Thanh Hằng là một trong những nghệ sĩ cải lương nổi tiếng cùng thời NSƯT Vũ Linh. Chị đoạt huy chương vàng giải Trần Hữu Trang năm 1991 với vai nữ vương trong Truyền thuyết về tình yêu. Năm 1997, chị tiếp tục đoạt giải Mai Vàng với vở Duyên kiếp của soạn giả Hoàng Song Việt. Không chỉ vậy, Thanh Hằng còn tham gia đóng phim và ghi hình các băng đĩa hài rất ăn khách.
Năm 2001, cô đào đắt show nhất nhì thời điểm đó bất ngờ buông bỏ công danh để sang Australia, chọn cuộc sống bình lặng nhưng hứa hẹn tương lai tốt đẹp cho các con. Chị ra đi lặng lẽ, không khua chiêng dóng trống hay chia sẻ với ai. Điều này khiến không chỉ khán giả mà bầu show cũng phải bất ngờ.
Không chỉ dừng lại ở đây, chuyến hành trình trên đất khách kéo dài 15 năm đến khi trở về nước để tiếp tục con đường nghệ thuật của Thanh Hằng cũng chứa đựng nhiều điều bất ngờ như thế, có cả niềm vui lẫn nỗi buồn.
Thanh Hằng trong Thử tài siêu nhí - chương trình đầu tiên chị tham gia khi chính thức về nước sau lời mời của Hoài Linh. Ảnh: SV. |
Nói về những ngày đầu trên đất khách, Thanh Hằng cho hay khác biệt từ ngôn ngữ, cách sinh hoạt đến lối sống khiến chị từng hụt hẫng. Tuy nhiên, với suy nghĩ “ăn theo thuở, ở theo thì”, nếu cuộc sống không chiều theo nhu cầu của bản thân, chị bắt buộc phải chọn một hướng đi mới để có thể tồn tại cũng như tiêu diệt được những suy nghĩ tiêu cực.
“Tôi phải là tấm gương cho các con của mình thấy rằng mẹ của nó cũng biết chịu thương, chịu khó. Do đó khi các con nhận thức được điều này, tôi rất mừng”, Thanh Hằng nói.
Ban đầu, nữ nghệ sĩ dành thời gian để học tiếng Anh và lái xe hơi để có thể giao tiếp cũng như chủ động đi lại. Một thời gian, Thanh Hằng "ra nghề" nấu cơm và giao cho các gia đình có nhu cầu để kiếm thêm thu nhập.
“Nhờ có chút khả năng nấu nướng nên tôi chọn công việc này trước tiên. Mỗi ngày tôi nấu ba món, để vào hộp rồi tự lái xe đi giao đến các gia đình, mỗi tuần 6 buổi. Với mỗi gia đình như vậy, tôi được khoảng 70 USD. Ngoài việc lãi chút ít, gia đình tôi cũng có thêm phần thức ăn nên đỡ tốn kém tiền đi chợ”, cô kể.
“Nhưng làm việc này cực lắm, tôi phải đi chợ, nấu ăn rồi tự dọn dẹp một mình. Có ngày nấu 10 phần, có ngày lên gấp đôi. Thời gian đầu tôi chưa quen đường nên rất khó khăn”, Thanh Hằng nói thêm. Được một thời gian, chị ngừng việc vì bị đau lưng do làm nhiều việc nặng.
Thanh Hằng trải qua 15 năm vất vả, làm nhiều công việc tay chân ở xứ người. Ảnh: Nguyễn Thành. |
Sau đó, Thanh Hằng được chính phủ Australia tài trợ tiền để đi học nghề. Cô chọn nghề làm nail (làm móng) và có bằng chính thức sau đó 6 tháng. May mắn khi chủ cửa hàng nơi Thanh Hằng đến làm việc là một khán giả mến mộ, nên nữ nghệ sĩ được giao chức quản lý.
Tại đây, dù trách nhiệm là trông nom cửa hàng, nhưng nữ nghệ sĩ vẫn phải tự tay làm móng cho khách và đảm nhận cả việc lau chùi toilet như mọi người.
Tưởng chừng căn bệnh đau lưng trước đây hết hẳn, nhưng làm móng được một năm, bệnh cũ tái phát và thậm chí đau đớn hơn nhiều lần. Đi khám, Thanh Hằng được bác sĩ thông báo mình bị gai cột sống nên không được đứng hay ngồi một chỗ quá lâu, thậm chí có nguy cơ teo cơ.
Được gia đình động viên, Thanh Hằng đi mổ với hy vọng dứt bệnh. Tuy nhiên, xui rủi vẫn chưa hết bởi sau đó, chị lại nhận ra mình bị mòn xương chậu bẩm sinh ở mức độ nặng, đau nhức không kém nên không thể tiếp tục công việc trước đây.
Lần này, Thanh Hằng chuyển sang làm việc tại một quán nước do người em kết nghĩa làm chủ. Và tại đây, cơ duyên tái ngộ nghệ thuật của Thanh Hằng mở ra sau cuộc gặp gỡ đầy bất ngờ với danh hài Hoài Linh.
Hoài Linh gọi Thanh Hằng là chị Hai, ngược lại, với nữ nghệ sĩ này, danh hài cũng là đàn em mà mình có nhiều tình nghĩa.
Khi chứng kiến cảnh “chị Hai” phải làm những công việc trái nghề quá vất vả ở xứ người, Hoài Linh ngỏ ý định mời Thanh Hằng về nước ngồi ghế nóng.
Thanh Hằng nói khi Hoài Linh ngỏ lời, chị đắn đo rất nhiều. Tuy nhiên chính danh hài đã phân tích “chị Hai” hãy sống cho bản thân bởi lúc này, các con đã lớn và học hành đến nơi đến chốn.
