Những phim nổi tiếng bắt nguồn từ tin giật gân trên báo

Thứ năm, 19/06/2014, 09:46
Hollywood không chỉ có mối lương duyên với văn chương. Có không ít bộ phim nổi tiếng được dựa trên báo chí và những mẩu tin tức như chúng ta vẫn đọc hàng ngày.
Nhập mô tả cho ảnh
Dog Day Afternoon (1975): Ngày 22/8/1972, John Wojtowicz cùng Salvatore Naturale và Robert Westenberg đi cướp một nhà băng ở Brooklyn với ý định chi trả ca phẫu thuật điều chỉnh giới tính cho người tình là Ernest Aron. Tác giả P. F. Kluge đã viết về vụ cướp trong bài báo The Boys in the Bank trên tạp chí Life, còn Wojtowicz kiếm được 7.500 USD tiền bản quyền chuyển thể câu chuyện của ông thành phim, cũng như 1% lợi nhuận ròng của Dog Day Afternoon. Đạo diễn Sidney Lumet đã chọn Al Pacino thủ vai Wojtowicz và bộ phim nhận được một giải thưởng Oscar. Song bản thân Wojtowicz cho rằng độ chính xác của tác phẩm điện ảnh chỉ đạt tầm 30%.
Nhập mô tả cho ảnh

Saturday Night Fever (1977):Nhận vật Tony Manero trong bộ phim nổi tiếng của tài tử John Travolta vốn được lấy cảm hứng từ Vincent,  chàng trai người Mỹ gốc Ý sống tại khu Brooklyn trong bài báo trên tạp chí New York hồi năm 1976 của tác giả Nik Cohn. Được miêu tả là vũ công tài năng nhất vùng Bay Ridge, Vincent có một cuộc sống trong mơ với danh tiếng, tiền bạc lẫn tài năng. Nhưng trái với lời kể quá hấp dẫn và thơ mộng, bài báo hóa ra chỉ là một câu chuyện được thêu dệt nên bởi chính Nik Cohn.

Tới thập niên 1990, tác giả bài báo thú nhận: “Câu chuyện của tôi chỉ là lừa gạt thôi. Khi ấy tôi mới đến New York, chẳng biết gì về đường phố Brooklyn cả. Còn Vincent, người anh hùng trong câu chuyện, được lấy cảm hứng từ một nhân vật vùng Shepherd’s Bush mà tôi quen từ những năm 1960”.

Nhập mô tả cho ảnh

A Nightmare on Elm Street (1984): Đạo diễn Wes Craven xuất hiện cảm hứng thực hiện bộ phim sau khi đọc được một loạt bài trên tờ LA Times hồi thập niên 1970, xoay quanh dân tị nạn người Khmer sau khi chạy trốn khỏi Campuchia. Họ bắt đầu gặp ác mộng phiền phức khiến giấc ngủ bị gián đoạn, rồi dần dần, họ chết giữa cơn ác mộng. Hiện tượng kỳ lạ này được biết đến với cái tên “Asian Death Syndrome”.

Ngoài ra, câu chuyện tương tự về con trai của một thầy thuốc cũng lôi kéo sự chú ý của Craven: gia đình sử dụng thuốc ngủ để điều chỉnh chứng mất ngủ của chàng trai 21 tuổi, nhưng anh ta vẫn thức đến tận sáu hay bảy ngày liên tiếp. Một ngày nọ, chàng trai ngủ thiếp đi và gia đình nghĩ mọi chuyện đã ổn. Cuối cùng, anh ta qua đời đột ngột trong đêm đó mà không có nguyên nhân cụ thể. Họ tìm thấy một máy pha cà phê và những liều thuốc ngủ đáng ra chàng trai phải uống trong tủ áo. Hóa ra chàng trai đã nhổ chúng ra và giấu đi. Cả hai câu chuyện trên thôi thúc Wes Craven làm ra tác phẩm kinh dị kinh điển của Hollywood.

Nhập mô tả cho ảnh

Boogie Nights (1997): Khán giả từng biết Boogie Nights của đạo diễn Paul Thomas Anderson là phiên bản mở rộng của The Dirk Diggler Story, bộ phim ngắn được ông sản xuất năm 1988. Nhưng rất ít người biết về bài báo đăng đàn năm 1989 trên tạp chí Rolling Stone mang tựa đề The Devil and John Holmes là một trong những nhân tố ảnh hưởng lớn đến tác phẩm Boogie Nights, bộ phim kể về một nhân viên hộp đêm trở thành ngôi sao phim khiêu dâm. Bài báo gốc tập trung khai thác lịch sử đầy bạo lực giữa ngôi sao khiêu dâm John Holmes, trùm ma túy Eddie Nash và hàng loạt vụ giết người năm 1981.

