Chúng tôi có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Duy Kiên (phó cục trưởng Cục Người có công - Bộ Lao động - Thương Binh và Xã hội) về câu chuyện "những nhà ngoại cảm tìm hài cốt liệt sỹ".
Ông có tin vào khả năng của các "nhà ngoại cảm" trong việc tìm kiếm hài cốt liệt sỹ không?
Tôi thừa nhận, khoa học vẫn chưa lý giải được nhiều hiện tượng tự nhiên. Nhưng tôi tin rằng, chỉ một vài nhà ngoại cảm có thể tìm kiếm hài cốt liệt sỹ. Nhưng họ không thể xác định chính xác hài cốt đó là của ai. Và kể cả nhà ngoại cảm chân chính, vẫn có thể xác định sai. Cho nên, phải dùng phương pháp khoa học để kiểm nghiệm.
Ông Nguyễn Duy Kiên (phó cục trưởng Cục Người có công - Bộ Lao động - Thương Binh và Xã hội).
Tuy nhiên xác suất đó quá thấp. Một nhà ngoại cảm tìm kiếm được 10% đã là quá giỏi. Có trường hợp đã được nhà ngoại cảm tìm đúng. Nhưng đó là sự kết hợp nhiều yếu tố như thông tin đơn vị, trận đánh năm bao nhiêu, hy sinh khu vực nào...
Luật pháp hiện nay cấm hoạt động mê tín dị đoan. Hành vi này có thể bị truy cứu hình sự. Nhưng nhận thức xã hội về mê tín dị đoan vẫn không rõ ràng. Theo ông, ngoại cảm và mê tín dị đoan khác nhau chỗ nào?
Mê tín dị đoan không có căn cứ khoa học. Còn ngoại cảm là một phần khả năng của con người. Điều đó không liên quan đến thánh thần, ma quỷ. Đó là một khả năng đặc biệt của con người nào đó. Họ có thể có cảm giác với một số thứ, chẳng hạn như xương người nằm trong đất.
Chương trình "Trở về từ ký ức" số 22 của VTV đã vạch trần về khả năng thực sự của các nhà ngoại cảm. Theo thông tin từ Chương trình, hầu hết hài cốt liệt sĩ do các “nhà ngoại cảm” tuyên bố tìm được đều là xương động vật, là đất đá… Theo kết quả giám định của Viện Pháp y Quân đội, tỷ lệ chính xác được kết luận "gần như bằng 0". |
Nếu nói rằng ngoại cảm không phải là thánh thần, ma quỷ. Vậy tại sao lại có chuyện vong nhập, hồn người chết nhập vào người sống?
Một nhà ngoại cảm chân chính không thể làm trò vong hồn nhập xác người sống.
Tôi từng tham gia một cuộc tìm kiếm hài cốt ở Nam Đàn (Nghệ An). Đó là mùa hè, trời rất nóng. Có rất đông người chen chúc, chật chội. Hương khói nghi ngút. Đoàn tìm kiếm đi suốt gần chục ngày trời.
Với những hoàn cảnh như thế, người yếu không lăn đùng ra mới là chuyện lạ. Lúc thần kinh yếu, người ta nói lung tung điều gì đó, mình không thể kiểm soát, nhận thức được. Thậm chí, có người hô: "Liệt sỹ đã về!" Mình vẫn tưởng thật. Tôi cho rằng, trong đó còn có sự thôi miên, điều khiển về tinh thần.
Nhà ngoại cảm chỉ có thể có một vài khả năng nào đó đặc biệt hơn người bình thường mà thôi. Chắc chắn là rất ít người có khả năng đó.
Vậy ông đánh giá số lượng nhà ngoại cảm ở Việt Nam hiện nay nhiều hay ít?
Hiện nay, nhà ngoại cảm nhiều như nấm sau mưa. Nói đâu xa, vụ "bác sỹ vứt xác" mà báo chí đưa tin gần đây, "nhà ngoại cảm" kéo đến đông quá. Không biết ở đâu ra mà nhiều nhà ngoại cảm thế?!
Ngoại cảm không còn là việc sử dụng khả năng con người đem lại lợi ích cho xã hội. Nó đã trở thành thứ lợi dụng để kiếm chác. Nhiều người đã coi nó là một miếng mồi béo bở. Nhiều kẻ đã nhân cơ hội kiếm ăn trên nỗi đau khổ của các gia đình nhân thân liệt sỹ.
Theo Phó Cục trưởng Cục Người có công, nhà ngoại cảm nếu "phán" sai, phải chịu hình thức xử lý. (Ảnh minh họa).
Hiện không có văn bản luật nào quy định về hoạt động "ngoại cảm". Bây giờ có nên ra quy định?
Bất cứ một hiện tượng xã hội nào tác động, ảnh hưởng đến đời sống xã hội, đều cần có quy định, chế tài để điều chỉnh.
