Phương Nga đã lên tiếng kêu oan

Thứ ba, 27/06/2017, 09:15
Một nhân chứng thay đổi lời khai, Phương Nga đã thôi im lặng và trả lời các câu hỏi của tòa, tòa ra lệnh dẫn giải nhân chứng Nguyễn Mai Phương…

Ngày 26-6, phiên xử sơ thẩm vụ hoa hậu Phương Nga và Nguyễn Đức Thùy Dung bị truy tố về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản đã tiếp tục. Bị cáo Phương Nga đã thôi im lặng và trả lời toàn bộ câu hỏi của HĐXX.

Nhân chứng và sự thật trước tòa

Nhân chứng Lữ Minh Nghĩa đã xuất hiện sau hai ngày đầu xét xử không có mặt. Trước tòa, Nghĩa khai là bạn trai từng chung sống như vợ chồng với bị cáo Thùy Dung nên biết về mối quan hệ giữa Phương Nga và ông Cao Toàn Mỹ - người bị hại trong vụ án.

Ông Nghĩa trình bày trước đây khai không biết gì về quan hệ tình cảm này là do chịu sự tác động từ phía ông Mỹ. Từ đó, ông Nghĩa nhiều lần khẳng định lời khai tại tòa là chính xác và phủ nhận những gì đã khai báo trước đây. Nguyên văn lời ông Nghĩa: “Tôi viết trong tường trình là không đúng, tôi không tin CQĐT, tôi để đến hôm nay mới nói lên sự thật trước tòa”.

Lời khai của ông Nghĩa cũng có liên quan nhiều đến bà Nguyễn Mai Phương. Ông Nghĩa khai: “Sau khi Dung và Nga bị bắt, tôi đã gọi điện thoại và gặp chị Mai Phương hỏi lý do thì chị nói anh Mỹ gây sức ép “từ trên xuống” nên chị Mai Phương đỡ không kịp. Sau đó chị Mai Phương nói tôi liên lạc với anh Mỹ. Những lời khai của tôi tại CQĐT đều do anh Mỹ hướng dẫn. Tôi và anh Mỹ liên lạc qua Viber nhưng do điện thoại của tôi bị lỗi nên không lưu lại tin nhắn”.

HĐXX hỏi ông Nghĩa có hay không việc chứng kiến bà Nguyễn Mai Phương đưa giấy tờ cho bị cáo Dung. Ông Nghĩa cho biết trên đường đi uống cà phê về, có nghe Nga và Dung nói về tờ giấy A4. Ở một tình tiết khác, ông Nghĩa khai trong quá trình ông Mỹ kiện Nga thì có bà Phương là người hỗ trợ giải quyết, đàm phán với ai đó.

Bị cáo Nga trả lời thẩm vấn trước tòa.

Phương Nga lên tiếng bảo vệ mình

Bị cáo Dung xác nhận “tin lời khai của ông Nghĩa tại phiên tòa là đúng”. Dung khai hợp đồng tình cảm giữa Nga và Mỹ được hình thành sau khi đôi bên thỏa thuận hai đến ba tháng trước. Hợp đồng trên giấy bị cáo không xem nhưng trên email thì có xem. Dung cũng khai hợp đồng này đang lưu trữ trong máy tính của Nga.

Từ những lời khai này, bị cáo Nga đã lên tiếng bào chữa cho mình sau nhiều ngày im lặng tại tòa. Nga cho rằng không tin CQĐT bởi cơ quan này đã không xem xét, xử lý đến nơi đến chốn các chứng cứ và sợ bị hủy chứng cứ. Phương Nga xác nhận về bản hợp đồng tình ái là có thật, toàn bộ nội dung bản hợp đồng được phát tán trên mạng là đúng và do ông Mỹ gửi cho bị cáo. “Anh Mỹ đã sử dụng rất nhiều email để gửi cho bị cáo nên bị cáo không nhớ hết. Nhưng trong đó có email Mycaotoan, Garrycao...” - Nga trình bày.

Nga khai đi du lịch cùng ông Mỹ ra nước ngoài lẫn trong nước. Lúc đi nước ngoài thì hai người ở chung phòng, còn trong nước thì ở khác phòng. Chi phí thanh toán do ông Mỹ đưa tiền cho bị cáo.

Ngoài ra, bị cáo Phương Nga cũng cho rằng các tài liệu, chứng cứ liên quan đến hợp đồng mua bán nhà là giả và do bà Mai Phương hướng dẫn, tin lời hứa đã lo công an cho Nga không bị tội gì.

Ông Mỹ: “Tôi không muốn Nga vào tù”

Trong phần trả lời luật sư, ông Mỹ xác nhận đã hai lần làm đơn tố cáo Phương Nga, một lần tố cáo về việc mượn tiền không trả, lần sau tố cáo lừa đảo. Giải thích về việc làm đơn tố cáo lần hai, ông Mỹ cho rằng chỉ thực hiện tố cáo khi có đầy đủ chứng cứ về việc bị cáo Nga lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Mục đích chỉ nhằm lấy lại tiền chứ không muốn Phương Nga vào tù.

