Có một thực tế là hiện nay phần đông khán giả Việt Nam chăm chỉ tới rạp đều đang trong độ tuổi… hẹn hò. Đi xem phim là một cuộc hẹn thông thường giữa các đôi trẻ yêu nhau, hoặc một nhóm bạn bè tụ tập. Lựa chọn xem phim đôi khi khá ngẫu hứng.
Bởi vậy, dù các nhà sản xuất hay phát hành có thăm dò thị trường kỹ đến đâu, số phận của một phim Việt vẫn bấp bênh và khán giả vẫn muôn phần khó đoán. Có trời mới biết vì sao họ chọn phim này, không chọn phim kia.
Cô gái đến từ hôm qua dành cho đối tượng khán giả từ 28 - 38 tuổi. Ảnh: CJ E&M. |
Thành công của Em chưa 18 (doanh thu 171 tỷ đồng, cao nhất lịch sử phòng vé Việt Nam) đến giờ vẫn gây ngạc nhiên. Nhưng có một nguyên nhân không thể phủ nhận là phim nhắm thẳng vào nhóm khán giả “trên dưới 18”, đang ngồi trên ghế nhà trường. Đây là đối tượng đi xem phim đông đảo nhất.
Còn Cô gái đến từ hôm qua có vẻ như không tạo cơn sốt lớn bằng do đối tượng khán giả lớn hơn một chút. Đó những người từng ngồi trên ghế nhà trường cách đây 10 - 20 năm, nghĩa là đã 28 - 38 tuổi.
Hai bộ phim, đều về tình yêu học trò nhưng đặt ở hai thời đại khác nhau, cách nhau đến 20 năm (2017 và 1997), do đó hoàn toàn khác biệt.
Ở thời đại nào thì tình yêu học đường được phản ánh trong phim luôn là dành cho các… hot boy và hot girl. Nhân vật chính phải xinh, phải đẹp dường như là luật bất thành văn của phim ảnh.
Em chưa 18 lấy bối cảnh hiện tại của năm 2017. Phim bị cho là quá Tây, quá khác biệt so với thế giới học đường Việt Nam hiện nay, rất sành điệu, sang trọng và hào nhoáng. Nhưng đó chính là thế giới học đường trong mơ của học sinh Việt, vốn chịu nhiều ảnh hưởng từ văn hóa Âu - Mỹ 10 năm trở lại đây.
Linh Đan (Kaity Nguyễn) của Em chưa 18 là hot girl học giỏi, còn đối thủ Yến (Châu Bùi) là hot girl sành điệu. Chàng hot boy Tony (Will) - đối tượng tranh giành của hai cô gái - thì vừa học giỏi vừa chơi bóng rổ siêu.
Linh Đan của Em chưa 18 là hot girl hiện đại, rất sành điệu. Ảnh: CGV. |
Đây là một bộ ba chuẩn chỉnh như bước ra từ phim teen Mỹ thập niên 2000, là hình mẫu học sinh được du nhập vào Việt Nam từ cuối những năm 2000 nhờ cơn lốc phim ảnh, âm nhạc, thời trang và sản phẩm làm đẹp đi kèm.
Khán giả được thấy Linh Đan diện áo trễ vai - mốt đang “làm mưa làm gió” mùa hè năm nay - và đeo choker đen thời thượng, hoặc diện váy bó sát màu đen cực sexy trong cảnh đi bar.
Còn Yến, nguyên phim ăn mặc và trang điểm không khác mấy so với Châu Bùi ngoài đời - vốn là một icon thời trang trẻ đang lên.
Hai nhân vật này, dù được phân biệt bằng lời thoại (“học giỏi” và “sành điệu”) nhưng thực ra khá giống nhau. Họ đều là mẫu con gái nóng bỏng, có sức hấp dẫn giới tính.
Sau khi cơn sốt đầu hè Em chưa 18 nguội đi, Cô gái đến từ hôm qua kết lại mùa hè bằng hồi ức năm 1997 (trong truyện là 1988 nhưng đạo diễn Phan Gia Nhật Linh chọn bối cảnh năm 1997 để trùng với thời gian học trung học của chính anh)
Vậy nên hot girl mê đọc sách Việt An (Miu Lê) và hai cô bạn thân toàn diện “mốt” áo dài trắng đồng phục, hoặc đồ thể dục hay váy baby phong cách vintage. Nhìn chung có thể coi là giản dị, nhất là Việt An mặc định để kiểu tóc đen thẳng buông dài, dù đã khá ăn diện so với thời năm 1997.
Nhưng so với Linh Đan cá tính, tính cách của Việt An khá mờ nhạt. Khán giả thời nay không thích điều này.
