thể xảy ra trong tương lai nên dễ bị vênh giữa lời nói với hiện thực. Nếu cái tâm của anh trong sáng thì mọi việc cư xử đều trong sáng và ngược lại.

Một nguyên nhân nữa là nói thật sẽ ảnh hưởng đến cái ghế của họ, đến nhóm lợi ích của họ. Chẳng ai dại gì lại đi nói thật rằng cơ quan tôi đang lục đục đấy, đang mất đoàn kết đấy... Thế nên, người ta phải lấp liếm bằng cách nói dối thôi. Điều đó cần phải lên án.

Chỉ lên án thôi ư?

Dĩ nhiên, lên án cùng với việc thắt chặt kỷ cương, pháp luật. Chừng nào mà việc nói dối vì mục đích xấu chẳng mấy nguy hại cho bản thân người nói dối, nhất là khi người nói dối là quan chức thì chừng đó đừng mong xã hội minh bạch, trong sạch được.

Cha mẹ hãy xem lại mình

Trong lúc chờ thắt chặt kỷ cương, pháp luật, ông có lời khuyên gì cho các bậc phụ huynh khi phát hiện con nói dối?

Cha mẹ cần phải bình tĩnh phân tích, khuyên nhủ cho con trẻ hiểu; phải xử lý nghiêm khắc những hành vi nói dối của con trẻ vi phạm các chuẩn mực đạo đức của gia đình và xã hội. Nhưng trước tiên, khi định nói dối một chuyện gì đó (trong một số tình huống, hoàn cảnh nhất định, cha/mẹ cũng có hành vi nói dối), cha mẹ hãy hết sức cân nhắc để không làm tổn thương con trẻ.

Có vẻ điều này không dễ thực hiện thì phải?

Không. Nó hoàn toàn thực hiện được, chừng nào chính cha mẹ cũng phải nâng cao ý thức và phải thật sự coi trọng con trẻ. Bởi nên nhớ, khi cha mẹ bị con nói dối, hãy xem lại hành xử của chính mình trước đã.

Cảm ơn ông!

"Trong bối cảnh "vết gãy văn hóa" hiện nay, những giá trị, chuẩn mực bị lung lay, đảo lộn làm cho con người khó ứng xử thế nào cho phù hợp, nên nói dối cũng là một giải pháp. Nhưng chúng ta không thể buông xuôi. Muốn vậy, cốt lõi vẫn phải để gia đình làm nền tảng, coi sự giáo dục trong gia đình là yếu tố quyết định đến việc hình thành nhân cách mỗi người".

Theo Kienthuc

Các tin cũ hơn