Nhập mô tả cho ảnh

Coyote Ugly (2000): Cuộc sống của cây viết Elizabeth Gilbert khi xưa có vẻ thú vị hơn thời kỳ bà viết ra Eat, Pray, Love. Thời đó, bà còn là một nhân viên pha chế ở Coyote Ugly Saloon tại khu East Village. Đoạn trích từ bài viết năm 1997 có tựa đề The Muse of the Coyote Ugly Saloon trên tạp chí GQ của Elizabeth Gilbert chính là điểm mấu chốt tạo nên bộ phim Coyote Ugly đình đám hồi năm 2000.

Nhập mô tả cho ảnh

The Fast and the Furious (2001): Bài báo Racer X của Ken Li trên tạp chí Vibe xoay quanh chủ đề đua xe đường phố ở thành phố New York và tập trung vào tay đua bất bại Rafael Estevez. Người đàn ông 30 tuổi mang quốc tịch Cộng hòa Dominica này đến từ Washington Heights chính là hình mẫu gây cảm hứng cho tác phẩm hành động The Fast and the Furious hồi năm 2001. Nhân vật chính Dominic Toretto do Vin Diesel thủ vai trong phim chính là dựa trên hình tượng của Estevez trong bài báo.

Nhập mô tả cho ảnh

Live Free or Die Hard (2007): Tựa đề của bộ phim hành động bắt nguồn từ phương châm chính thức của bang New Hampshire, Mỹ: Sống tự do hay là chết. Nhưng kịch bản phần bốn của loạt phim Die Hard lại dựa trên một bài viết từ năm 1997 trên tạp chí Wired của John Carlin có tựa đề A Farewell to Arms, xoay quanh chủ đề chiến tranh tin học.

Xuyên suốt bộ phim là quá trình đấu tranh và nỗ lực ngăn chặn những tên khủng bố tin tặc tấn công vào hệ thống máy tính của chính phủ với mục đích phá hoại và trục lợi từ sự sụp đổ của hệ thống. Ra mắt 10 năm sau khi bài báo nói trên, Live Free or Die Hard đạt doanh thu gần 400 triệu USD và là tập phim ăn khách nhất trong loạt Die Hard.

Nhập mô tả cho ảnh

Into the Wild (2007): Bộ phim dựa trên cuốn sách cùng tên xuất bản năm 1996 của tác giả Jon Krakauer. Tác phẩm văn học thuộc thể loại phi giả tưởng, kể về hành trình qua miền Bắc nước Mỹ và vùng Alaska hoang dã của cậu thanh niên Christopher McCandless hồi đầu những năm 1990. Trên thực tế, cuốn sách vốn được mở rộng từ một bài viết dài 9.000 chữ có tựa đề Death of an Innocent trên tạp chí Outside số tháng 1/1993 của chính Krakauer.

Sau khi tốt nghiệp đại học hạng ưu, Christopher McCandless đột nhiên quyết định từ bỏ cuộc sống vốn có của bản thân để lưu lạc từ miền đất này qua miền đất khác trong vòng 2 năm. Hành trình ấy kết thúc bằng cái chết ám ảnh của nhân vật chính. Để lại nhiều ấn tượng sâu sắc cho người xem, bộ phim đầy ý nghĩa giành được 2 đề cử  giải thưởng Oscar.

Nhập mô tả cho ảnh
Argo (2012): Dù sự nghiệp diễn xuất của Ben Affleck nhiều năm qua không mấy khởi sắc, thì trong vai trò nhà sản xuất và đạo diễn, tài tử lại gặt hái được nhiều thành công, đặc biệt là với bộ phim Argo. Dựa trên bài viết The Great Escape của Joshuah Bearman trên tạp chí Wired năm 2007 và cuốn sách The Master of Disguise của đặc vụ CIA Tony Mendez, bộ phim nói về hành trình giải cứu sáu nhân viên ngoại giao của Mendez trong cuộc tấn công chiếm đóng đại sứ quán Mỹ tại Tehran tháng 11/1979. Thành công trong việc chuyển thể những sự kiện có thật lên phim đem lại cho Argo 3 giải thưởng Oscar, trong đó có hạng mục quan trọng nhất là Phim truyện xuất sắc nhất.
Nhập mô tả cho ảnh

The Bling Ring (2013): Bộ phim có vinh dự được chiếu mở màn cho hạng mục Un Certain Regard (Góc nhìn độc đáo) thuộc khuôn khổ LHP Cannes hồi tháng 5/2013. Dựa trên bài báo The Suspects Wore Louboutins của Nancy Jo Sales trên tạp chí Vanity Fair, nữ đạo diễn Sofia Coppola thực hiện nên bộ phim kể về băng trộm thanh thiếu niên có thật The Bling Ring tại vùng Hollywood Hills. Từ tháng 10/2008 đến tháng 8/2009, họ đã thực hiện nhiều vụ trộm tại nhà các ngôi sao nổi tiếng như Orlando Bloom, Miranda Kerr, Megan Fox và cả Linsay Lohan. Ngoài các hiện vật tài sản, số lượng tiền mặt mà nhóm này trộm được lên đến 3 triệu USD và khá nhiều trong số đó thuộc về Paris Hilton, người cũng xuất hiện trong phim dù cho cô là nạn nhân.

Theo Zing

Các tin cũ hơn