Từ Khánh Ly - Richard Clayderman: Bao giờ cả thèm chán muộn?

Thứ ba, 02/09/2014, 08:05
Tháng 8 này sân khấu ca nhạc Việt chứng kiến sự xuất hiện của hai “big name” (tên tuổi lớn). Đầu tháng là Khánh Ly tại Hà Nội và cuối tháng là Richard Clayderman cũng tại Hà Nội.

Điểm chung cho cả hai là họ đã đi qua thời hoàng kim của mình nhưng những hồi ức về họ chưa bao giờ dứt tại Việt Nam. Nhưng nghịch lý đã xảy ra, bởi một người được đón nhận nồng nhiệt, còn người kia lại khá âm thầm.

Ăn xổi mãi được không?

Phải nói ngay rằng, vụ lùm xùm tiền tác quyền cho hai đêm nhạc của Khánh Ly tại Hà Nội và Đà Nẵng đã được dân trong nghề “bắt mạch” thẳng, chung quy chỉ một chữ: Tiền. Bởi nếu thắng đậm, cỡ nào cũng “chơi” được. Nhưng lần này lại “thua”, và khi ấy các bên liên quan kè nhau từng dấu phẩy hợp đồng để hòng giảm chi đến mức tối thiểu.

Nghịch lý ở chỗ, cùng một địa điểm, Trung tâm Hội nghị Quốc gia, cùng một khung thời gian gần kề nhau, một người với số vé bán ra cao nhất là 4 triệu đồng lại ế đến 70%. Trong khi người kia, giá vé cao nhất lên tới 6 triệu đồng, lại không dư cái nào. Nhìn từ bài toán kinh doanh, rõ ràng Clayderman đã “thắng” Khánh Ly. Nhìn vào tâm lý thị trường, có điều gì bất ổn?

Khánh Ly - Richard Clayderman 2 tên tuổi lớn xuất hiện gần như cùng thời điểm tại Việt Nam
Khánh Ly - Richard Clayderman hai tên tuổi lớn xuất hiện gần như cùng thời điểm tại Việt Nam

Ai cũng bảo rằng, bệnh cả thèm chóng chán giờ đã mãn tính. Vì rõ ràng 3 tháng trước, Khánh Ly thắng gần như tuyệt đối tại Hà Nội, cũng chỗ ấy và giá vé ấy. Ai, dù nổi danh cỡ nào, đến Việt Nam cũng chỉ thắng được lần đầu. Nhưng điều ấy chưa hẳn đã đúng. Bởi nghịch lý thêm ở chỗ này, cũng chính Richard Clayderman năm 1999 đã đến diễn tại TP.HCM, sân Phan Đình Phùng và 2/3 số ghế tối hôm ấy, không có người ngồi. Đó là lần đầu tiên Clayderman đến Việt Nam, đó là thời kỳ mà thị trường biểu diễn âm nhạc Việt cực kỳ sôi động với hàng loạt tên tuổi lớn quốc tế… 15 năm qua, thị trường biểu diễn đã bão hòa thì trái lại, Clayderman trong lần trở lại thứ hai, đã được ủng hộ nồng nhiệt.

Đâu có gì khó hiểu

Để giải mã hiện tượng Clayderman có lẽ phải nhìn lại 15 năm trước. Thời điểm đó, Richard Clayderman vẫn ở đỉnh cao phong độ nhưng cái “chết” của đêm diễn ấy không nằm ở người nghệ sĩ, mà đơn giản ở địa điểm biểu diễn.

Tại thời điểm đó, giá vé trung bình hơn 500 nghìn đồng là quá cao so với mặt bằng chung và lại tổ chức ở sân Phan Đình Phùng để lấy số đông hơn nghìn chỗ. Nhà tổ chức lúc ấy dường như đã đánh giá nhầm tính chất âm nhạc của Richard Clayderman. Với những người thích nghe và cho rằng đó là loại nhạc sang trọng thì chắc chắn không chấp nhận thưởng thức âm nhạc ở nơi không mang dáng dấp của một thánh đường âm nhạc như Nhà thi đấu Phan Đình Phùng. Còn những người mê cổ điển toàn tòng, tức chỉ quan tâm tới việc nghe nhạc (ở bất cứ địa điểm nào) thì lại hoàn toàn không thích kiểu cổ điển phái sinh như Clayderman. Phân khúc bình dân, những người hàng ngày nghe nhạc Clayderman, thích âm nhạc của Clayderman, thì lại không có tiền mua vé!

Lần trở lại này, cũng na ná địa điểm như thế nhưng Clayderman lại “thắng”. Nhìn về chất lượng, rõ ràng Trung tâm Hội nghị Quốc gia Hà Nội có hệ thống cách âm tiêu chuẩn, chỗ ngồi sang trọng và địa điểm lý tưởng. Thêm nữa, 15 năm là quá xa xôi và với khán giả Hà Nội, xem như đây là lần đầu tiên của Clayderman. Những thế hệ từng lớn lên với âm nhạc Clayderman giờ trưởng thành và dư dả, họ chẳng tiếc một số tiền lớn để gặp lại người đã làm nên những giai điệu nuôi nấng tuổi thơ mình.

Nhưng điều này lại không xảy ra lần nữa với đêm nhạc Khánh Ly.