Theo ông Mỹ, Nga quen biết rộng, nhiều lần Nga kể có bạn trai là người có thế lực trong ngành công an và thế lực này có thể hủy bỏ các bằng chứng liên quan đến vụ việc. Ông Mỹ cũng cho rằng ngoài thế lực của bạn trai Nga thì gia đình Thùy Dung cũng quen biết nhiều người có thế lực nên ông lo sợ. Mặc dù vậy, ông vẫn gửi đơn tố cáo Nga, chỉ mong muốn có thể lấy lại tiền và hai bên có thể đàm phán với nhau.

Ông Mỹ cũng cho rằng do không hiểu rõ mối quan hệ giữa dân sự và hình sự nên mới gửi đơn đến CQĐT, thay vì gửi đơn đến tòa để giải quyết tranh chấp về dân sự. Bản thân ông là người làm kinh tế nên ông cho rằng nếu kiện ra tòa sẽ khó đòi lại tiền nên mới tố cáo Phương Nga.

Ở một diễn biến khác, ông Mỹ xác nhận xuất cảnh có chín chuyến cùng Nga trong vòng hai năm và có bạn trai Nga đi chung. Ngoài ra, ông Mỹ cũng cho biết Nga có hai người bạn trai lớn tuổi. Ông khai bằng chứng có các đoạn ghi âm nhưng nếu công bố sẽ ảnh hưởng đến người khác. Luật sư yêu cầu ông Mỹ cung cấp chứng cứ. Ông Mỹ không đồng ý.

Lộ chuyện “thông cung”?

Qua phần hỏi luật sư, HĐXX đã thẩm vấn lại bị cáo Dung về việc trao đổi thư ra ngoài với bạn trai là ông Nghĩa viết trên giấy nylon khi bị tạm giam. Nội dung thư theo lời khai của Dung là: “Tại sao họ yêu nhau, cho nhau tiền mà giờ lại đầy đủ chứng cứ để kết tội em và Nga?”.

Còn ông Nghĩa khai: “Tôi liên hệ với cán bộ tên N. và cán bộ này sẽ trực tiếp đưa thư cho Dung. Cán bộ N. do chị Mai Phương giới thiệu. Khi nhận thư cán bộ tên N. không mặc sắc phục, chỉ quần đùi, áo thun bình thường. Những lá thư Dung gửi tôi đều nhận từ cán bộ N. Thư tôi gửi Dung có nội dung nói Dung đừng khai linh tinh, đừng khai về mối quan hệ giữa Nga và ông Mỹ”. Xác nhận tại tòa, ông Nghĩa nói có thể nhận dạng được cán bộ này.

Ông Nghĩa cũng khai sau khi Nga bị bắt, ông bị triệu tập khoảng 10 lần. “Bản tường trình tại CQĐT tôi viết là do nhận thông tin Dung bị mất tinh thần, mất cân bằng trong trại giam” - ông Nghĩa trình bày.

Nhận định lời khai của ông Nghĩa hôm nay có ảnh hưởng rất lớn đến vụ án, tòa muốn ông Nghĩa cam kết lời khai của mình đúng sự thật và chịu trách nhiệm. Ông Nghĩa cam kết và bị cáo Dung cũng cam kết như bạn trai mình. Theo Dung, giai đoạn tạm giam cũng có nhiều bị can giam chung biết rõ việc viết thư, trao thư.

Hôm nay (27-6), phiên xử tiếp tục.

Nhân chứng khai gian có thể bị tội

Đáng chú ý, tại phiên tòa xét xử sáng 26-6, tòa đã ký lệnh dẫn giải nhân chứng bí ẩn Nguyễn Mai Phương đến tham gia phiên xử. Lệnh đã được giao cho lực lượng công an tiến hành. Đến cuối buổi chiều, nhân chứng này đã có mặt ở tòa nhưng chưa xuất hiện để thẩm vấn thì tòa tạm nghỉ.

Những ngày xử trước đó, lời khai của nhân vật này tại CQĐT được VKS công bố do vắng mặt. Và suốt quá trình thẩm vấn của tòa, VKS cũng như luật sư và lời khai bị cáo, người liên quan… đều nhắc rất nhiều về phụ nữ tên Mai Phương. Do đó, HĐXX xét thấy cần thiết phải có nhân chứng này tại phiên xử…

Trong vụ này, lời khai của các nhân chứng rất quan trọng, có thể ảnh hưởng đến việc xác định sự thật của vụ án. Vì vậy, tòa đã nói một nhân chứng phải cam kết lời khai của mình là đúng sự thật. Bởi theo luật, nếu nhân chứng khai gian thì có thể bị xem xét xử lý hình sự về tội khai báo gian dối theo Điều 307 BLHS.

Theo PLO

Các tin cũ hơn