Thấy "phim trường King Kong 2" lại nuối tiếc "làng Hollywood" Việt

Chủ nhật, 28/02/2016, 17:50
Quá trình đô thị hóa nhanh chóng không đi kèm một cơ chế bảo tồn hiệu quả đã làm biến mất rất nhiều phim trường - những “làng Hollywood” của Việt Nam.

“King Kong 2” mở lại cánh cửa cho Hollywood đến Việt Nam

Sau năm 1975, Hollywood gặp nhiều khó khăn trong quá trình đưa Việt Nam lên màn ảnh. Từ kỷ nguyên làm phim về chiến tranh (Theo IMDb, từ 1975 tới đầu thập niên 1990, có khoảng 70 phim Hollywood làm về đề tài chiến tranh Việt Nam), tới thời kỳ né tránh Việt Nam vì cú sốc James Bond 18 với “Tomorrow never dies” (Trường đoạn hành động kịch tính nhất phim - cảnh Piercenan và Dương Tử Quỳnh dùng xe phân khối lớn hạ trực thăng - lấy bối cảnh trên đường phố thành phố Hồ Chí Minh) bị từ chối phũ phàng năm 1997.

Cảnh hành động của Pierce Brosnan và Dương Tử Quỳnh trong "Tomorrow Never Dies" làm giả bối cảnh đường phố TP.HCM ở Thái Lan.

5 năm trở lại đây, Việt Nam gây chú ý trở lại với các hãng phim thế giới nhờ cảnh đẹp. Tháng 10/2015 đạo diễn Jordan Vogt-Roberts sang Việt Nam và đi dọc từ Bắc vào Nam trong hơn một tháng để khảo sát các bối cảnh cho bom tấn “Kong: Skull Island". Sau khi khảo sát, ông phải thốt lên trầm trồ và quyết tâm đưa Việt Nam lên màn ảnh đẹp tầm cỡ như phim "Chúa Nhẫn".

“Tôi chọn làm Kong: Skull Island ở đây bởi muốn Việt Nam hiện lên cũng phải như trong Lord of the Rings. Tôi muốn Việt Nam lên hình sẽ thực sự khác biệt, gây ấn tượng tới nỗi người xem ở các nơi trên thế giới phải trầm trồ hỏi nhau đó là đâu và họ thực sự muốn đến đây sau khi xem phim”, đạo diễn bày tỏ tham vọng.

Hôm 18/2, hơn 120 thành viên đoàn phim “Kong: Skull Island” cùng 40 tấn thiết bị bao gồm máy bay, các trang thiết bị ghi hình hiện đại và dàn sao nổi tiếng của Hollywood đã đổ bộ vào Việt Nam. Ngày 22/2, đoàn phim đặt chân đến Quảng Bình để ghi hình những thước phim đầu tiên.

Các bối cảnh tiếp theo lên phim gồm Ninh Bình và Quảng Ninh. Các bối cảnh Việt Nam dự kiến là khung cảnh thế giới giả tưởng, quê hương của loài vượn khổng lồ. Đây là bom tấn Hollywood có quy mô lớn nhất từ trước đến nay quay ở Việt Nam.

Dàn sao "King Kong 2" tại Hà Nội ngày 21/2.

Ngay từ khi dự án ngỏ lời tới Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch đã ủng hộ hoạt động này. Thủ tướng chính phủ sau đó chỉ đạo bộ ngành liên quan như Bộ Tài chính, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công an, Bộ Thông tin Truyền thông hỗ trợ và hợp tác với đoàn phim trong quá trình làm việc. Sau King Kong, các nhà quản lý Việt Nam đang tích cực quảng bá đất nước như phim trường mới cho thế giới.

"Làng Hollywood" độc đáo ở Việt Nam

Từ năm 2006 trở về trước, thôn Hương Gia, xã Phú Cường (Sóc Sơn - Hà Nội) là điểm đến được nhiều đoàn làm phim lựa chọn bởi vẻ đẹp dung dị mang đậm hồn cốt nông thôn Bắc Bộ. Hơn thế, sự nhiệt tình hồn hậu của người dân nơi đây đã hấp dẫn nhiều đạo diễn Việt Nam.

Một cảnh quay trong "Thương nhớ đồng quê" được thực hiện tại Hương Gia.
Người dân thôn Hương Gia cho hay, từ năm 1995 đến nay đã có gần 20 đoàn làm phim đến thuê để quay. Ngôi nhà ông Nguyễn Xuân Vĩnh đã có tuổi trên trăm năm, được dựng bên bờ sông Cà Lồ, ngay đầu ngõ là đình Hương Gia cổ kính. Sau phim "Thương nhớ đồng quê", các đạo diễn phim truyền hình cứ ba, bốn tháng lại tìm đến đây để làm phim khiến khu nhà ông Vĩnh và “làng điện ảnh” nói chung lại được dịp vui như mở hội. Ngôi nhà ông Vĩnh biến thành một “tiểu phim trường” trong “đại phim trường” làng quê.
Duy nhất ngôi nhà cổ của gia đình ông Vĩnh còn giữ được nguyên bản

"Quanh khu này, nơi nào cũng được các đạo diễn tận dụng làm bối cảnh phim. Sau ngôi nhà của ông Vĩnh là đình Hương Gia, cây đa đầu làng (mấy trăm năm tuổi), bờ sông Cà Lồ, ao bèo, thửa ruộng, con trâu, ngôi nhà và nhiều cảnh khác trong thôn được quay đi quay lại nhiều lần" – Bà Chiện (71 tuổi), xóm Đền, thôn Hương Gia – người thường được các đạo diễn nhờ “môi giới” diễn viên quần chúng hồ hởi nhớ lại.

