Ngày 8/7, tờ Dân trí đưa tin, Bộ Tài chính vừa có công văn gửi Văn phòng Chính phủ báo cáo về dự án Tháp truyền hình Việt Nam và phương án tái cơ cấu vốn đầu tư tại Công ty cổ phần Tháp truyền hình Việt Nam.
Theo đó, đối với dự án Tháp truyền hình, tháng 2/2015, Thủ tướng đã đồng ý cho Đài truyền hình Việt Nam (VTV) phối hợp với Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn (SCIC) lập công ty cổ phần để tham dự án này.
Tuy nhiên, tại công văn ngày 22/5/2017 của VTV có nêu: “Hiện nay, VTV cần tập trung ưu tiên dành nguồn lực đầu tư cho sản xuất chương trình và phát triển kinh doanh trong lĩnh vực truyền hình” và đề nghị “thoái toàn bộ hoặc phần lớn vốn tại công ty”.
Đại diện VTV phủ nhận thông tin xin rút khỏi dự án Tháp truyền hình cao nhất thế giới mà báo chí phản ánh. Ảnh minh họa |
Cũng tại công văn này, VTV cho biết, phía SCIC chủ trương đưa Công ty cổ phần Tháp truyền hình Việt Nam vào danh mục điều chỉnh triển khai thoái vốn (rút 100% vốn khỏi công ty) do dự án… không nằm trong danh mục hiện hữu mà Nhà nước cần chi phối hoặc đầu tư góp vốn trong định hướng phát triển SCIC”.
Hơn nữa, theo VTV, hiện tại dự án trên chưa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, chưa triển khai thực hiện.
Do vậy, Bộ Tài chính đề nghị Văn phòng Chính phủ yêu cầu chủ đầu tư dự án báo cáo lại Thủ tướng Chính phủ về sự cần thiết phải triển khai dự án, mục tiêu thực hiện dự án và năng lực thực hiện dự án của chủ đầu tư. Trường hợp VTV và SCIC không tham gia dự án đồng nghĩa với việc Nhà nước không đầu tư vốn vào dự án.
Sáng 8/7, trả lời PV, ông Nguyễn Thành Lương, Phó Tổng Giám đốc VTV, Trưởng Ban chuẩn bị đầu tư xây dựng tháp Truyền hình Việt Nam phủ nhận thông tin trên.
"Việc này chưa phải", ông Lương khẳng định.
Ông Lương cũng cho biết sẽ thông tin sau đến báo chí về vấn đề này.
Nhiều ý kiến trái chiều
Tháp truyền hình dự kiến cao 636m, với tổng mức đầu tư 900 triệu USD dành riêng để làm khối tháp, còn tổng mức đầu tư cả dự án khái toán lên tới 1,3 - 1,5 tỷ USD. Thời gian hoàn vốn cho tổ hợp dự án tháp truyền hình khoảng 15 năm kể từ ngày đưa vào vận hành khai thác.
Hai đối tác thực hiện cùng VTV dự án này là Tổng Công ty Đầu tư kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) và Tập đoàn BRG của nữ đại gia Nguyễn Thị Nga.
Dự án sau khi được công bố đã nhận nhiều ý kiến trái chiều từ dư luận cũng như các chuyên gia trong lĩnh vực truyền hình, xây dựng.
Đưa ra quan điểm với Đất Việt, TS Phạm Sỹ Liêm - nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng thẳng thắn cho rằng một công trình lớn, quan trọng như vậy cần phải được tính toán kỹ, đừng vì say sưa bất động sản mà bỏ quên mục đích khác.
Đặc biệt, cần làm rõ 3 vấn đề. Một là mục đích, quy hoạch; thứ hai là hiệu quả và thứ ba là cơ chế xây dựng.
Chia sẻ với báo chí, ông Trần Đăng Tuấn - nguyên phó tổng giám đốc VTV, Phó chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam cho rằng đây chưa phải là thời điểm ưu tiên cho dự án.
Theo ông Tuấn, điều quan trọng là liệu có đủ luận chứng tin cậy để chứng minh trong nghiên cứu khả thi là xây tháp truyền hình ở Hà Nội thì kéo theo phát triển những cái gì, và “những cái gì” ấy định lượng ra sao, con số tương đối thế nào.
Du lịch ước tính lợi ích gì, bao nhiêu. Thương mại, giải trí cũng thế. Phát triển đô thị cũng vậy. Dịch vụ truyền dẫn tín hiệu truyền hình và tín hiệu khác cũng thế.
Theo Đất Việt