Một người muốn được gọi là nhà ngoại cảm, phải có cơ sở chứng minh. Cũng giống như nhà báo phải có thẻ hành nghề, giấy giới thiệu. Nhiều người cứ tự xưng mình là nhà ngoại cảm nhưng chẳng có cơ quan, đoàn thể nào thừa nhận cả. Đó còn chưa kể những kẻ lợi dụng để lừa đảo, trục lợi.
Nhà nước cần có quy định, chế tài xử lý nghiêm khắc với những kẻ tự nhận mình là nhà ngoại cảm. Phải có cơ quan chức năng thẩm định họ có khả năng đặc biệt hay không.
Hiện nay, ai muốn xưng là nhà ngoại cảm cũng được.
Nếu vậy sẽ có quy định để công nhận ai đó là nhà ngoại cảm, ai được phép hoạt động, ai không được?
Tôi không đặt vấn đề cho phép bằng văn bản đối với nhà ngoại cảm nào đó hoạt động. Nhưng phải có quy định chặt chẽ hơn về việc: cá nhân nào cung cấp thông tin, cá nhân đó phải chịu trách nhiệm với thông tin mình đưa ra.
Kể cả "nhà ngoại cảm" không vụ lợi, cũng phải chịu trách nhiệm. Nhà ngoại cảm không thể "phán" bừa. Nhà ngoại cảm nếu "phán" sai, phải chịu hình thức xử lý.
Không thể có chuyện, hôm nay, nhà ngoại cảm chỉ hài cốt chỗ này, ngày mai lại thay đổi, chỉ sang chỗ kia. Đúng hay sai, nhà ngoại cảm phủi tay đi.
Còn trách nhiệm của Cục Người có công trong công tác tìm kiếm hài cốt liệt sỹ, quy tập nghĩa trang như thế nào?
Theo quy định, Cục Người có công (Bộ LĐ-TB-XH) có trách nhiệm quản lý nghĩa trang liệt sỹ. Trong đó có xây dựng, chăm sóc, tu bổ, cải tạo, nâng cấp,... Còn tìm kiếm hài cốt liệt sỹ là Bộ Quốc phòng đảm nhiệm.
"Tìm hài cốt liệt sỹ bằng ngoại cảm" đang là chiêu kiếm tiền của nhiều người. (Ảnh minh họa).
Nhưng Cục có thường xuyên phải nắm bắt thông tin về việc tìm kiếm hài cốt liệt sỹ mà nhiều gia đình lâu nay tự làm dựa vào các nhà ngoại cảm hay không?
Tất nhiên chúng tôi vẫn biết. Nhưng lâu nay, những vụ tìm kiếm mà người nhà thuê các nhà ngoại cảm thực hiện không có căn cứ, đều không được chấp nhận quy tập về nghĩa trang.
Cách đây mấy năm, ở Bắc Ninh từng có trường hợp gia đình thuê nhà ngoại cảm tìm kiếm. Chúng tôi không chấp nhận việc đưa vào nghĩa trang liệt sỹ. Bởi không có cơ sở nào xác định đó là hài cốt của liệt sỹ. Vụ việc đã gây lùm xùm trên báo chí một thời gian. Gia đình đã cho rằng: "Liệt sỹ đã cống hiến cho Tổ quốc. Vậy mà khi tìm được hài cốt lại bị đối xử không ra gì."
Theo quy định của Chính phủ, nghĩa trang liệt sỹ là nơi an táng hài cốt liệt sỹ. Không thể đưa một nắm hài cốt không có cơ sở xác định vào nghĩa trang liệt sỹ. Nhiều nhà ngoại cảm chỉ chỗ cho gia đình khai quật lên tổ mối, nắm đất mà không thể giám định được ADN.
Hài cốt liệt sỹ do cơ quan, tổ chức nhà nước tìm kiếm mới được chấp nhận. Gia đình cũng có thể tự tìm kiếm nhưng phải có cơ sở khoa học, có kết quả giám định đúng là hài cốt liệt sỹ.
Không thể căn cứ vào lời nhà ngoại cảm này, ngoại cảm nọ để đưa hài cốt vào nghĩa trang liệt sỹ.
Nhưng Cục Người có công có ủng hộ việc sử dụng các nhà ngoại cảm tìm hài cốt liệt sỹ hay không?
Quan điểm của Cục Người có công là không chấp nhận những hài cốt liệt sỹ chỉ do nhà ngoại cảm tìm mà không có cơ sở khoa học gì. Nhà nước không công nhận "ngoại cảm" là một phương pháp để tìm kiếm hài cốt liệt sỹ.
Nhà nước rất hoan nghênh những người cung cấp thông tin có lợi cho công tác tìm kiếm hài cốt liệt sỹ. Ngoại cảm cũng là một loại cung cấp thông tin. Nhưng đó không phải là cơ sở để xác định. Đúng hay không do cơ quan khoa học giám định.
Xin cảm ơn ông!
Theo Khampha