Thương mẹ, ba cô con gái của Thanh Hằng cũng khuyên chị cứ thoải mái đi theo đam mê lớn nhất của mình vốn đã được cất giữ quá lâu suốt thời gian qua. Cuối cùng, Thanh Hằng gật đầu đồng ý. Quyết định này cũng mở ra cho nữ nghệ sĩ con đường trở về với cội nguồn.
Thanh Hằng trong một lần về nước đóng phim cùng Hoài Linh. Ảnh: NVCC. |
Nhắc đến Hoài Linh, Thanh Hằng không giấu được sự xúc động. Chị kể: “Khi tôi ở Australia, còn Linh ở Việt Nam, nhưng mỗi khi có khúc mắc, bối rối gì trong lòng, tâm sự với Linh thì mọi thứ được giải tỏa”.
Theo nữ nghệ sĩ, cậu em nổi tiếng của mình có tài khiến người khác nhẹ lòng trút bầu tâm sự. “Nếu bạn thấy trong lòng có điều gì khúc mắc, thử nói chuyện với 'thằng' Linh đi, giải tỏa được liền. Ngộ lắm! Có những lúc tôi buồn thê thảm thiếu điều muốn chết chứ không thiết sống nữa, nhưng điện thoại nói chuyện với Linh, tôi muốn sống trở lại”.
Nói về mối thân tình của mình với đàn em, nghệ sĩ cải lương nói giữa chị và Hoài Linh không chỉ đơn thuần là tình chị - em, mà là cảm xúc xuất phát từ trái tim.
“Linh nói không chỉ coi tôi như người chị trong nghề, mà như người chị ruột thịt trong nhà. Chắc có lẽ cậu em thương một người chị chịu thương chịu khó trong nghề này”, cô rưng rưng tâm sự.
Mới đây, Thanh Hằng được Hoài Linh tặng món quà có giá trị cả vật chất lẫn tinh thần là vòng cổ trầm hương nhân dịp 8/3. Chị nói đây là món quà 8/3 đầu tiên của cả cuộc đời phụ nữ của mình.
“Khi Linh đeo cho tôi, thấy lòng vui và sướng lắm. Nhưng khi về nhà, cầm trên tay mà tôi chảy nước mắt”.
Nói đến đây, chị một lần nữa phải quay lưng để lau vội nước mắt.
Nữ nghệ sĩ xúc động khi nhận món quà 8/3 đầu tiên trong đời mình từ tay người em thân thiết. Ảnh: Facebook. |
Năm 2016, nghệ sĩ cải lương Thanh Hằng về nước hoạt động nghệ thuật trở lại sau 15 năm định cư tại Australia, mở đầu bằng việc ngồi ghế nóng chương trình Thử tài siêu nhí. Tiếp theo đó là các game show Ơn giời cậu đây rồi, Cười xuyên Việt, Ngôi sao Phương Nam, Tình bolero hoan ca, Siêu bất ngờ... hay mới nhất là vị trí giám khảo Tài tử tranh tài cùng Hoài Linh và Phi Nhung.
Sống tha hương 15 năm, do đó niềm vui lớn nhất của nữ nghệ sĩ gắn liền với những những dạng vai độc, vai lẳng này là được khán giả trong nước yêu mến và đón nhận.
“Tôi về nước sau ngần ấy năm cũng giống như lá rụng về cội, nước chảy về nguồn vậy. Tôi rất hạnh phúc khi vẫn được mọi người nhớ đến. Có lẽ do thời đại ngày nay công nghệ tinh vi, dù tôi ở nước ngoài nhưng các đài Việt Nam vẫn chiếu những vở tuồng cải lương xưa có sự tham gia của mình, trên mạng cũng có rất nhiều. Đến năm 2015, khi tham gia làm giám khảo Thử tài siêu nhí, khán giả mới nhận ra Thanh Hằng thật sự về nước chứ không còn nửa nghi nửa ngờ như trước”.
Nghệ sĩ cải lương hào hứng nói thêm nếu như trước đây, khán giả yêu mến mình thuộc đối tượng trung niên đến các cụ già thì sau khi ngồi ghế nóng các chương trình truyền hình, Thanh Hằng cũng rất “được lòng” những bạn trẻ.
“Mỗi năm đã có bao nhiêu nghệ sĩ, chương trình xuất hiện, còn tôi đã vắng bóng đến 15 năm nên khi trở về, cảm giác rất ngỡ ngàng và lo sợ. Nhưng có lẽ do Tổ nghiệp còn thương nên tôi được khán giả dang rộng vòng tay đón chào”.
Về nước, Thanh Hằng được mời tham gia nhiều chương trình lớn. Ảnh: KM. |
Thời gian này, nữ nghệ sĩ 58 tuổi về nước một mình chứ không có con gái đồng hành như những lần trước. Chị sống tại một khách sạn, đi lại nhờ xe của người thân, tuy nhiên Thanh Hằng không lấy đó làm tủi thân hay vất vả. Chị tự nhận mình đã quen với cuộc sống một mình, tự quyết định hết tất cả thay vì phải phụ thuộc vào ý kiến của người khác.
So với khi ở nước ngoài mỗi tuần chỉ đi diễn vào thứ bảy, đời sống văn nghệ rất hạn chế thì lúc này, lịch chạy show của Thanh Hằng trong nước gần như “chóng mặt”. Và đây chính là thứ cảm giác suốt 15 năm qua, người nghệ sĩ tài hoa mong mỏi được một lần trải nghiệm.
Dù không còn hình ảnh rực rỡ như thời hoàng kim của hơn chục năm trước, nhưng với nghệ sĩ Thanh Hằng, hạnh phúc dù đến muộn vẫn rất đáng trân trọng.
Theo Zing