Bộ Y tế: Yêu cầu báo cáo vụ 'truyền nhầm máu cho sản phụ"

Thứ bảy, 02/11/2013, 08:27
Trước thông tin trên một số báo nêu sự việc Bệnh viện Đa khoa Sơn Tây (Hà Nội) truyền nhầm máu khiến một sản phụ rơi vào tình trạng nguy kịch, Bộ Y tế đã có công văn hỏa tốc yêu cầu báo cáo vụ việc.

Theo nội dung các báo phản ánh thì đêm 22/10, sản phụ Nguyễn Thị Loan (xã Phú Thịnh - Sơn Tây) được các bác sĩ tiến hành phẫu thuật cắt tử cung vì bị bệnh rau tiền đạo.

Trong quá trình phẫu thuật, chị Loan bị mất nhiều máu nên cần phải truyền bổ sung.

Các bác sĩ ở Bệnh viện Đa khoa Sơn Tây đã truyền cho chị Loan tổng cộng 17 bịch máu (250ml/ bịch), trong đó có 7 bịch là do người nhà cho máu, 4 bịch của bệnh viện Sơn Tây và 6 bịch lấy từ bệnh viện Đa khoa Ba Vì, Bệnh viện 105.

Bệnh viện Đa khoa Sơn Tây. Ảnh: Báo Đất Việt

Khi đang truyền đến bịch máu thứ 6 thì chị Loan đã xảy ra tình trạng đông máu.

Các bác sỹ của bệnh viện này phải chuyển chị đến cấp cứu ở Bệnh viện Phụ sản Trung ương trong tình trạng nguy kịch.

Tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương, các bác sĩ đã chẩn đoán chị Loan có thể đã bị truyền nhầm nhóm máu nên đã dẫn đến tình trạng máu đông.

Ngay sau đó, chị Loan được chuyển từ Bệnh viện Phụ sản Trung ương sang khoa Hồi sức tích cực - Bệnh viện Bạch Mai để tiến hành cấp cứu.

Trước thông tin trên, ngay trong chiều 1/11, thay lời Bộ trưởng Bộ Y tế, Phó Chánh văn phòng Bộ Phạm Thanh Bình đã có công văn hỏa tốc gửi Sở Y tế Hà Nội, yêu cầu Sở làm đầu mối, phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra thông tin, báo cáo lãnh đạo Bộ những biện pháp chấn chỉnh tình trạng nêu trên, văn bản trả lời gửi về Bộ chậm nhất là ngày 5/11.

Nếu những gì trong bài báo nêu trên là thật thì đây lại tiếp tục là một sự kiện tiêu cực của ngành y tế Thủ đô, dồn dập xảy ra trong thời gian gần đây, sau vụ việc xảy ra ở bệnh viện Hoài Đức, BV Mắt và thẩm mỹ viện Cát Tường.

Truyền nhầm nhóm máu rất nguy hiểm

Theo giải thích của các bác sỹ, truyền máu thực chất là việc đưa một kháng thể vào cơ thể, có thể tiềm ẩn các nguy cơ khác nhau.

Với truyền máu, nếu truyền không cùng nhóm máu sẽ dẫn đến đông máu (cục bộ hoặc rải rác), rất nguy hiểm.

Không những bị đông máu, việc truyền nhầm máu còn khiến tình trạng mất máu của bệnh nhân thêm trầm trọng do những “vật cản” là những cục máu đông xuất hiện nhiều trong quá trình vận chuyển máu đến các cơ quan trong cơ thể.

Khồi lượng truyền nhầm càng lớn thì mức độ nguy hiểm càng tăng.

Theo quy chế truyền máu được Bộ Y tế ban hành, trước khi thực hiện việc truyền máu, bệnh viện phải cử nhân viên lấy mẫu xét nghiệm và lĩnh máu theo đúng quy định; Thực hiện kiểm tra, đối chiểu; Định lại nhóm máu tại giường bệnh.

Trước khi truyền máu, phải xác định nhóm máu của bệnh nhân, kiểm tra và bàn giao các bịch/chai chứa máu cẩn thận.

Việc kiểm tra tại giường bệnh được thực hiện theo hình thức lấy máu của bệnh nhân hòa với một phần máu trong bịch dự định truyền, nếu không có kết tủa sau hòa tan 2 mẫu máu thì mới tiến hành truyền. Việc truyền máu cần được theo dõi rất chặt chẽ.

Theo Vietnamnet

Các tin cũ hơn