Vụ hoa hậu Phương Nga: Bảo vệ nhân chứng hay tạo tiền lệ xấu?

Thứ tư, 28/06/2017, 09:19
Việc nhân chứng Nguyễn Mai Phương được ngồi trong phòng riêng để đối chất trong phiên tòa xử hoa hậu Trương Hồ Phương Nga ngày 27-6 là cần thiết hay không hợp lý?

Mọi người dự phiên tòa ngày 27-6 chỉ nghe được giọng nhân chứng Mai Phương trả lời qua loa âm thanh gắn tại phòng xử

Một trong những chi tiết đáng chú ý tại phiên tòa xét xử bị cáo Trương Hồ Phương Nga ngày 27-6 là việc nhân chứng Nguyễn Mai Phương được tòa cho ngồi phòng cách ly, theo dõi qua màn hình để trả lời thẩm vấn.

PV tiếp tục ghi nhận ý kiến từ góc độ luật pháp xung quanh sự việc này.

Ông Nguyễn Sơn 
(phó chánh án TAND tối cao): Cần thiết thì phải bảo vệ nhân chứng!

Theo quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự thì nhân chứng có quyền yêu cầu được bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp.

Cụ thể, tại điểm a, khoản 3 điều 55 Bộ luật TTHS 2003 thì người làm chứng có quyền “yêu cầu cơ quan triệu tập họ bảo vệ tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản và các quyền, lợi ích hợp pháp khác của mình khi tham gia tố tụng”.

Căn cứ vào quy định của điều luật này, Hội đồng xét xử phiên tòa đã thực hiện việc bảo vệ nhân chứng theo yêu cầu và đã cách ly nhân chứng ngồi riêng.

Luật đã quy định và HĐXX sẽ xem xét mức độ cần thiết của việc có cần ngồi riêng hay không để thực hiện việc bảo vệ nhân chứng. Điều này tùy thuộc vào sự đánh giá của HĐXX vụ án.

Luật gia Phạm Văn Chung: Nhân chứng không được ngồi phòng riêng

Việc tòa án cho phép nhân chứng “đặc biệt” Mai Phương được tham gia phiên tòa từ phòng riêng là không hợp lý. Bởi các lý do sau:

Thứ nhất, trong trường hợp này bà Mai Phương không những là nhân chứng đơn thuần mà qua các lời khai của các bị cáo, nhân chứng khác cho thấy người này có thể có sự liên quan đến các tình tiết mới.

Thứ hai, bà Mai Phương chưa cung cấp và trong thực tế chưa có bất cứ dấu hiệu nào cho thấy tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, người thân thích của bà Mai Phương bị đe dọa khi bà tham gia phiên tòa với vai trò nhân chứng.

Do đó, việc cho phép nhân chứng Mai Phương được tham gia phiên tòa từ phòng riêng là chưa hợp lý. Điều này có thể gây tiền lệ xấu, các nhân chứng khác sẽ tùy tiện đưa ra yêu sách, đòi hỏi vô lý mà việc đáp ứng sẽ gây khó khăn cho cơ quan chức năng.

Ngoài ra, với việc cho bà Mai Phương được quyền ngồi phòng riêng tham dự phiên tòa sẽ tạo ra cảm giác có sự phân biệt giữa các nhân chứng khác.

Vì vậy, theo tôi, tòa án không nên tiếp tục cho phép bà Mai Phương được tham gia phiên tòa từ phòng riêng. Điều này đảm bảo sự công bằng, bình đẳng trước pháp luật của mọi công dân.

Đây là những bức thư viết trên bao nilông được Thùy Dung xác nhận chính tay mình viết và gửi cho bạn trai từ trại giam 

Trong ngày 26-6, Lữ Minh Nghĩa - bạn trai bị cáo Dung, người làm chứng trong vụ án - đã khai với sự giúp đỡ của bà Nguyễn Mai Phương, Nghĩa đã được gặp một cán bộ công an tên N.. Thông qua vị này, Dung đã gửi từ trại giam ra cho Nghĩa hơn 10 lá thư để trao đổi về cách khai báo trong vụ án.

Đến sáng 27-6, Lữ Minh Nghĩa cung cấp cho HĐXX 5 lá thư mà Dung viết trên bao nilông và gửi ra ngoài cho Nghĩa. Bị cáo Dung cũng xác nhận đây là những lá thư bị cáo đã viết và chuyển cho bạn trai thông qua cán bộ công an.

Trao đổi với PV, ông Đặng Quang Phương (nguyên phó chánh án TAND tối cao) cho rằng trong phiên tòa này có rất nhiều lời khai mới, chứng cứ mới và tình tiết mới được các bị cáo, luật sư và người làm chứng cung cấp. Vì vậy HĐXX cần xem xét, kết luận một cách khách quan.

Theo ông Phương, lá thư mà Nghĩa nộp cho HĐXX nếu không thể xác định được ngay đó có phải là chứng cứ hợp pháp hay không thì tòa cần quyết định trưng cầu giám định, trả hồ sơ điều tra bổ sung.

Trong trường hợp này, Viện Kiểm sát cần kiểm sát các biện pháp điều tra xem cơ quan tố tụng có vi phạm điều tra, xâm phạm các hoạt động tư pháp hay không.

Theo TTO

Các tin cũ hơn