Một khúc sông Cà Lồ từng là bối cảnh cho rất nhiều bộ phim.

“Hồi ấy vui lắm! Nhiều đoàn phim về đây quay, mượn người dân chúng tôi đóng vai quần chúng, từ người già đến trẻ con đều có cả, mỗi người được 10 nghìn đồng. Bà con hồi ấy rất thích. Mỗi lần gọi đi quay phim là nô nức đi như hội. Tôi cũng tham gia nhiều vai quần chúng và có nhiều kỷ niệm” - bà Chiện hào hứng kể chuyện về những năm tháng mà “Thương nhớ đồng quê”, “Tết độc lập”, “Đất và người”, “Tuần lễ vàng”, “Những ngọn nến trong đêm”, "Cảnh sát hình sự", “Vui buồn sau lũy tre làng”… đã thành hình và đi vào lòng khán giả Việt bằng những quan cảnh thân thuộc trên quê hương của bà.

Bà Chiện niềm nở, ngừng bán hàng để chia sẻ về "làng Holywood" một thời.
Chỉ còn lại “vang bóng một thời”
Tìm lại vẻ đẹp hoang sơ đến độ đặc biệt, hơn 20 năm trước, của thôn Hương Gia qua những thước phim. Những con đường đất gồ ghề chạy giữa làng, quanh bìa làng; những đường dong (ngõ xóm) lát gạch lục đổ rêu; những ngôi nhà cấp bốn tuềnh toàng, cũ kỹ để lộ từng mảng tường xây gạch lục, vôi mạch lở xói; bên đình làng thâm nghiêm là những ao bèo vuông vắn, lũy tre rậm rạp soi bóng bên sông Cà Lồ, cánh đồng lúa vàng trải rộng... Tất cả hỗ trợ cho nhau, làm nên sức sống và giá trị không chỉ cho bộ phim, mà còn tôn vinh giá trị mộc mạc vốn có ở một miền quê Bắc Bộ.

Thế nhưng giờ đây, những con ngõ lát gạch nghiêng song song nhau biến mất, nhường chỗ cho “bê-tông hóa”. Một số ít ngôi nhà với bức tường gạch đôi mảng rêu phong, mạch vữa bong tróc hiếm hoi còn sót lại, nằm lọt thỏm giữa những ngôi nhà cao tầng bệ vệ với những cổng sắt hoành tráng, nặng nề.

Chút ít nét cổ xưa còn sót lại.

Người dân thôn Hương Gia cho biết, hiện giờ chỉ duy nhất gia đình ông Nguyễn Xuân Vĩnh còn giữ lại ngôi nhà cổ nguyên vẹn chất thuần Việt. Cây đa mấy trăm năm tuổi giờ cũng không còn nữa.
Ngôi nhà cổ của ông Nguyễn Văn Phùng chỉ còn phần mái được giữ nguyên bản
Ngoài Hương Gia, nền điện ảnh cũng lưu tâm đến một số "làng Holywood" khác như thôn Thụy Hương (cạnh thôn Hương Gia), làng Tây Mỗ (quận Nam Từ Liêm), Đường Lâm (Sơn Tây), Cự Đà (huyện Thanh Oai)…, đều đã đổi khác đi rất nhiều.
Sự mai một dần của những ngôi làng thuần Việt gây khó khăn lớn cho rất nhiều đạo diễn trong việc tìm kiếm một bối cảnh trọn vẹn cho phim của mình, ngay cả khi tìm được một khu nhà cổ nào đó rồi thì lại phải lo cứ lia máy rộng, ngước máy lên là vướng cột điện, dây điện, ăng ten tivi, nhà cao tầng,… lẫn vào cảnh phim xưa cũ.
Tiếc cho những ngôi làng cổ mà nếu còn, sẽ có thể xuất hiện vừa tuyệt diệu, vừa cảm xúc trên màn ảnh Việt Nam và thế giới.
Chuyện phim chuyện làng, ra chuyện đô thị hóa
Nói về những đổi thay của quê hương, bà Chiện chia sẻ “dân ngày xưa đi đóng phim được 10 nghìn đồng thì phấn khởi. Chứ bây giờ cho 100 nghìn đồng có khi cũng chẳng ai đi. Bây giờ họ làm cho nhà máy, xí nghiệp hết rồi. Cách đây mấy năm cũng có đạo diễn về thôn xem xét, nhưng đường làng bê tông, nhà ngói cao tầng cả, không còn cảnh quay nên họ lại đi nơi khác".

Cuộc sống hiện đại khiến con người ta vội vã và toan tính nhiều hơn. Con người thay đổi là tất yếu, quá trình đô thị hóa cũng là tất yếu. Thế nhưng cùng với đó, văn hóa làng dần mất đi, hương ước không còn, chất cố kết cộng đồng vơi cạn. Nét đẹp cổ kính, hồn hậu, trong sáng giống như món quà đặc biệt mà nghìn năm văn hiến để lại cho Việt Nam, ấy mà lại để mất đi... Đó mới chính là những điều đáng tiếc!

Đô thị hóa đang dần "nuốt" trọn làng quê.
Lịch sử khó nhọc theo những năm tháng dài liên tiếp chiến đấu với giặc ngoại xâm đã cướp đi của ta bao nhiêu cảnh quan, di tích. Nếu như nay ta lại để đô thị hóa "nuốt" trọn nét đẹp làng quê trong hòa bình và phát triển thì e rằng những ngôi làng "Hollywood Việt Nam" sẽ biến mất. Chẳng bao lâu nữa, bến nước, gốc đa, sân đình,… sẽ chỉ còn là những thước phim...
Theo ANTD

Các tin cũ hơn