Hiện tại, trong rất nhiều buổi lễ, việc hát quốc ca đã được “số hóa”, nghĩa là phát từ băng đĩa thu âm sẵn chứ người tham dự trực tiếp không hát. Nhưng khi Nghị định 145 có hiệu lực (từ 16/12 tới), tình trạng này sẽ phải chấm dứt. Điều 27 quy định: “đại biểu dự lễ hát quốc ca”.
Ông Phan Đình Tân, Phó Chánh Văn phòng Bộ VH,TT&DL, chia sẻ, việc hát quốc ca thể hiện lòng tự hào, tự tôn dân tộc: “Trong những chuyến công tác ở nước ngoài, khi cử quốc thiều mà chỉ nghe lí nhí vài người cất lời hát quốc ca thì thấy xấu hổ lắm”.
Không chỉ quy định về việc bắt buộc hát quốc ca trong trình tự các lễ kỷ niệm, điều 27 còn nêu rõ: “Tuyên bố lý do và giới thiệu đại biểu ngắn gọn, trang trọng; Trình bày diễn văn hoặc báo cáo: Chỉ “kính thưa họ tên và chức danh” lãnh đạo có chức vụ cao nhất”. Quy định này là nhằm tránh tình trạng, trong nhiều kỳ họp, người phát biểu kính thưa hàng chục lãnh đạo trung ương, bộ, ban, ngành.
Việc tổ chức diễu binh, diễu hành, duyệt binh trong lễ kỷ niệm thực hiện theo quyết định của cấp có thẩm quyền (Điều 12).
Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL Huỳnh Vĩnh Ái cho biết, năm 2001 và 2004, Chính phủ cũng đã ban hành các quy định về tổ chức lễ kỷ niệm, nhưng Nghị định 145 được xem là văn bản chi tiết nhất. Nghị định còn quy định về trang phục trong các buổi lễ (Điều 23), như: “Khuyến khích khách mời, đại biểu và quần chúng dự lễ mặc trang phục dân tộc, lễ phục tôn giáo, lễ phục lực lượng vũ trang”; hoặc “Không dùng phù hiệu, “nơ”, hoa cài ngực, khuyến khích khách mời, đại biểu, quần chúng dự lễ đeo huân chương, huy chương, không tặng quà, biểu trưng, biểu tượng (logo), không tổ chức chiêu đãi” (Điều 24).
Giải thích thêm về những quy định này, Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái cho rằng: “Cấm là cấm tặng logo trong lễ kỷ niệm. Vì việc tặng một quyển sách, hay túi quà to đùng đôi khi rất phản cảm ở những buổi lễ trang trọng. Nhưng tất nhiên có thể tặng vào một dịp khác phù hợp”.
Nghị định 145/2013/NĐ-CP gồm 14 chương, 62 điều, bên cạnh những vấn đề nêu trên còn có quy định liên quan tới những ngày lễ lớn trong nước, ngày lễ quốc tế, ngày sinh các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã từ trần, tưởng niệm ngày mất các danh nhân; nghi thức ngoại giao… hay quy định việc tổ chức diễu binh, diễu hành, duyệt binh…
Theo khẳng định của ông Phạm Văn Thủy (Cục trưởng Cục Văn hóa Cơ sở, Bộ VH,TT&DL), Nghị định áp dụng rộng rãi đối với tất cả các cơ quan, tổ chức, kể cả các doanh nghiệp tư nhân hay có vốn đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, điều băn khoăn là, Nghị định không có các chế tài xử phạt và sai ở cấp nào thì cấp đó xử lý. Như vậy cũng có nghĩa là, những điều bắt buộc có thể cũng chỉ là khuyến khích thực hiện?
Theo TTVH