Một quan điểm như vậy dễ dàng vấp phải phản đối cho rằng, vinh dự của một bộ phim không nằm ở lời khen có cánh của những bài báo hay các giải thưởng điện ảnh mà nằm ở doanh thu phòng vé.
Ba danh hài Hoài Linh, Chí Tài, Hoàng Sơn (từ trái qua) trong phim Đại náo học đường. |
Từ góc nhìn lấy đám đông làm quyền lực, những người làm phim hài nhảm đôi lần bày tỏ trên báo chí niềm tự hào cho rằng nghệ thuật của họ đã đạt đến một trong những mục tiêu cuối cùng của nó: mang lại vài giờ giải trí khuây khỏa cho khán giả giữa cuộc sống nhiều bực bội.
Cũng như thẳng thừng với những ai khó chịu vì những bộ phim của họ: "nếu thích cao siêu, xin ở nhà, đừng đến xem phim của tôi". Màu sắc thắng lợi tinh thần của niềm tự hào cũng từ đó mà đậm nhạt tùy theo cường độ "ném đá", dè bỉu, coi khinh, chê bai... của truyền thông và dư luận, trong những thời điểm khác nhau.
Tất nhiên, sẽ không ai có thể phủ nhận kiếm tiền là một trong những động cơ chủ đạo thúc đẩy ngành sản xuất phim phát triển và duy trì cho nó tồn tại, cũng như hài nhảm đang chứng tỏ vị trí của nó như một thể loại không thể thiếu trong một nền điện ảnh đa dạng, phong phú.
Thế nhưng, nhìn qua một loạt phim hài nhảm ra rạp gần đây như Nhà có 5 nàng tiên, Săn đàn ông, Lọ lem Sài Gòn, Đại náo học đường, người ta không khỏi có cảm giác nghệ thuật đang bị lợi dụng, bị nhân danh thể loại nhằm bao biện cho một lối làm phim dễ dãi, cẩu thả đến mông muội, bị chi phối hoàn toàn bởi bài toán tối thiểu hóa chi phí và tối đa hóa khả năng lợi nhuận.
Hiếu Hiền, vai một học sinh cá biệt trong phim. |
Gần đây nhất là Đại náo học đường, bộ phim đang trình chiếu, được nói có doanh thu không thua kém phim đoạt giải Bông sen vàng Scandal - Bí mật thảm đỏ ra mắt cùng thời điểm này vào năm ngoái. Giống như những người anh em đi trước, phim tiếp tục lôi một loạt danh hài lên màn ảnh trong những diện mạo "lạ" để câu khách. Lần này là Hoài Linh, Chí Tài và Hoàng Sơn trong vai những tên giang hồ quyết định mặc áo trắng học trò và xách cặp đi học chữ để tìm kho báu.
Khi trí tưởng tượng nghèo nàn đến tội nghiệp không thể làm ra được một câu chuyện có những tình huống lắt léo gây cười, tất cả những gì mà phim hài nhảm thường dựa vào để chọc cười khán giả là nét hài hước của danh hài cùng những câu thoại tếu táo. Ngoài cách này, Đại náo học đường còn tìm thêm một "lối thoát" khác cho câu chuyện ngô nghê và phi lý, bằng cách tạo ra cái hài dựa trên chính sự phi lý, theo kiểu phim Hồng Kông.
Sau khi đã làm khán giả chán chê vì những trò tung hứng, đánh đấm, rượt đuổi giữa hai nhóm giang hồ làm náo loạn một lớp học ở trung tâm giáo dục thường xuyên, bộ phim bất ngờ chuyển hướng kết thúc bằng một câu chuyện tình người đẫm nước mắt, giáo điều và khá giả tạo. Không thể hiểu khác hơn, đây chỉ là sự bào chữa cho tất cả những gì nhảm nhí đã được phim bày biện trước đó.
Chi phí đầu tư thấp, kịch bản và cách dàn dựng không quá cầu kỳ, lại dễ dàng có được những khán giả thích xem phim hài gặp khó khăn và khác biệt trong tiếp cận với những phim hài hay nói tiếng nước ngoài..., là những yếu tố giải thích cho sự tồn tại và nở rộ của những phim hài nhảm dễ dãi như Đại náo học đường.
Nó có thể là nuôi sống một bộ phận không nhỏ trong giới làm phim hiện nay nhưng chắc chắn là chẳng giúp ích gì trong việc nuôi dưỡng và thúc đẩy sự chuyên nghiệp và sáng tạo của ngành làm phim, cũng như nâng cao thị hiếu cho khán giả, nếu không muốn nói là tha hóa.
Theo Vietnamnet