Còn Việt An của Cô gái đến từ hôm qua là hot girl truyền thống, học giỏi và mê đọc sách. Ảnh: CJ E&M. |
Còn Thư (Ngô Kiến Huy) dù không được mô tả là hot boy nhưng vẫn được hóa thân bởi một diễn viên đẹp trai, và mang một đặc điểm đậm chất Việt, được coi là thế mạnh để đi tán gái ở thời trước: mê thơ. Thời đó, các cô gái thích con trai mê thơ, mê nhạc, nói chung là lãng mạn. Nên Thư “thơ thẩn” vẫn là mẫu con trai sát gái.
Thời thế đổi thay, bây giờ thì sao? Một nữ nhà văn từng tá hỏa khi in sách thơ tình không bán nổi mấy cuốn. Chị cay đắng tổng kết: “Thời nay yêu nhau mà tặng thơ chỉ có bọn dở hơi”.
Yêu là tha thu (tha thứ) là tên một ca khúc nhạc phim của Em chưa 18. Nhưng với tuổi mới lớn ngày nay, yêu cũng “tha” nhau đi nhiều nơi lắm. Trong Em chưa 18, chữ “yêu” gắn liền với thể xác.
“Em và Tony chưa từng làm chuyện đó”, Linh Đan lớn tiếng phân bua trước toàn trường vì bị đồn thổi. Nhưng khi cải trang đi quán bar, cô lại dụ tay chơi Hoàng (Kiều Minh Tuấn) lên giường (nhưng chưa làm gì vì anh ta quá say - một tình huống phi thực tế nhưng biên kịch muốn thế) và quay clip lại để tống tình anh này.
Lại nói về Tony. Sau khi bị Linh Đan phát hiện lừa dối cô và lăng nhăng với Yến, cậu chàng quay sang yêu luôn Yến. Đôi tình nhân học đường này cứ xuất hiện trong cùng một khung hình là hôn nhau kiểu Pháp, hôn rất chuyên nghiệp, kể cả trước mặt Linh Đan chẳng nề hà gì. Lại có lần họ bị bạn bè quay clip truyền tay nhau xem khắp nơi.
Cặp đôi Tony và Yến liên tục hôn nhau mỗi khi xuất hiện. Ảnh: CGV. |
Trái ngược với sự táo bạo ấy là nét rụt rè e ấp giữa Thư và Việt An trong Cô gái đến từ hôm qua. Đó là tình cảm thiên về tinh thần, ít nhiều mơ hồ, mong manh, vừa xa vừa gần.
Thư và Việt An không quá thân thiết, nhưng vẫn nối sợi dây tình cảm qua những cuốn sách, những dòng thơ, những bức tranh vẽ tay và cuốn sổ thời thơ ấu.
Đó đúng là tình yêu thời 20 năm trước, nhìn ngắm từ xa thôi đã thấy lâng lâng, hành động gần gũi nhất cũng dừng lại ở nắm tay.
Mỗi bộ phim theo đuổi câu chuyện khác nhau, nên học sinh trong phim không nhất thiết phải… học. Và Em chưa 18 thẳng tay dẹp bỏ luôn phần này vì không quan trọng với mạch phim.
Linh Đan nổi tiếng học giỏi, nhưng trước dịp kết thúc học kỳ, mối quan tâm duy nhất của cô bé là “ai sẽ đi cùng mình đến tiệc prom” (đồng nghĩa với “ai sẽ yêu mình”) chứ không phải kỳ thi cuối cấp.
Có lẽ, với câu chuyện vốn đã nhiều kịch tính (trả thù tình, tống tình, yêu, ghen tuông, tỏ tình) thì biên kịch khó dành đất cho cảnh Linh Đan cùng bạn bè học bài hay lên Internet tìm kiếm tài liệu ôn thi. Nhưng nếu có những cảnh đó thì cũng thể hiện rất rõ tính thời đại trong phim.
Cũng có thể hiểu, ở thời đại này đời sống xã hội của một học sinh đã được mở rộng rất nhiều so với thời trước. Không gian của họ không chỉ gắn chặt với ngôi trường hay lớp học, mà lan ra các quán café, những chốn tụ tập ăn chơi, các địa điểm du lịch nổi tiếng…
Cô gái đến từ hôm quađúng là… đến từ hôm qua nên học sinh vẫn học bài. Phim gần gũi với học đường hơn khi giữ trang phục đồng phục học sinh đen trắng, không gian trường học, lớp học và sân trường kiểu truyền thống.
Trong Cô gái đến từ hôm qua, ngôi trường là nơi chứng kiến mọi buồn vui của tuổi mới lớn. Ảnh: CJ E&M. |
Các diễn biến chính cũng gắn với những bài học trên lớp - đây là một “đặc sản”, điểm mạnh của truyện Nguyễn Nhật Ánh mà đạo diễn thừa hưởng. Và tất nhiên, phim có cảnh đọc sách. Không chỉ truyền tay, cho mượn, Việt An và Thư còn trò chuyện về sách.