Khán giả Khánh Ly chưa hẳn đồng “gout” với những người mê Clayderman nhưng hiện tại, đặc tính thị trường biểu diễn ở Việt Nam đang cho thấy những người đi xem âm nhạc nhưng không vì âm nhạc mà vì những lý do khác... Chẳng hạn như show Khánh Ly đợt đầu. Người ta nô nức đi xem Khánh Ly, nhiều người hãnh diện được đi xem giọng ca huyền thoại ấy, hãnh diện được khoe là fan của ca sĩ tên tuổi. Nhưng chỉ đi một lần mà thôi, không cần thêm nữa. Bản chất của cả thèm chóng chán, cuối cùng, hóa ra không phải vì âm nhạc. Nếu Khánh Ly diễn ở phòng trà vài trăm người thì sẽ là một câu chuyện khác. Nhưng ở một sân khấu lớn với giá vé cao thì lại là một câu chuyện khác quan trọng không kém. Thường người ta có xu hướng thích mình là số ít đẳng cấp chứ không phải là số nhiều. Đi xem Khánh Ly ở phòng trà 100 người sẽ thích hơn là lọt thỏm trong mấy nghìn người.

Có lẽ nhà tổ chức đã đo lường sai nồng độ thị trường bởi câu chuyện về cả thèm chóng chán ai mà chẳng biết nhưng không phải là không có những vụ thắng lớn, thắng đỉnh cao. Có thể Khánh Ly sẽ vẫn “thắng” nếu như đêm nhạc tổ chức trong một khuôn viên nhỏ hơn như Nhà hát Lớn Hà Nội. Giới làm nghề Hà Nội vẫn còn nhớ vụ Tuấn Vũ có thể xếp vào hàng “kinh điển” của showbiz. Năm 2010 live show Tuấn Vũ - 10 năm tái ngộ ban đầu chỉ định làm một đêm tại Nhà hát Lớn Hà Nội nhưng cuối cùng nhà tổ chức đã kéo dài thành 10 đêm và không đêm nào còn chỗ trống. Cơn khát, nếu rỏ nhỏ giọt sẽ uống nhiều hơn là tu một lần.

Vụ Khánh Ly một lần nữa lặp lại ở Cung Tiên Sa với vài nghìn chỗ ngồi và giá vé cũng ngất ngưởng. Dân Đà Nẵng dạo này rất thoáng với những chương trình âm nhạc chất lượng cao nhưng thoáng đến cỡ nào? Đồng tiền đi liền khúc ruột và nhiều người nói thẳng rằng họ không thích đi xem Khánh Ly tại Cung Tiên Sơn bởi không gian âm nhạc ở đó không sang trọng, âm thanh dội tiếng và khá xô bồ.

Tiếp đến, Đà Nẵng tuy phát triển nhưng chưa nhiều tiền đến mức để người dân bỏ tiền đi xem ca nhạc đỉnh cao với giá vé chóng mặt. Nhiều nhà tổ chức âm nhạc kể rằng có những chương trình bán vé rất chạy tại Đà Nẵng với mức giá 1,5 triệu đồng nhưng họ không dám tăng lên bởi chỉ cần lên tới 2 triệu là không ai mua vé. Tháng 4/2014, chương trình nhạc Trịnh tại Đà Nẵng với giá vé cao nhất 1 triệu, kết quả “cháy vé”. Có người khuyên ban tổ chức nâng lên 2 triệu bảo đảm thắng nhưng nhà tổ chức từ chối vì họ thừa kinh nghiệm để biết cái ngưỡng tại đây chỉ đến vậy. Cao hơn là thua.

Cả thèm chóng chán là căn bệnh khó bắt mạch của thị trường biểu diễn Việt, bởi nó liên quan đến túi tiền người mua, đến địa điểm biểu diễn và nhiều khi nó chết bởi nhà tổ chức “nhắm sai đối tượng”. Mới đây nhất là chương trình Cầm tay mùa Hè của nhạc sĩ Quốc Trung định biểu diễn với Hương Lan, 5 Dòng Kẻ và Nguyễn Đình Thanh Tâm. Nhưng cuối cùng show diễn này đã phải hủy vì “không bán được vé”.

Có một câu hỏi rất dễ đặt ra: Ai sẽ đi xem Hương Lan trong dáng vẻ world music? Những người thích dòng nhạc cấp tiến chưa bao giờ để trong đầu cái tên Hương Lan sẽ hát dòng nhạc ấy, còn những người mê Hương Lan sẽ chẳng nghĩ một ngày bà bứt mình ra hát kiểu nhạc của Quốc Trung. Nếu Hương Lan hát với khách mời là Quang Lê hay Chế Linh thì chắc chắn tình hình sẽ khác. Ở đây rõ ràng nhà tổ chức nhắm sai đối tượng dù người trong nghề thừa biết đây sẽ là một kiểu chơi lạ.

Chữa trị cho bệnh cả thèm chóng chán bằng cách nào? 3 tháng, trở lại như Khánh Ly? Thua, thực tế đã thấy.

Vậy tốt nhất hãy cứ chờ 15 năm nữa, như Richard Clayderman chăng?

Theo TTVH

Các tin cũ hơn