Những cuốn sách cũng là cầu nối tình cảm, khi Thư vẽ hình cô bạn học và gấp vào trang sách. Mối gắn kết cũng được tạo nên nhờ học hành và thi cử. Vì Thư học quá chểnh mảng, Việt An và Hải gầy đã tình nguyện làm thành bộ ba cùng tiến.
Những cuốn sách cũng là cầu nối tình cảm, khi Thư vẽ hình cô bạn học và gấp vào trang sách. Mối gắn kết cũng được tạo nên nhờ học hành và thi cử. Vì Thư học quá chểnh mảng, Việt An và Hải gầy đã tình nguyện làm thành bộ ba cùng tiến.
Cô gái đến từ hôm qua đặt học đường vào đúng vị thế của nó thời trước - là không gian sinh hoạt chính và nơi chứng kiến hầu hết mọi buồn vui của tuổi mới lớn.
Sắp tới, khán giả Việt sẽ được xem thêm một series truyền hình học đường Mỹ sẽ được Việt hóa là Glee. Có thể nói Glee còn Tây hơn Em chưa 18, có yêu đương, tình dục, phản bội, mang bầu tuổi vị thành niên, sinh con (quay cả cảnh sinh đẻ)… Và các học sinh trong phim cũng rất ít khi học bài.
Glee được rất nhiều khán giả trẻ có gu Âu Mỹ yêu thích và rất có thể cũng sẽ thu hút các fan của Em chưa 18.
Charlie Nguyễn, nhà sản xuất của Em chưa 18, nói về thông điệp mà anh cho là quan trọng nhất phim: “Tư tưởng gia đình xuyên suốt phim là tình bạn giữa hai cha con”. Cụ thế là giữa cha con Linh Đan và cha con Hoàng.
Hai ông bố này, lần lượt qua diễn xuất khá duyên của hai diễn viên gạo cội Quang Minh và Chánh Tín. Họ đều cố gắng làm bạn với con.
“Đám cưới người ta còn có thể làm vài lần, chứ prom thì chỉ có một lần trong đời thôi”, ông Hùng (Quang Minh) nói với con gái Linh Đan, như thể thế hệ của ông thời 20-30 năm trước đã thấu hiểu ý nghĩa của tiệc prom.
Ông bố muốn làm bạn với con gái trong Em chưa 18. Ảnh: CGV. |
Thực chất thứ văn hóa này du nhập vào Việt Nam chưa đến 10 năm và chỉ thành trào lưu rầm rộ trong 5 năm trở lại đây. Nhưng dù vậy, nỗ lực hiểu con của ông bố này vẫn rất đáng thán phục.
Còn ông bố của Hoàng (Chánh Tín) lại gây ấn tượng bởi lời khuyên chín chắn nhưng được nói theo cách hài hước, không hề giáo huấn mà như giữa bạn bè với nhau.
Khi Hoàng hoang mang về việc làm cha, ông đã kể lại kinh nghiệm của mình và chốt lại rằng con cái là vô cùng quý giá. Đây cũng là một khoảnh khắc xúc động của phim.
Em chưa 18 khá thành công về “tình bạn giữa cha và con”, dù sự nỗ lực và chủ động đến từ các ông bố nhiều hơn.
Trong khi đó, nhược điểm của Cô gái đến từ hôm qua là hình ảnh của các bậc phụ huynh rất mờ nhạt, chưa nói đến chuyện làm bạn với con. Một bộ phim tốt không nên lãng phí các nhân vật phụ, nhưng các nhân vật phụ huynh trong Cô gái đến từ hôm qua chỉ xuất hiện để gọi con (“Tiểu Li, đi thôi con”, hay “Thư đó hả, Tiểu Li ốm đó, con sang thăm đi”…).
Trong cảnh phim đau lòng khi Thư và Tiểu Li từ biệt nhau giữa đêm mưa, mẹ cô bé vẫn chỉ đóng vai trò gọi con ra xe (cô bé đang khóc dàn dụa), thay vì xuất hiện một cách xúc động hơn.
Nguyên nhân khá rõ ràng. Bởi quan niệm hiện đại “làm bạn với con” chỉ xuất hiện gần đây, và được thế hệ 9x, 2000 đặc biệt đề cao. Còn trước đó, nói cha mẹ “làm bạn với con” là chuyện khá xa lạ. Đây là điểm thể hiện rõ khác biệt về thời đại giữa hai phim.
Điện ảnh Việt Nam đang rất cần những soi chiếu thú vị như Em chưa 18 và Cô gái đến từ hôm qua.
Theo Zing